Vụ nữ sinh bị đánh vì ‘không nghe lời lớp trưởng’:

Quyền năng của bạo lực(!)

Thứ Tư, 11/03/2015, 21:28
Quan điểm cá nhân tôi nghĩ, lỗi để một đứa trẻ trở nên hung hăng và xem bạo lực là quyền năng bắt nguồn chính từ gia đình.
Khoan vội trách những thầy cô ở trường Trung học Cơ sở Lý Tự Trọng, TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) vì đã không quan tâm sâu sát đến học trò để một vụ hành hung nghiêm trọng diễn ra tại trường mà mãi 2 tháng sau, khi đoạn clip chấn động dư luận xuấn hiện thì thầy cô mới hoảng hốt. Bởi tôi tin rằng, nếu bạn đã trải qua những ngày ngồi trên ghế nhà trường, bạn thừa hiểu có những chuyện “tuyệt mật” chỉ học sinh mới có thể biết được với nhau.

Cũng khoan vội trách cái chức lớp trưởng đã biến cô bé nữ sinh lớp 7 trở thành một đàn chị trong lớp, hễ sai bảo ai không được là xua “đàn em” (những cô bạn, cậu bàn cùng lớp) hành hung.

1. Cộng đồng mạng và truyền thông lẫn dư luận đang rất sốc về đoạn clip xuất hiện trên mạng cách đây 2 ngày. Đoạn clip ghi lại cảnh nhiều nam sinh, nữ sinh dùng tay, chân, ghế nhựa tấn công một nữ sinh cùng lớp. Nữ sinh dáng người nhỏ thó chỉ biết khóc, tránh né trong tuyệt vọng, chịu đựng.

Rất nhanh chóng, địa chỉ của ngôi trường, phòng học diễn ra vụ hành hung, danh tính của cả nạn nhân lẫn “hung thủ” được làm sáng tỏ.

Nguyên nhân nữ sinh bị nhóm bạn cùng khối tấn công vì không nghe lời lớp trưởng sai bảo. Nữ sinh bị tấn công đến thương tích với những vết trầy xước, đầu sung to, lưng tìm bầm... Nhưng khi người thân truy xét nguyên nhân, nữ sinh trả lời “con bị ngã cầu thang”, người thân  nghe vậy biết vậy. Nhiều ngày sau, nữ sinh này liên tục xin nghỉ học nửa buổi vì hoảng loạn.

Mãi cho đến lúc đoạn clip nữ sinh được chính bạn lớp trưởng tung lên facebook cá nhân thì gia đình của nữ sinh này mới hiểu rõ mọi chuyện. Lúc này, nữ sinh mới nói thật. Nữ sinh chọn cách im lặng là vì, “Nếu nói, bạn sẽ đánh con tiếp”.

2. Suốt thời học sinh rồi sinh viên, tôi có những cậu bạn, cô bạn làm lớp trưởng rất mẫu mực, học giỏi, chăm ngoan, nghiêm túc chấp hành kỷ luật của nhà trường. Thậm chí có cô cậu còn hơi rụt rè.

Tôi không nghĩ rằng, xóa bỏ hình thức bầu lớp trưởng trong một lớp học là điều nên làm. Bởi theo quan điểm cá nhân, lớp trưởng chính là một kênh thông tin quan trọng đối với giáo viên chủ nhiệm lớp. Tôi tin rằng, không giáo viên chủ nhiệm lớp nào đủ khả năng nắm bắt được toàn bộ câu chuyện về học sinh của mình. Đặc biệt là khi các em đang trong độ tuổi hiếu thắng, bồng bột và thích chứng tỏ.

Tôi cũng không nghĩ rằng, chỉ có một vụ tấn công theo dạng rất nghiêm trọng như vậy xảy ra ở trường Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh). Còn có rất nhiều vụ nữ sinh, nam sinh tấn công bạn học ở nhiều ngôi trường khác trên phạm vi toàn quốc. Có những vụ việc mà hậu quả vô cùng đau lòng.

Rất khó để một nam sinh hay một nữ sinh tự nguyện trình bày toàn bộ câu chuyện, “Em đã bị đánh như thế nào? Vì sao các bạn lại đánh em?”… Vì nhiều lý do, trong đó lý do chính nhất vẫn là, “Các em thật sự sợ hãi sau khi bị bạn cùng lớp, cùng khối, cùng trường tấn công tập thể”. Điều này chỉ có thể hiện hữu, nếu như phụ huynh đủ sức trở thành một người bạn thân của con mình suốt từ bé cho đến lớn.

3. Điều lo lắng nhất, theo tôi chính là tư duy “quyền năng của bạo lực” của những nam sinh, nữ sinh hiện tại. Những cô cậu này sử dụng bạo lực với bạn bè một cách không khoan nhượng, tàn nhẫn và nhiều lúc là “ngẫu hứng”.

Chính vì tư duy này, mới nẩy sinh ra chuyện những nữ sinh nam sinh thản nhiên dùng điện thoại di động quay phim lại rồi post lên facebook, các trang mạng, diễn đàn hay chia sẻ với nhau để cùng xem “một chiến tích”.

Những cô cậu ấy khoe khoang điều rất không nên xảy ra ở môi trường giáo dục một cách đầy hồn nhiên.

Lỗi này có căn nguyên từ đâu. Phải có một cuộc điều tra xã hội học nghiêm túc mới đưa ra được một đáp án thỏa đáng. Và phải có một phong trào nói không với bạo lực học đường thực hiện đầy chỉn chu mới hy vọng hiện tượng hành hung bạn trở nên cá biệt, đơn lẻ.

Thế nhưng, quan điểm cá nhân tôi nghĩ, lỗi để một đứa trẻ trở nên hung hăng và xem bạo lực là quyền năng bắt nguồn chính từ gia đình.

Ngô Kinh Luân
.
.
.