Du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL: Đến một địa phương biết được cả vùng

Thứ Hai, 01/10/2018, 10:36
Ngày 1-10, tại TP Long Xuyên, Tổng cục Du lịch phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương, UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt du lịch nông nghiệp khu vực ĐBSCL”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, mặc dù đã có những vận dụng sáng tạo trong việc khai thác du lịch nông nghiệp nhưng phần lớn các sản phẩm du lịch tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ yếu vẫn dựa vào yếu tố tài nguyên sinh thái, tự nhiên, dẫn tới sự trùng lặp, đơn điệu về sản phẩm. Thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch tại vùng còn thấp. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Đồng thời, ĐBSCL chưa có nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp được khai thác chuyên nghiệp kết hợp được đồng thời hai yếu tố sản xuất và dịch vụ, giá trị gia tăng trong chuỗi liên kết du lịch và nông nghiệp chưa được khai thác tương xứng với thế mạnh của một trong những vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước…

Hơn lúc nào hết giữa du lịch và nông nghiệp và nông dân phải có sự liên kết chặt chẽ và cần có giải pháp hiệu quả để phát triển. 

Ông Nguyễn Đạo Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho hay du lịch nông nghiệp được thế giới coi trọng vì đem lại nhiều giá trị nhiều mặt, đóng góp phát triển KT - XH. Năm 2017, ĐBSCL đã đón tiếp trên 20 triệu lượt khách tăng trung bình 9%/năm. 

Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) được xem là một trong những điểm du lịch gắn với nông nghiệp tại ĐBSCL.

Mặc dù lượng khách đến khu vực có sự tăng trưởng nhưng lượng khách lưu trú tại khu vực rất thấp (hơn 2 triệu khách lưu trú trong tổng số 20 triệu lượt khách). Mức chi tiêu của du khách đến vùng ĐBSCL còn thấp (chỉ khoảng 22 USD/du khách/ngày), so với chi tiêu bình quân của khách du lịch Việt Nam.

Cá lóc bay của nông dân tại Cồn Sơn (TP Cần Thơ) là điểm đến hấp dẫn của du khách.

Du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL xuất phát từ đặc điểm quy mô canh tác nhỏ, lạc hậu; hoạt động canh tác, sản xuất thường đan xen với nhiều hoạt động kinh tế khác nên khai thác tiềm năng còn gặp nhiều khó khăn. 

Cụ thể, sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, đơn điệu về dịch vụ, thiếu tính chuyên nghiệp, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên có sẵn nên nghèo nàn và trùng lắp. Phần lớn các trang trại, nhà vườn du lịch chưa được đầu tư theo chiều sâu với quy mô và chất lượng để có thể trở thành sản phẩm chuyên biệt, có năng lực cạnh tranh cao. 

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định: “Tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL việc đầu tư du lịch gắn với nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Việc quy hoạch không gian sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn để đảm bảo thu hút đầu tư phục vụ du lịch gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL có quy mô vừa và nhỏ, nên việc đầu tư cho phát triển du lịch gặp khó khăn nếu không có chiến lược phát triển và chính sách hỗ trợ phù hợp. Ngoài hoạt động sản xuất nông nghiệp, để khai thác du lịch cần phải đầu tư để tạo dựng cảnh quan, xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, thu hút lao động, bồi dưỡng thuyết minh, hướng dẫn viên... Và việc đầu tư cũng cần thời gian lâu dài”.




Trần Lĩnh
.
.
.