Đề nghị xử lý hình sự doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Thứ Năm, 06/12/2018, 19:40

Ngày 6-12, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ có kiến nghị đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh cùng các Sở, ngành liên quan để giải quyết những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, khai thác các loại khoáng sản gồm vàng, đá và đất san lấp.


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 73 giấy phép khai thác vàng, đá, đất san lấp đang còn hiệu lực, trong đó có 24 giấy phép khai thác đá xây dựng, 40 mỏ đất san lấp và 9 mỏ vàng.

Hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) đã góp phần đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ các công trình, dự án; cung cấp nguyên vật liệu cho ngành công nghiệp giải quyết việc làm, đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực cũng bộc lộ nhiều thiếu sót, bất cập như thất thoát, lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách và tác động, ảnh hưởng nhiều mặt đến môi trường.

Người dân khai thác trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu

Kết quả giám sát cho thấy, công tác quy hoạch, cấp phép KTKS chưa thật sự hợp lý. Việc cấp phép khai thác chưa đánh giá đầy đủ mối quan hệ về lợi ích kinh tế với tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội do KTKS gây ra. Một số mỏ đá, đất san lấp gần các di tích lịch sử, các công trình thủy lợi, khu dân cư, quá trình khai thác nổ mìn, rung chấn đã gây ảnh hưởng đến nhà của người dân và các công trình.

Việc thẩm định thiết kế mỏ, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và trong hoạt động KTKS nói riêng chưa được tiến hành thường xuyên và nên kém hiệu

Có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng giấy phép tận thu khoáng sản trong thực hiện các dự án đầu tư, chăn nuôi, dự án khác để khai thác đất, đá với khối lượng lớn dẫn đến thất thu ngân sách, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, biến dạng mặt bằng không thể sử dụng cho các mục đích đã được cấp phép...

Từ thực tiễn giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các dự án khai thác khoáng sản từ năm 2016 đến năm 2018, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung quy định thời hạn để tổ chức, cá nhân KTKS thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai. 

Một vàng tại huyện Phước Sơn với nhiều vấn đề về môi trường cần xử lý

Ban cũng đề nghị sửa đổi quy định số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường gồm tổng kinh phí thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường và kinh phí lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm.

Đối với những đơn vị khai thác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vi phạm BVMT nhiều lần gây bức xúc trong nhân dân, phải thu hồi giấy phép hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép, đề xuất xử lý hình sự...



Thân Lai
.
.
.