Để không là nạn nhân của những tên cướp khoác áo xe ôm

Thứ Tư, 12/06/2019, 07:38
Không chỉ vụ du khách người Nga tố cáo tài xế giật mất chiếc điện thoại mà nhiều vụ các đối tượng giả danh tài xế xe ôm công nghệ để thực hiện hành vi cướp.


Rất nhiều đối tượng lợi dụng vào chiếc áo xe ôm công nghệ khoác trên người lừa những người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, không kiểm chứng thông tin trước khi lên xe để trở thành “con mồi” của các đối tượng cướp giật, trộm cắp. Tình trạng bát nháo, thật giả lẫn lộn giữa tài xế xe ôm công nghệ được tuyển dụng đàng hoàng và những tài xế giả danh đang gây bức xúc trong dư luận…

Xe ôm công nghê phát triển nhanh đặt ra khó khăn cho công tác quản lý.

Công an quận 1, TP Hồ Chí Minh đang tổ chức lấy lời khai nhân chứng, xác định đối tượng gây ra vụ cướp giật tài sản của chị Olga Hasan (29 tuổi, quốc tịch Nga, lưu trú tại quận 1, TP Hồ Chí Minh). 

Theo tường trình của chị Olga Hasan, khoảng 21h ngày 5-6, chị Olga Hasan đứng trên đường Lý Tự Trọng (phường Bến Nghé, quận 1) đặt xe Grab đến đường Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1). Khoảng 5 phút sau, có một nam thanh niên đội nón Grab đến và nói nữ du khách đã đặt xe nên tới đón. 

Chị Olga Hasan không kiểm tra lại thông tin trên app điện thoại mà leo lên xe của tài xế xe ôm này. Khi đến giao lộ Nguyễn Du – Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1) tài xế này mượn điện thoại của chị Olga Hasan để xem đường sau đó nhờ chị Olga Hasan lượm giùm chiếc giày bị rơi. Chị Olga Hasan vừa rời xe thì tài xế này tăng ga bỏ chạy.

Sau khi tài khoản của người chạy xe Grab bị tung lên mạng xã hội rất nhiều người bất bình vào bình luận bằng những lời lẽ thậm tệ, tuy nhiên khi làm việc với Công an quận 1, anh Nguyễn Minh T (22 tuổi, sinh viên, chạy Grab) người bị dân mạng truy lùng vì cướp điện thoại của du khách vô cùng bức xúc. 

Anh T. cho hay, tối 5-6, anh nhận cuốc xe của nữ du khách tuy nhiên đến nơi đợi không thấy nữ du khách xuống nên anh T. bấm lệnh hủy chuyến và rời đi. 

Ngay cả nữ du khách Olga Hasan sau khi đối chứng đã xác định anh T. không phải là người đến đón mình. Người cướp chiếc điện thoại của nữ du khách cao to hơn anh T. Với những chứng cứ thu thập được, Công an quận 1 xác định đây là vụ cướp giật mà đối tượng là người giả danh tài xế xe ôm công nghệ.

Không kiểm tra thông tin, không đặt cước xe qua app ứng dụng của các hãng xe ôm công nghệ, nhiều khách hàng cứ thấy người chạy xe mặc áo xe ôm công nghệ là ngã giá không qua app nên vô tình trở thành “con mồi” của các đối tượng. 

Từng là nạn nhân của các đối tượng giả danh xe ôm công nghệ, chị N.T.H.T (23 tuổi, ngụ Tân Bình) tự mình rút ra kinh nghiệm không bao giờ đi xe ôm công nghệ mà không đặt qua app. 

Rạng sáng 13-3, chị T. đi trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, thì thấy một tài xế mặc áo Grab nên ngoắc lại yêu cầu chở về Tân Bình. Khi về gần đến nhà chị T. bị người mặc áo Grab này dùng dao khống chế cướp chiếc iPhone 7 rồi tẩu thoát. 

Bị cướp, không có thông tin về đối tượng nên đến giờ chị T. cũng không biết đối tượng bị bắt hay chưa hay vẫn tiếp tục sử dụng thủ đoạn này để cướp tài sản của các nạn nhân mới. Cảnh bát nháo này thường diễn ra tại các khu vực công cộng, đông người qua lại như bến xe, sân bay. 

Tại khu vực trước bến xe miền Đông, quận Bình Thạnh, khi chúng tôi thử đến hỏi cánh tài xế chạy Grab tại đây để về quận 6 thì một số tài xế khoác tay không nhận khách. Một số tài xế khác thì xúm xít chạy đến hỏi về đâu. 

Khi chúng tôi nói địa chỉ thì một “bác tài” khoảng 40 tuổi lấy điện thoại ra bấm rồi ra giá 210 ngàn đồng. Chúng tôi kiểm chứng lại quãng đường này qua ứng dụng nếu trả qua thẻ ATM chỉ 72.000 đồng, nếu trả tiền mặt thì chỉ gần 100 ngàn đồng. Biết hét giá quá cao, bác tài này chốt giá 150 ngàn đồng mà không cần đặt qua ứng dụng. 

Theo tìm hiểu, những người không rành ứng dụng đặt xe ôm công nghệ thường bị ép giá cao gấp 3-5 lần so với đặt qua ứng dụng. Nhiều người sau khi lên xe chê mắc thì bị những “bác tài” giả danh này hù dọa.

Một số người dân phản ánh, dường như tại các khu vực công cộng như bến xe miền Đông, bến xe miền Tây, sân bay có một “luật ngầm” riêng mà cánh tài xế xe ôm công nghệ phải tuân thủ, đó là khu vực dễ đón khách nhất, xe ôm công nghệ “chính chủ” không được tiếp cận mà phải đứng đón cách đó hàng chục mét. 

Các nhóm tài xế xe ôm công nghệ giả dạng thường chèo kéo khách đi xe của mình với giá ngoài ứng dụng, nếu khách không muốn đi thường bị những nhóm người này hăm he, đe dọa. Có nhiều người thấy phiền phức nên khi bị chèo kéo lên đại xe để đi nên trở thành “con mồi của những đối tượng giả dạng, vì vậy nhiều vụ cướp giật đã xảy ra.

Một đại diện của hãng xe ôm công nghệ có văn phòng tại TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân, khi muốn sử dụng dịch vụ cần đặt qua ứng dụng, kiểm tra kỹ thông tin tài xế, biển số xe để tránh bị lừa đảo, bị gặp đối tượng xấu. Có nhiều trường hợp tài xế xe ôm công nghệ có hợp đồng chính thức với hãng nhưng vì bản chất không thật thà của tài xế đã cố tình nhập điểm đón và và điểm đến không rõ ràng khi khách không đặt xe thông qua ứng dụng mà hỏi xe ôm công nghệ “vãng lai” để lấy giá cao hơn so với thực tế. Người dân cần tỉnh táo để tránh những cuốc xe “trời ơi” hay đụng phải các đối tượng cướp giật giả dạng tài xế xe ôm công nghệ.

Anh Thư
.
.
.