Đẩy mạnh vai trò gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em
- Điều tra xâm hại trẻ em - lời kể từ người trong cuộc
- Biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em
- Phòng chống xâm hại trẻ em Cha mẹ đừng im lặng
Việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục là vấn đề cấp thiết, cần sự tham gia vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng.
Để phát huy vai trò của gia đình trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, ngày 28-6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo “Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em” với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia về văn hóa, gia đình, trẻ em, xã hội học, nhà báo…
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Tạ Quang Đông khẳng định: Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược con người, góp phần tạo ra nguồn nhân lực cho quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, thời gian qua, xã hội còn phải chứng kiến một số gia đình, tổ chức thiếu trách nhiệm với trẻ em, chưa coi trọng vấn đề bảo vệ trẻ em, thiếu hiểu biết về luật pháp, không nhận thức được các hành vi vi phạm quyền trẻ em dẫn đến thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn yếu.
Hội thảo về vai trò của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em tại Hà Nội ngày 28-6. |
Một số địa phương chưa khơi dậy và phát huy hết các nguồn lực, vai trò, trách nhiệm của gia đình, trường học, cộng đồng cơ sở đối với bảo vệ, chăm sóc trẻ em; công tác truyền thông vận động để mọi người dân thực hiện tốt các văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em còn hạn chế, chưa rộng khắp. Năm 2018, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý sơ thẩm 1.481 vụ với 1.620 bị cáo xâm hại trẻ em.
Cũng theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục là vấn đề cấp thiết, cần sự tham gia vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng.
Hội thảo là cơ hội để đại diện các Bộ, Ban, ngành, các nhà khoa học, chuyên gia và những tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia công tác gia đình và trẻ em cùng chia sẻ, thảo luận, đánh giá, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò, trách nhiệm của gia đình, các thành viên gia đình cũng như những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng, chống xâm hại trẻ em.
Từ đó, đề xuất giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm phát huy vai trò của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng làm rõ hơn vai trò của gia đình, các thành viên gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em, chia sẻ những kiến thức, kỹ năng mà các thành viên gia đình cần biết để phòng, chống xâm hại trẻ em. Nhiều đề xuất, kiến nghị các giải pháp hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn để phát huy vai trò của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em, góp phần giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em hiện nay.
Tiến sĩ Đặng Bích Thủy, cán bộ Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới- Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chỉ ra rằng, các gia đình còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện vai trò của mình trong vấn đề cung cấp các kiến thức về các nguy cơ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em và trang bị cho trẻ em các kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
Theo nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Gia đình chủ trì thì chỉ có từ 15,6% đến 21,8% người được khảo sát hướng dẫn con em thường xuyên các hành vi nguy cơ bị quấy rối/ xâm hại tình dục, quan hệ tình dục trước hôn nhân và bị lạm dụng lao động.
Chỉ có 18,9% người tham gia khảo sát quan niệm rằng hành vi quan hệ tình dục với trẻ em mặc dù trẻ đồng ý, 9,6% cho rằng cho trẻ em xem phim ảnh đồi trụy/có nội dung khiêu dâm, 2,2% quan niệm rằng cho trẻ em xem bộ phận sinh dục/phô bày bộ phận sinh dục và 1,9% quan niệm rằng nói những từ tục tĩu với trẻ là xâm hại tình dục…
Sự thiếu hụt kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ em tự bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ bị xâm hại tình dục là rào cản lớn đối với việc thực hiện vai trò của gia đình trong phòng, tránh xâm hại tình dục trẻ em.
Để tăng cường vai trò của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em, TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình cho rằng bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các văn bản, đề án về công tác gia đình, công tác trẻ em đã được phê duyệt, đưa những nội dung về trẻ em vào các văn bản ban hành về công tác gia đình phù hợp với giai đoạn mới thì cần có sự phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cụ thể về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong gia đình.
Đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ phòng, chống bạo lực, xâm hại và lạm dụng trẻ em khi thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch; về vai trò của gia đình là nơi bắt đầu trong việc hình thành, giáo dục đạo đức, nhân cách con người Việt Nam...
Thạc sĩ Đặng Kim Thoa, cán bộ Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý của các cấp chính quyền cùng các đoàn thể xã hội tổ chức quản lý con người, tổ chức quản lý phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và bạo lực gia đình, phát động các phong trào thi đua xây dựng văn hóa gia đình, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình điển hình.
Các cấp chính quyền phải thẳng tay, cách ly tội phạm, cách ly người bị vướng vào các tệ nạn xã hội, khi nào hoàn lương mới cho tái hòa nhập cộng đồng xã hội. Về lâu dài, phải là giáo dục lối sống đạo đức truyền thống, văn hóa ứng xử gia đình từ trong bài học đầu đời của học sinh cho đến mọi mặt hoạt động khác của xã hội…