Đào Nhật Tân khoe sắc trên đất võ

Thứ Năm, 01/02/2018, 09:26
"Người ta vẫn bảo đào xứ Bắc không thể ra hoa ở miền Trung nắng nóng. Nhưng vườn đào hơn trăm gốc của tôi năm nào cũng ra hoa vào đúng ngày Tết. Mà cũng lạ, ở đây chẳng ai trồng được, dù tôi đã hướng dẫn kỹ thuật trồng, cách chăm sóc cho họ", anh Phạm Văn Tạo (46 tuổi, ở thôn Bỉnh Đức, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) - người trồng được đào Nhật Tân duy nhất ở Bình Định hào hứng khoe.


1.Với lòng say mê, hơn 30 năm qua, anh Tạo đã chăm chút cho loại cây này bung hoa đúng dịp Tết để làm cho mùa xuân ở miền "đất võ trời văn" càng thêm náo nức, rộn ràng. Giống đào anh đang trồng chính là loại bích đào Nhật Tân nổi danh xứ Bắc.

Hoa đào là niềm vui, nguồn hứng thú vào dịp Tết của cha anh. Mẹ anh người Thanh Hóa. Cha anh có một thời gian sinh sống nơi quê vợ. Mỗi dịp Tết, ông cụ đều ra Thủ đô chọn mua một cành đào. Năm 1986, ông về tỉnh Gia Lai sinh sống và không quên mang theo hai gốc đào nhỏ ghé quê nhà Bình Định cho cậu con trai chăm sóc.

Được cha "giao nhiệm vụ", anh Tạo chăm sóc kỹ. Chẳng ai ngờ rằng hai gốc đào khẳng khiu lại lớn lên từng ngày dù khí hậu nơi đây chẳng hợp. Sau đó, anh học cách nhân giống cây đào bằng cách chiết cành và học hỏi thêm kinh nghiệm trong một chương trình hướng dẫn chăm đào được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Anh Tạo dành nhiều tâm huyết chăm sóc cho vườn đào của mình.

Những ngày đầu, anh Tạo gặp khá nhiều trở ngại. Một phần bởi thiếu kinh nghiệm, phần thì các loại sâu bệnh hại thân đào khiến nhựa tứa ra làm cạn kiệt sức sống. Nhất là khí hậu không tương thích, miền Trung nắng gió thất thường, bão lụt triền miên. Mà đào là giống nắng không ưa, mưa không chịu. Nắng quá hay mưa quá đều có hại cho đào.

Loay hoay mất một thời gian, anh đã tìm ra được bí quyết ghép thành công để có được những cây bích đào Nhật Tân sinh trưởng tốt ngay trên vườn của mình. Để có cành đào đẹp, anh phải thường xuyên ngắt đọt, kéo dãn nhánh để gốc tỏa nhánh ra vun đầy. Anh bảo, nếu làm không khéo, đào đẻ nhánh ít, cây suông đuột thì coi như hỏng dáng đào xuân.

Nhưng điều làm anh Tạo đau đầu là chẳng thể nào bắt những cây đào đó ra hoa được, dù đã thử đủ mọi cách. Sau nhiều ngày suy ngẫm lý giải nguyên nhân thất bại, anh mới nhận ra rằng những kiến thức, kinh nghiệm đã học là không sai, nhưng áp dụng y nguyên như vậy trên những cây đào của mình là chưa phù hợp, vì đào của anh trồng thời tiết khác xứ Bắc.

Biết được nguyên nhân chính nằm ở sự khác biệt về khí hậu, anh lại tiếp tục áp dụng những kiến thức đã học, nhưng làm một cách linh hoạt, có gia giảm, thêm bớt. Và rồi, những cây đào đã không phụ anh. Năm 1990, tỷ lệ ra hoa đạt tới 80%. Hoa đào có màu sắc đẹp không thua kém gì đào trồng ngoài Hà Nội. Hoa lại để được lâu hơn so với những cành đào mang từ ngoài Bắc vào vì được nảy đâm nụ, nở hoa ngay trong khí hậu của nơi này.

Với anh Tạo, muốn cho đào ra hoa đúng vào ngày Tết, không thể cứ cứng nhắc chọn một ngày nào đó trước Tết để xuống lá, mà việc xuống lá phải tùy theo thời tiết cụ thể và tùy vào trạng thái của từng cây đào.

Tức là trong một vườn đào, mỗi cây đào sẽ có thời gian xuống lá riêng biệt, không cây nào giống cây nào. Đó chính là bí quyết để đến nay anh đã thành công trong việc cho đào nở hoa đúng vào ngày Tết. Và cũng vì bí quyết đó mà khi có người ở xa gọi điện tới đề nghị cho họ biết ngày nào nên xuống lá đào, anh không dám nhận.

"Không phải là tôi giấu nghề. Mà vì trong vườn đào nhà, tôi còn phải theo dõi rất kỹ tình trạng của từng cây và thời tiết, cũng như dựa theo chế độ đã chăm sóc, bón phân cuối cùng rồi mới chọn thời điểm nào cần phải xuống lá. Do vậy, tôi không dám chỉ cho người ta khi không biết được tình trạng cụ thể cây đào của họ, vì cây đó được trồng ở những nơi ít nhiều có sự khác biệt về khí hậu so với vườn nhà tôi", anh Tạo tâm sự.

Quả thật, nghề chơi cũng lắm công phu. Sau khi lặt lá đào, anh Tạo lần nữa bấm lại hết đọt để cây tập trung dinh dưỡng nuôi búp. Sau khi khoanh vỏ, từ nách lá, những nụ mầm xuất hiện, nhiều người chưa biết cứ nghĩ đó là những con rầy nâu đang bám vào cành. Thật ra, đằng sau lớp áo ngụy trang tưởng chừng héo rũ kia là một mầm sống đang âm thầm trỗi dậy, nảy nở ngày càng bụ bẫm để đợi gió đông về bung tỏa, khoe sắc rực rỡ đón xuân.

2.Cứ mỗi độ xuân về, người người lại háo hức đến đây tìm mua những cành bích đào Nhật Tân thật đẹp. Theo anh Tạo, đầu tháng chạp khách bắt đầu đến vườn đào chỉ gốc đặt cành. Sau đó, anh ghi tên rồi để trong túi nilon treo trên cành đào để đánh dấu là "hoa đã có chủ". Tầm 25 tháng chạp, khách đến đông để lấy cành đã đặt, mỗi ngày vườn anh đón vài ba chục khách. Họ đa phần là người quê gốc xứ Bắc, sống ở Bình Định. Năm nào cũng vậy, họ lên tận nơi mua đào mang về chưng trong dịp Tết, để khuây khỏa nỗi nhớ quê nhà.

Anh Tạo bảo, để kiếm được một cành đào như ý chơi Tết là cả một vấn đề, không phải năm nào cũng có đào đẹp để mua nên khách hàng thường đến sớm nhìn ngắm kỹ lưỡng, cành có thế đẹp, chắc chắn rằng nụ hoa tươi thì mới chọn. Vì thế mà với anh, từ động tác khoanh vỏ đúng thời hạn, đến bón phân hữu cơ, mớm nước cho đào sinh nụ là cả một hành trình gian nan, đòi hỏi lòng kiên nhẫn.

Trước khi gửi gắm đào cho khách, sau công đoạn cắt cành, anh Tạo tiến hành thui gốc để nhựa cây khỏi thoát ra ngoài, tập trung dinh dưỡng còn lại trong thân nuôi búp và hoa. Hoa đào giữ được từ 10 đến 15 ngày tùy theo cách chăm sóc của người chơi và nở đến khi hết búp mới thôi. "Đào chuộng nước và đặc biệt phải là nước ngọt. Muốn giữ sắc đào lâu phai thì bỏ thêm viên vitamin B1 hoặc ít đường cát vào, đào sẽ vắt cạn sức mình bung nở những sắc màu tươi thắm", anh Tạo chia sẻ.

Những nụ hoa đào đã khoe sắc đón Tết.

Nói rồi, anh Tạo bảo, chưa có năm nào như năm nay, mưa lũ liên tục, dẫu đào được anh trồng ở vùng đất cao, loại đất pha cát để dễ rút nước nhưng vẫn có vài cây bị úng thủy vì mưa gió quá dữ dội. Dù anh đã đào gốc bỏ qua một chậu khác nhưng vẫn không cứu được. Nghe anh nói, tôi quan sát trên mảnh vườn, có ba gốc đào đang rũ lá, rồi quay sang nhìn ánh mắt của anh, dường như có gì đó mất mát vượt ngoài giá trị vật chất. Cũng dễ hiểu, bao công sức chăm bẵm, gắn bó qua bao mưa nắng nhìn đào lớn lên từng chút một, giờ nhìn chúng gục ngã, sao anh chẳng xót được.

Một điều lạ là nhiều người ở cùng thôn Bỉnh Đức vì thích thú với loại đào này nên thử nhân giống đào từ vườn anh Tạo về trồng. Tuy nhiên, không một ai thành công dù đã được anh Tạo hướng dẫn kỹ thuật cũng như cách chăm sóc.

"Anh Tạo cầm tay chỉ việc cho từng người muốn nhân giống đào này nhưng chẳng ai thành công cả. Có lẽ, hoa đào xứ Bắc trồng ở nơi lạ nước, lạ đất, lạ khí hậu thì rất khó, nhưng anh Tạo có duyên cùng với bao chắt chiu, tâm huyết nên mới trồng được", anh Nguyễn Thanh Hạnh, hàng xóm của anh Tạo chia sẻ.

Với số lượng khiêm tốn chỉ hơn 100 gốc nên đào của anh Tạo chỉ đủ cho những khách quen. Với giá thành dao động từ 100.000 đến 500.000 đồng một cành, mỗi năm anh thu nhập tiền bán đào từ khoảng 20 triệu, góp vào lo việc gia đình. Hơn 30 năm gắn bó với đào cũng cho anh được những niềm vui về vật chất và cả tinh thần. Điều đó như một sự khích lệ để anh tiếp tục nhân giống đào, loại hoa nhiều tiềm năng và triển vọng, góp sắc xuân trên miền đất võ.

Lúc tôi ra về, người chủ vườn đào này tâm sự, anh không nghĩ rằng sẽ có ngày đào "góp gạo góp cơm" cùng với công việc làm cửa nhôm sinh nhai của mình. Và cây đào có mặt nơi đây cũng giúp mẹ anh ngắm hoa đào mà nguôi ngoai đi nỗi nhớ quê, điều đó là nhờ sự kỳ công của cha anh đã mang đào từ xứ Bắc về.

Nghe vậy, tôi chợt nhớ đến một giai thoại đẹp về cành đào Nhật Tân liên quan đến mối tình "trai anh hùng, gái thuyền quyên" giữa vua Quang Trung và Ngọc Hân công chúa. Cành đào thắm đã phần nào làm vơi dịu nỗi nhớ khắc khoải quê cha đất tổ của người con gái hoàng tộc đất Bắc vào tận Phú Xuân làm Hoàng hậu.

Đình phùng
.
.
.