Đảm bảo an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng
Ngày 18-7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo: “Ngành Công Thương đảm bảo công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng” với mục đích tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước (QLNN) về an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách về ATTP trong tình hình mới...
- Mạnh tay xử lý các vi phạm an toàn thực phẩm
- Hà Nội đóng cửa 52 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
- Hà Nội nhân rộng mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát
- Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu dùng để đảm bảo an toàn thực phẩm
Bà Phạm Thị Vĩnh Hà (Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) khẳng định, những năm qua, công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm luôn được lực lượng Quản lý thị trường quan tâm, chú trọng, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của lực lượng. Ttrong 5 tháng đầu năm 2019 lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 3.256 vụ, xử lý 2.103 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,1 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 9,6 tỷ đồng.
Theo bà Phạm Thị Vĩnh Hà, các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm về điều kiện ATTP, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; vi phạm về nhãn mác hàng hóa, đặc biệt là tình trạng làm giả nhãn mác hàng hóa của các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh gây ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu của doanh nghiệp và thiệt hại cho người tiêu dùng.
Những nơi thường xảy ra các vụ vi phạm lớn chủ yếu tập trung ở địa bàn thành phố và vùng phụ cận nơi tập trung đông dân cư, nhu cầu về thực phẩm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; các cửa khẩu nơi tập trung hoạt động xuất nhập khẩu hàng thực phẩm đông lạnh như Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai; các cảng biển, cảng sông như Hải Phòng, Cát Lái...
Nhằm đảm bảo công tác ATTP của ngành Công Thương trong thời gian tới, đại diện Tổng cục QLTT đưa giải pháp, theo dõi sát diễn biến của thị trường, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, tập trung vào một số mặt hàng như: rượu, hương liệu, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến; ngăn chặn gia cầm, thịt gia súc gia cầm và phụ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và bán hàng đa cấp.
Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT cũng tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh về tác hại của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh ATTP.
Về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng trong lĩnh vực ATTP, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dung (Bộ Công Thương) cho biết, doanh nghiệp cần có trách nhiệm cung cấp thông tin, cung cấp bằng chứng giao dịch, bảo vệ thông tin, trách nhiệm bên thứ ba, bồi thường thiệt hại, giải quyết khiếu nại. Đồng tình với quan điểm trên, bà Lê Việt Nga đề nghị, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm cần nâng cao tính tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp mình, đồng thời cũng phải thực hiện các hoạt động truyền thông, Marketing, xây dựng thương hiệu nhằm khẳng định sự uy tín của sản phẩm và phát triển thị trường một cách bền vững.