Hà Nội nhân rộng mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát

Thứ Hai, 03/06/2019, 07:39
Từ năm 2017, Hà Nội bắt đầu thí điểm triển khai các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Theo kế hoạch, năm 2019, Hà Nội tổ chức thêm 6 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, nâng tổng số tuyến phố thực hiện thí điểm là 14.


Hàng loạt vụ buôn bán thực phẩm bẩn liên tục được phát hiện và bắt giữ khiến người dân hoang mang khi việc kiểm soát chất lượng an  toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay vẫn còn nhiều lỗ hổng. Khi dịch vụ thức ăn đường phố ngày càng phát triển, việc đưa dịch vụ này đi vào khuôn khổ trở thành yêu cầu cấp bách. Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội đã xây dựng thí điểm và đang nhân rộng mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát.

Chuẩn gồm những tiêu chí nào?

Từ năm 2017, Hà Nội bắt đầu thí điểm triển khai các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Theo kế hoạch, năm 2019, Hà Nội tổ chức thêm 6 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, nâng tổng số tuyến phố thực hiện thí điểm là 14.

Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội sẽ triển khai trên 30 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Mặc dù triển khai được vài năm nhưng vẫn còn nhiều người mơ hồ về khái niệm và chưa phân biệt được đâu là cơ sở thực phẩm có kiểm soát giữa hàng loạt cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Chị Mỹ Anh, Trường Đại học Khoa học - xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) băn khoăn, căn cứ vào đâu để người dân biết được đó là nhà hàng, quán ăn đáp ứng các điều kiện mô hình an toàn thực phẩm có kiểm soát?

Cần quản lý chặt các hàng quán bán thức ăn đường phố.

Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, ở mỗi tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát đều có biển báo để người dân có thể nhận biết. Điều kiện đầu tiên của tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát là tất cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ triệt để các quy định an toàn thực phẩm và có 20 cơ sở trở lên được chính quyền treo biển tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát.

Các cơ sở kinh doanh thực phẩm này phải đáp ứng 10 tiêu chí: Địa điểm chế biến kinh doanh phải cách xa nguồn nguyên liệu; diện tích cơ sở kinh doanh phải đủ rộng để thuận tiện cho công tác vệ sinh; phải đủ nguồn nước sạch cho chế biến thực phẩm; nguồn gốc thực phẩm phải bảo đảm an toàn; phải có sổ ghi chép đầy đủ từng ngày về nguồn cung cấp thực phẩm; thùng đựng rác phải có nắp đậy, rác trong chế biến phải được thu gom kịp thời; nhân viên phải được trang bị dụng cụ chế biến, không được dùng tay không khi chế biến thực phẩm; cơ sở cần có những bàn ăn cao trên 60cm; người chế biến phải đủ sức khỏe, có kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; các cơ sở phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm được dán công khai.

Theo ông Trần Ngọc Tụ, qua đánh giá cho thấy, mô hình này đã góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh cơ sở, ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở, sự tham gia quản lý, giám sát và kiểm soát của chính quyền địa phương. Nhưng do số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố lớn, luôn biến động nên việc quản lý rất khó khăn. Hơn nữa, nhiều quán ăn bình dân, giá rẻ, cơ sở chật hẹp, lại hoạt động ở vỉa hè, lòng đường… với điều kiện vệ sinh và trang thiết bị, dụng cụ không bảo đảm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Bà Trần Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) cho rằng, việc mở rộng mô hình này còn nhiều gian nan vì chỉ cần chủ quan, lơ là thì vi phạm rất dễ xảy ra. Theo bà Thu Hương, việc tiếp tục duy trì và nhân rộng sẽ còn gặp khó khăn do lực lượng cán bộ thực hiện kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm rất mỏng.

Bà Thu Hương đề nghị cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương; hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các cơ sở; tạo điều kiện để địa phương tiếp cận được những văn bản mới như văn bản xử lý vi phạm hành chính trong vi phạm an toàn thực phẩm; hỗ trợ thêm nhân lực…

Quận Hoàn Kiếm là quận trung tâm thành phố với nhiều tuyến phố ẩm thực lớn lại có đông đảo du khách nước ngoài đến lưu trú và thưởng thức ẩm thực của Hà Nội nên công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thời gian qua được quận đặc biệt quan tâm.

Bà Phạm Thị Thanh Nhàn - Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm cho biết, tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ được UBND quận Hoàn Kiếm đầu tư xây dựng thành tuyến phố ẩm thực từ năm 2002 với nhiều địa chỉ ẩm thực nổi tiếng. Sau 17 năm đầu tư, hiện tuyến phố này đã xuống cấp nên trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất như một số hè đường bong tróc, các cơ sở kinh doanh chật hẹp, việc sửa chữa khó khăn.

Nhiều cửa hàng không có địa điểm đỗ xe nên thực khách phải để xe dưới lòng đường gây lộn xộn, mất mỹ quan đô thị. Nhiều nhà hàng phục vụ khách từ tối đến sáng hôm sau nên khó khăn trong việc quản lý. Các cửa hàng cũng thường xuyên thay đổi mặt hàng kinh doanh hoặc đổi chủ nên gây khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều hộ kinh doanh bán hàng, nấu ăn tràn lan trên vỉa hè, lòng đường…

Ngoài những khó khăn trên, theo bà Trần Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), khi triển khai tại địa bàn quận Cầu Giấy, một số chủ cơ sở còn chưa ủng hộ việc tham gia xây dựng tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát do thói quen kinh doanh lâu nay chủ yếu là giao dịch miệng với các cơ sở cung cấp nguyên liệu, không có đầy đủ hóa đơn chứng từ, sổ sách theo dõi theo đúng quy định; một bộ phận người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn chưa tự giác chấp hành quy định về an toàn thực phẩm.

Cần sự chung tay

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, sau một năm triển khai thí điểm tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát ở 8 quận, huyện, đã có 94,69% cơ sở dịch vụ ăn uống niêm yết công khai giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và nguồn gốc thực phẩm; 85,5% cơ sở có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng và tất cả các cơ sở đều sử dụng nguồn nước sạch.

Qua rà soát, đánh giá cho thấy để triển khai được các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát cần sự vào cuộc của các lực lượng: Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống có điều kiện và đặc biệt là sự chung tay của các cấp chính quyền.

Theo đề xuất của các quận được chọn để mở rộng mô hình, để việc tổ chức tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tốt hơn nữa trong thời gian tới, công tác chuẩn bị, rà soát cần được thực hiện kỹ lưỡng, chọn đúng tuyến phố phù hợp, cơ sở vật chất khang trang và có kế hoạch triển khai cụ thể. Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo phường cần sự đồng thuận của người dân cũng như trang bị kiến thức chuyên môn cho cán bộ cơ sở, bộ phận tham mưu...

Tuyết Mai
.
.
.