Đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện trong mùa mưa lũ

Thứ Hai, 30/07/2018, 14:18
Sự cố vỡ đập thủy điện Xepian -Xe Namnoy ở Nam Lào được xem là “bài học xương máu” đối với các địa phương có thủy điện ở nước ta để tăng cường hơn nữa trong công tác đảm an toàn tuyệt đối hồ đập thủy điện. Tỉnh Quảng Nam có nhiều thủy điện bậc thang trong hệ thống Vu Gia – Thu Bồn đang hoạt động. Công tác đảm bảo an toàn hồ đập được thực hiện như thế nào trước mùa mưa lũ năm nay?…

Thống kê của Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho thấy trên địa bàn miền núi của tỉnh hiện có 20 nhà máy thủy điện đã đi vào vận hành phát điện, bao gồm 8 thủy điện bậc thang hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và 12 thủy điện vừa và nhỏ.

Trong đó, chủ yếu 4 hồ chứa lớn gồm hồ thủy điện A Vương với dung tích toàn bộ hồ chứa là 343,55 triệu m3, thủy điện Sông Tranh 2 (729,2 triệu m³), thủy điện Đăk Mi 4 (312,38 triệu m³) và Sông Bung 4 (510,8 triệu m³), khi vận hành sẽ có tác động, ảnh hưởng đến hạ du cả về mùa khô hạn và mùa lũ.

Công tác đảm bảo tuyệt đối an toàn hồ đập thủy điện tại Quảng Nam luôn được chú trọng.

Về hiện trạng an toàn đập, hồ chứa, trước mùa mưa bão hằng năm, các chủ đập thủy điện đều phải có trách nhiệm kiểm tra thực tế tình trạng công trình, thiết bị, tình hình sạt lở vùng hồ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống điện dự phòng, hệ thống cảnh báo hạ du... tổng hợp lập báo cáo hiện trạng an toàn đập gửi Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam trước ngày 15-8-2018 để theo dõi, quản lý, chỉ đạo. 

Riêng tại huyện Bắc Trà My, nơi có công trình thủy điện Sông Tranh 2, ông Nguyễn Nhuần, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết, từ sau khi hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước đến nay, đã xuất hiện hơn 100 trận động đất kích thích mà người dân có thể cảm nhận được.

Trong đó đáng chú ý nhất là các trận động đất xảy ra vào ngày 3-9-2012 và ngày 15-11-2012 có độ lớn 4,2 - 4,7 độ Richter, gây rung chuyển nhiều nhà cửa trên phạm vi rộng thuộc các địa phương của huyện Bắc Trà My và các huyện lân cận.

Có thể nói, động đất là loại hình thiên tai mới xuất hiện trên địa bàn huyện Bắc Trà My, hầu hết người dân chưa hiểu rõ về các kỹ năng, biện pháp phòng, tránh; nhất là trong những tháng gần đây, số cơn động đất xảy ra liên tục, có phần làm tâm lý bất an trong nhân dân.

Bên cạnh đó, vào mỗi mùa mưa lũ, như các thủy điện khác, thủy điện Sông Tranh 2 cũng tổ chức vận hành xả lũ theo quy định, vì vậy chính quyền huyện Bắc Trà My cũng đã yêu cầu Công ty Thủy điện Sông Tranh 2 phối hợp Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của huyện tổ chức triển khai quy chế phối hợp giữa UBND huyện và Công ty Thủy điện Sông Tranh 2 về công tác vận hành hồ chứa; đồng thời có kế hoạch khắc phục sớm thiệt hại do quá trình vận hành hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 gây ra, tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại khi có động đất xảy ra trên địa bàn huyện.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được thực hiện theo Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 7-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ, quy định Trưởng Ban chỉ huy TKTT&TKCN tỉnh Quảng Nam quyết định vận hành hạ mực nước các hồ A Vương, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Bung 4A và Sông Bung 5 để đón lũ và vận hành giảm lũ của các hồ chứa thủy điện này.

Trong tình huống bất thường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam quyết định việc vận hành các hồ A Vương, Đăk Mi, Sông Tranh 2 và Sông Bung 4. Trên thực tế, một khó khăn, tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai bão lũ tại Quảng Nam cũng được cơ quan chức năng chỉ ra đó là việc vùng hạ du hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn chịu ảnh hưởng điều tiết lũ của 4 hồ chứa thủy điện lớn gồm Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4 nên việc quy định mỗi hồ xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du là chưa phù hợp với tình hình ngập lụt ở vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn mà cần phải xây dựng bản đồ ngập lụt trong điều kiện các hồ cùng tham gia vận hành điều tiết lũ theo nhiều kịch bản khác nhau.

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng trước tác động biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng về số lượng cũng như mức độ khốc liệt.

Nhằm đảm bảo công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa lũ năm 2018 đạt hiệu quả cao, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các chủ đập thủy điện xây dựng hệ thống loa cảnh báo lũ từ xa để thông tin cảnh báo trực tiếp đến người dân; trang bị Đài FM, loa cầm tay đến các trưởng thôn.

Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các Hội nghị truyền thông, đối thoại trực tiếp với người dân nhằm giới thiệu về hệ thống thủy điện trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn, giới thiệu về Quy trình vận hành liên hồ chứa.

Bên cạnh đó, các chủ hồ thủy điện phải tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống loa cảnh báo, thông tin ở vùng hạ du và hệ thống camera giám sát, truyền hình ảnh về các đơn vị liên quan ở Trung ương và địa phương theo quy định của Quy trình 1537...

Ngọc Thi
.
.
.