Cư dân Carina Plaza mong sớm được về nhà, ổn định cuộc sống

Thứ Sáu, 06/04/2018, 08:10
Việc cư dân bị ảnh hưởng đến công ăn việc làm cũng là vấn đề bức xúc của cư dân. Sau vụ cháy, vì phải nghỉ nhiều ngày để lo ổn định chỗ ở, dọn dẹp nhà cửa nên nhiều người đành phải chấp nhận “chủ” chỗ làm cho thôi việc...


13 ngày sau vụ cháy chung cư Carina Plaza (đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 8, TP Hồ Chí Minh) khiến 13 người tử vong, một số cư dân về lại căn hộ của mình dọn dẹp, sống tạm. Không điện, không nước, các cư dân ở đây hằng ngày ít nhất 3 lượt leo cầu thang bộ xách nước từ tầng trệt lên căn hộ mình để sử dụng vào những nhu cầu tối thiểu. Nhiều hộ dân được bố trí ở tạm chung cư đối diện, những gia đình có người thân hoặc có điều kiện thì ra ngoài sinh sống.

Tuy nhiên, khoảng 700 hộ dân ở đây (gồm cả 2 block không bị cháy) đều mong mỏi công tác điều tra làm rõ trách nhiệm của các bên trong vụ cháy cũng như việc khắc phục hậu quả vụ cháy cần sớm hoàn tất để người dân trở về ổn định cuộc sống.

Cư dân sống tại chung cư Carina vẫn đang di dời tài sản ra ngoài dù vụ cháy đã xảy ra 13 ngày.

Sáng 5-4, có mặt tại sảnh C, chung cư Carina Plaza chúng tôi ghi nhận vẫn còn nhiều người thuê xe tải đến dọn dẹp tài sản ra ngoài. Chị Nga, 30 tuổi, sống ở block C cho biết, chị thuê căn hộ ở chung cư này với giá 5 triệu đồng/tháng và đã ở được gần 3 năm. Dù block C không bị ảnh hưởng trong vụ cháy nhưng thời điểm này không có điện nước, sống bất tiện nên chị Nga đã thuê một căn hộ khác ở chung cư Lê Thành (cách đó khoảng 1km) để vợ chồng chị và người mẹ ở.

Bà Hồ Thị Re (58 tuổi, ngụ tầng 5, block C) cho biết, ở bên ngoài bất tiện nên dù mấy ngày qua không có điện nước, bà cùng gia đình vẫn trở về căn hộ của mình sinh sống. “Hằng ngày tôi đi cầu thang bộ 3-5 lượt để xách nước lên nhà phục vụ nhu cầu tối thiểu. Ăn uống thì vẫn ăn ngoài nhưng muốn về nhà mình ở vì bảo vệ tài sản bên trong”, bà Re cho hay.

Tại khu chung cư đối diện với chung cư Carina, hàng chục hộ dân được bố trí tạm. Hằng ngày họ vẫn đi làm, đưa con cái đi học nhưng có nhiều bất tiện khó nói. Chị N, tạm sống ở căn hộ trên tầng 24 cho biết, căn phòng được cấp tạm ở chung với 2-3 gia đình. Là phòng trống chỉ có điện, nước nên không có vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Mỗi lần giặt đồ xong chị N đem đồ của mình về căn hộ ở chung cư Carina phơi sau đó chiều lại qua dọn về căn hộ tạm.

“Những ngày trước, nhà hảo tâm có hỗ trợ nước uống, thức ăn. Nay, lượng đồ ăn, thức uống do BQL chung cư Carina lo nên người dân chỉ lấy nhỏ giọt không đủ sinh hoạt. Mì gói thì có nhiều nhưng không có nước để pha, cả khu này chỉ có 1-2 máy nước nóng nhưng có máy nhưng không có nước! Không biết phải tạm bợ kiểu này tới khi nào”, chị N than.

Bà Tuyết, 64 tuổi, ngụ tạm tại căn hộ tầng 23 cho hay, cuộc sống không được thoải mái nhưng phải chấp nhận chứ đâu có lựa chọn khác. Bà Tuyết cho biết cháu của bà đang chuẩn bị thi chuyển cấp, ở tạm trong căn hộ chung nhiều người, cháu không có không gian riêng để học, lại thiếu thốn bàn ghế nên chắc sẽ ảnh hưởng phần nào đến kết quả học tập của cháu. 

Việc cư dân bị ảnh hưởng đến công ăn việc làm cũng là vấn đề bức xúc của cư dân. Sau vụ cháy, vì phải nghỉ nhiều ngày để lo ổn định chỗ ở, dọn dẹp nhà cửa nên nhiều người đành phải chấp nhận “chủ” chỗ làm cho thôi việc. Một phụ nữ tên Khánh (49 tuổi) kể, chồng bà là nạn nhân trong vụ cháy đang chữa trị tại bệnh viện, tiệm tạp hóa của bà bị cháy, hư hỏng nên giờ tình cảnh khá khó khăn.

“Chúng tôi mong việc khắc phục, sửa chữa càng sớm kết thúc càng tốt để sớm trở về căn hộ của mình”, bà Khánh nói.

Một cán bộ địa phương cho biết, 13 ngày sau vụ cháy, UBND quận 8 và Ban quản lý chung cư đã bố trí cho 150 hộ (khoảng 350 nhân khẩu) ở tạm trong 70 căn hộ tại chung cư City Gate Towers, 550 hộ còn lại được bố trí thuê nhà trong khu vực lân cận với chi phí tạm cư là 300.000 đồng/hộ/ngày.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, xung quanh chung cư Carina, 9 chốt chặn do bảo vệ và Công an phường thiết lập vẫn được duy trì nhằm  tránh kẻ lạ mặt lợi dụng sơ hở vào các căn hộ chung cư trộm tài sản. Công tác điều tra và làm rõ trách nhiệm của những đơn vị liên quan vẫn đang được tiến hành.

Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza, nhiều cư dân sống ở các chung cư khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn rất quan tâm về mức độ đảm bảo an toàn PCCC tại chung cư mình đang sống. BQL của nhiều chung cư đã lên kế hoạch diễn tập PCCC và thoát nạn. Tại chung cư M-One Nam Sài Gòn (quận 7), các cư dân tại đây đã được cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC quận 7 phổ biến những kiến thức biện pháp, giải pháp PCCC, kỹ năng thoát nạn.

Cư dân ở đây rất phấn khởi khi hiểu được tầm quan trọng của công tác PCCC, biết cách sử dụng phương tiện chữa cháy được trang bị, phương tiện, dụng cụ thoát nạn, kỹ năng thoát hiểm khi có sự cố cháy xảy ra, kiến thức phòng chống cháy nổ tại chung cư mình sinh sống, qua đó chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Theo Đại tá Huỳnh Ngọc Quang, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, vấn đề không nằm ở chỗ nhà riêng hay chung cư, quan trọng nhất là ý thức của người dân và chủ đầu tư. 

Năm 2017, toàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 1.000 vụ cháy thì chỉ có 11 vụ cháy xảy ra ở khu chung cư, nhà cao tầng, số vụ cháy còn lại là nhà dân, công ty, nhà xưởng… “Việc thiếu ý thức phòng chống cháy thì có ở nhà nào cũng cháy”, Đại tá Quang nhấn mạnh.

Minh Đức
.
.
.