Công nhân tất tả lo Tết

Thứ Ba, 06/02/2018, 08:35
Với những lao động xa quê đi làm ở các khu công nghiệp, giờ vẫn chưa phải là lúc nghĩ đến Tết. Họ vẫn đang nỗ lực làm việc, bươn chải với đủ thứ chỉ để mong Tết này có thêm tấm áo mới cho con, thêm đồng quà, tấm bánh cho những người ở quê.

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nhiều công nhân làm đủ mọi cách để kiếm thêm chút tiền, mong có cái Tết no ấm cho gia đình.

Thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh là nơi tập trung một lượng rất lớn công nhân đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long thuê trọ. Những ngày giáp Tết, có mặt tại khu vực này, mọi sinh hoạt của công nhân cũng không khác ngày thường và không thiếu những gương mặt vẫn đang nặng trĩu lo toan.

Bữa cơm công nhân được chuẩn bị với vài món quen thuộc.

Hết ca làm việc, vợ chồng anh Trần Việt Thắng (quê Nam Định) đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long nhanh chóng chuẩn bị bữa cơm chiều. Mấy món ăn vẫn rất đơn giản, đặc trưng của công nhân: đậu phụ rán, rau cải luộc và một chút thịt ba chỉ để rang. Căn phòng trọ khoảng hơn 10m2 với vài vật dụng giản đơn. Căn phòng chật hẹp nhưng vẫn lạnh buốt, cứ ra vào là phải đóng kín cửa.

Anh Thắng chia sẻ, càng cận Tết lại càng thêm lo. Lương hai vợ chồng, cộng các khoản được hơn 10 triệu, chi phí tiền thuê phòng, điện nước, tiền sinh hoạt hàng ngày, tiền gửi về quê cho ông bà nội nuôi con. Nếu tháng nào không có đình đám thì cũng dư được một chút, tháng nào nhiều đình đám thì không đủ.

“Ở quê chỉ trông vào mấy sào ruộng thì không đủ ăn. Đi làm công nhân xa nhà, xa con thì bất tiện nhưng cũng đành vì miếng cơm manh áo. Những tháng cuối năm, công ty ít việc không tăng ca được. Càng sát Tết hai vợ chồng càng sốt ruột”, anh Thắng nói.

Không tăng ca được, hết giờ về nhà trọ ăn uống xong, nghỉ ngơi một lúc, anh Thắng lại xách xe đi chạy Grap, vợ thì ra ngoài đường bán thêm chén nước, cố gắng kiếm thêm để Tết có đồng ra đồng vào.

5 giờ chiều, khu nhà trọ với hơn 30 phòng nằm giữa thôn Bầu đa số các phòng vẫn cửa đóng im ỉm. Chỉ có một vài phòng có người ở nhà, cánh cửa khép hờ. Cái gió lạnh cuối chiều khiến cả khu trọ càng thêm lạnh lẽo.

Chị Hoàng Thị Yếm (quê ở Tuyên Quang) cũng đang nấu cơm. Đời công nhân cũng gần chục năm nhưng lương cơ bản, cộng các khoản trợ cấp khác cũng chỉ được hơn 5 triệu, chính vì vậy mà hầu như bữa cơm gia đình công nhân nào cũng na ná như nhau. Hai vợ chồng đi làm được đồng nào gần như cũng tiêu hết đồng đó, hai đứa con đều đang gửi ở quê chồng Phú Thọ.

“Công ty chồng mấy tháng giáp Tết nhiều việc nên anh ấy tăng ca đến hơn 9 giờ mới về. Công ty tôi ít việc về sớm, cơm nước xong thì đi ra cửa hàng quần áo ngoài đầu ngõ phụ bán hàng thêm ca tối. Chồng về lúc nào thì ăn lúc đó. Cuối năm cuối tháng rồi, hai vợ chồng cũng cố gắng “cày cuốc” kiếm thêm đồng để trang trải dịp Tết, mua cho con thêm bộ quần áo”, chị Yếm chia sẻ.   

Với nhiều công nhân việc ở lại thành phố hay về quê ăn Tết cũng đều nặng gánh lo toan. Đã 3 năm rồi không về quê ăn Tết, nhớ quê nhưng hoàn cảnh chưa cho, nói đến kế hoạch về quê ăn Tết, chị Nguyễn Trang Nhung quê Quảng Nam mắt lại rơm rớm.

Ra Hà Nội làm công nhân được hơn 1 năm thì lấy chồng, chồng quê Hà Tĩnh nên đường sá cũng không tiện. Từ lúc lấy chồng đến giờ chị chưa được biết cái Tết ở quê thế nào.

Năm đầu tiên, gia đình chị vui mừng đón đứa con đầu lòng, hẹn năm sau sẽ về quê ăn Tết; sang năm sau, chị mang bầu bé thứ hai nhưng sức khỏe không tốt nên lại hẹn năm sau. Năm nay, thời tết khắc nghiệt hai đứa con lại đau ốm cả tháng nay nên có lẽ kế hoạch về quê ăn Tết lại đành gác lại.

“Một cảnh hai quê, nếu về Tết thì phải thăm cả hai bên nội ngoại nhưng ngày phép thì ít, thời gian di chuyển lâu, tốn kém đủ thứ trong khi tổng thu nhập của vợ chồng chị tròm trèm 12 triệu đồng. Lãnh lương ra phải chi đủ các các khoản, nào là tiền phòng trọ, tiền ăn uống, con ốm đau… Ông bà nội ở riêng nên sẽ gửi 3 triệu để mua sắm Tết, còn ông bà ngoại thì 1 triệu thôi vì chắc em gái cũng sẽ biếu ông bà", giọng chị Nhung nghèn nghẹn.

Tết đoàn viên, ai cũng muốn được sum họp với gia đình chính vì thế chẳng ai muốn ở lại thành phố nơi đất khách quê người để ăn Tết cả, nhưng vì hoàn cảnh cực chẳng đã mới phải ở lại. Người ở lại không vui nhưng có không ít người sắp xếp được về quê cũng không hẳn đã vui.

Quê không xa hẳn nên năm nào gia đình anh Nguyễn Xuân Quang (quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) cũng về quê ăn Tết. Kế hoạch năm nay vợ chồng anh và con trai sẽ về quê từ ngày 28 tháng Chạp, qua Tết khoảng mùng 5 mới ra.

“Mấy đợt bão trước, nhà cửa hư hại, ông bà nội ở quê cũng nghèo nên chưa có tiền sửa chữa, vợ chồng tôi đợt này về nghỉ Tết dự định sẽ đưa tiền cho ông bà để ra Giêng sửa nhà luôn”, anh Quang bộc bạch.

Về quê sắm Tết, quà cáp cho người thân, rồi tiền sửa nhà, khoản kinh phí này không hề nhỏ, trong khi lương công nhân mới chỉ đủ sống. Đề cập đến khoản tiền này, anh Quang chia sẻ, hai vợ chồng thu nhập một tháng được trên dưới 12 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí đi thì mỗi tháng cũng dư được một chút không đáng kể. Tuy nhiên có tiết kiệm cả năm cũng không đủ để trả hết các chi phí này.

“Hai vợ chồng đang chờ tiền thưởng Tết. Trước mắt thiếu đến đâu thì phải đi mượn, rồi sau trừ dần hàng tháng, sang năm cố gắng làm thêm để trả nợ. Con cái ở đây với mình, cố gắng Tết nhất cho cháu về quê để thăm ông bà. Còn cái nhà giờ hư rồi thì bắt buộc phải sửa, chứ để ông bà già rồi ở quê mà tạm bợ thì cũng không ổn”, anh Quang nói.

Phan Hoạt
.
.
.