Công an các tỉnh ĐBSCL căng sức chống dịch bệnh của lợn

Chủ Nhật, 17/03/2019, 08:01
Những ngày qua, ngành chức năng các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh và cúm gia cầm. Đặc biệt, tuyến biên giới Tây Nam được giám sát chặt chẽ, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở…


Tại tỉnh Đồng Tháp, Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phối hợp nắm tình hình, theo dõi sát sao các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép. “Trên địa bàn chưa phát hiện dịch tả lợn châu Phi. Trước đây từng xảy dịch bệnh lở mồm long móng, nhưng hai năm nay thì không phát hiện”, Thượng tá Văn Vũ Quốc Khương, Trưởng Công an huyện Tân Hồng nói.

Đại tá Phạm Phú Cường, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện phương tiện thuỷ, bộ vận chuyện động vật nếu không có giấy tờ kiểm dịch thì báo cho Cảnh sát môi trường, cơ quan kiểm dịch và các bộ phận chức năng xử lý. 

“Đồng Tháp có đường biên giới với Vương quốc Campuchia dài trên 50km, có 2 cửa khẩu quốc tế là Dinh Bà và Thường Phước cùng nhiều đường tiểu ngạch thuỷ, bộ. Qua kiểm tra của các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Hải quan và các cơ quan kiểm dịch đến nay lực lượng vẫn chưa phát hiện các trường hợp vi phạm hoặc liên quan đến dịch tả lợn châu Phi”, Đại tá Phạm Phú Cường, nói.
Lực lượng Công an tăng cường công tác tuần tra kiểm soát đối với phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm từ động vật.

Song song đó, các tuyến đường bộ cửa ngõ, giao thông từ Đồng Tháp đi các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, lực lượng CSGT cũng tăng cường công tác tuần tra. Khi phát hiện các phương tiện vận chuyển động vật, nếu không có giấy phép kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền hoặc có dấu hiệu vi phạm sẽ báo cho lực lượng chuyên môn xử lý.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, để phòng ngừa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện các cửa ngõ vào Đồng Tháp được lực lượng thú y tăng cường để kiểm tra, giám sát. Ngành chức năng cũng tuyên truyền sâu rộng cho người dân không được chủ quan, lơ là với dịch bệnh và cũng không “tẩy chay” sản phẩm động vật không lây truyền qua người như bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngành chức năng tỉnh An Giang – địa phương có đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia trên 100km, xác định, con người và phương tiện là hai yếu tố quan trọng làm lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Chính vì thế, ngành chức năng tỉnh đã tiến hành kiểm tra chặt các phương tiện vận chuyển lợn thì ý thức của người dân, nhất là các hộ chăn nuôi thực hiện nguyên tắc “5 không”, gồm: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, thịt lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi lợn mà không qua xử lý nhiệt. 

Ông Trần Tiến Hiệp, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cho biết, từ tỉnh đến các huyện, xã đã có Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Tại các trạm kiểm dịch, cửa ngõ giao thông, cửa khẩu đều có cán bộ thú y túc trực 24/24h để kiểm tra, phun thuốc khử trùng, khử độc các phương tiện vận chuyển lợn ra vào tỉnh An Giang.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bến Tre chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, các ngành chức năng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương linh hoạt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng kiểm soát chặt chẽ các trạm trung chuyển lợn tại các địa bàn giáp ranh các tỉnh lân cận, tiến hành tiêu độc khử trùng đồng bộ trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt phải hỗ trợ cho người dân trong trường hợp cần tiêu hủy lợn theo như chủ trương của Chính phủ.

Hiện Bến Tre đã thành lập 3 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời đặt ở 3 cửa ngõ chính ra vào tỉnh gồm: tại chân cầu Rạch Miễu (thuộc xã An Khánh, huyện Châu Thành), chốt khu vực cầu Cổ Chiên (huyện Mỏ Cày Nam), hướng khu vực phà Đình Khao vào, chốt đặt ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách. Ngoài ra có 3 chốt ở huyện Bình Đại đặt tại 3 bến đò. 

Nhiệm vụ của các chốt là tập trung kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm liên quan đến lợn ra, vào địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật; khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua chốt kiểm dịch.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, hiện giá lợn thịt tại Kiên Giang (địa phương có đường biên giới trên bộ giáp với Vương quốc Campuchia trên 54km; có sân bay quốc tế Phú Quốc) dao động từ 45.000 - 53.000 đồng/kg, cao hơn so với miền Bắc, miền Trung từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Do giá chênh lệch lớn, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang lo ngại tình trạng lợn ồ ạt nhập vào tỉnh. 

Các ngành chức năng liên quan đã chủ động thành lập các chốt kiểm dịch ở các nút thắt giao thông, giữa các chốt đều phối hợp kiểm tra đầu vào - đầu ra chặt chẽ, nhất là kiểm tra đàn vật nuôi trước khi đưa ra các đảo. 

Thành lập 5 Tổ kiểm dịch lưu động ở các cửa ngõ vào địa bàn tỉnh; thành lập 2 Tổ ứng phó nhanh nhằm đôn đốc, giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh trên các địa bàn huyện, thành phố. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh từ ngày 1 đến 29-3 tại tất cả cơ sở chăn nuôi, nơi mua bán tập trung, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, lò ấp, ổ dịch cũ, hố chôn hủy… trên địa bàn 15 huyện, thành phố…

VĂN VĨNH – TRẦN LĨNH
.
.
.