Quảng Nam triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Thứ Năm, 07/03/2019, 17:05
Trước tình trạng xuất hiện dịch cúm gia cầm A/H5N6 và nguy cơ lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát chặt chẽ gia súc, gia cầm nhập vào thị trường tỉnh; đồng thời chủ động các phương án ứng phó.

Chiều 7-3, tin từ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết trên địa bàn huyện ghi nhận có 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6.

Ổ dịch thứ nhất xuất hiện tại hộ ông Nguyễn Thành B. (trú xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước) và cơ quan chức năng đã tiến hành đem đi tiêu hủy 2.300 con gà của hộ gia đình ông B.

Cùng trú tại xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, hộ gia đình của bà Nguyễn Thị Nh. cũng xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6. Không để dịch bệnh lây lan, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 1.700 con gà và 50 con vịt của hộ gia đình bà Nh.

Trước tình trạng dịch cúm gia cầm A/H5N6 có nguy cơ bùng phát tại địa phương, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tiên Phước đã thành lập 2 chốt chặn nhằm không để gia cầm địa phương tuồn ra bên ngoài và ngược lại; đồng thời chuẩn bị hơn 10.000 liều vắc xin để tiêm phòng chống dịch bệnh A/H5N6 cho các đàn gia cầm cho người dân.

Lực lượng chức năng tiến hành thu gom, tiêu hủy gia cầm bị nhiễm cúm A/H5N6 trên địa bàn huyện Tiên Phước.

Trong một diễn biến khác, mặc dù đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, ở phạm vi rộng và làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an sinh xã hội và môi trường là rất lớn.

Trước thực tế đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị liên quan thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện tất cả các biện pháp phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và không thực hiện các biện pháp chống dịch dẫn đến lây lan.

Khi phát hiện có bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã nơi xảy ra dịch trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực của địa phương, áp dụng đồng bộ, quyết liệt các biện pháp xử lý triệt để, kịp thời theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT như khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy ngay toàn bộ số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết, tuyệt đối không để các hộ nuôi tự ý bán chạy lợn làm dịch lây lan; tổng vệ sinh phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,…) liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch…
Ngọc Thi
.
.
.