Còn rất ít người dân đeo khẩu trang khi ra đường

Thứ Năm, 30/01/2020, 17:00
Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) Nguyễn Nhật Cảm cho biết, việc người dân lo lắng tìm mua khẩu trang N95 là không cần thiết, vì khẩu trang này chỉ dùng cho cán bộ y tế, tiếp xúc với người bệnh và có nguy cơ lây nhiễm rất cao; còn người dân chỉ cần sử dụng khẩu trang y tế thông thường, nhưng phải đeo đúng cách - kín cả mũi và miệng. 

 

CDC dự đoán sẽ phải đối phó với dịch viêm phổi cấp do virus Corona này đến tháng 6. Ông Cảm lưu ý, người dân không nên quá hoang mang nhưng cũng không được chủ quan. Hiện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt nam đều chưa công bố virus lây qua đường nào, nhưng tạm xác định là qua đường hô hấp. WHO đã ra khuyến cáo hạn chế tiếp xúc trong 2m, không tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh đường hô hấp, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đeo khẩu trang nơi công cộng…

Theo ông Cảm, cho đến thời điểm này, cách ly vẫn là biện pháp quan trọng nhất để chống lây lan dịch. “Hiện Trung Quốc đã cách ly cả Vũ Hán 11 triệu dân, và sau đó là một số TP khác. Năm 2003, Hà Nội là ổ dịch SARS và chúng ta đã cách ly thành công. 5 người tử vong toàn bộ là y tá và bác sĩ, không có người dân. Hi sinh như thế để chống dịch”, ông Cảm nói và cho biết trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại Hà Nội, có thể phải cách ly trường học, bệnh viện hoặc khu dân cư… nên cần có công an, quân đội, chính quyền, giao thông, xây dựng… vào cuộc theo kế hoạch đã được tham mưu cho UBND TP. 

Đeo khẩu trang nơi công cộng là cách phòng chống dịch bệnh được WHO khuyến cáo.

“Chúng ta không lường được dịch bệnh sẽ diễn biến thế nào. Theo kinh nghiệm, dịch SARS năm 2003 diễn ra từ tháng 2 đến 28-4 thì khống chế được. Việt Nam là nước đầu tiên khống chế được dịch trên thế giới. Tiếp đó, đại dịch cúm 2009 từ 2 đến tháng 6 mới khống chế được, tức là mất 5 tháng. CDC cũng dự đoán dịch này kéo dài 3 đến 5 tháng, sớm nhất là kết thúc từ tháng 4 và muộn là đến tháng 6. Hà Nội phấn đấu không một ai nhiễm bệnh, nhưng cần cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Nếu chỉ mình ngành y tế, chắc chắn sẽ thất bại”, ông Cảm nhấn mạnh.

Chính phủ hiện cũng có phương án xây dựng bệnh viện dã chiến, gồm 9 bệnh viện trên địa bàn cả nước, trong đó chắc chắn Hà Nội sẽ có, nên cần chuẩn bị sẵn sàng địa điểm và cách thức xây dựng. Ông Cảm cũng cho rằng hiện Hà Nội vẫn có quá ít người đeo khẩu trang, trong khi đây là một hành vi rất cần thiết. Việc bắt tay cũng được khuyến cáo là nên tránh, trong khi người Việt Nam vẫn có thói quen bắt tay, đặc biệt vào đầu năm mới.

Cũng trong buổi họp sáng ngày 30-1 với các sở ngành bàn biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Corona, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu kiểm tra ngay các cơ sở sản xuất khẩu trang xem năng lực sản xuất là bao nhiêu. “TP có 8 triệu người. Trong trường hợp phát hiện ổ dịch thì phải phát miễn phí khẩu trang cho người dân, nên phải có 15 – 20 triệu khẩu trang. Cần tính toán kinh phí để chuẩn bị sẵn sàng. Giám đốc các bệnh viện chuẩn bị để khi bệnh nhân nghi ngờ đến thì có thể cách ly”, ông Chung yêu cầu. 

“Tôi lo lắng nhất là vật tư tiêu hao cho xét nghiệm. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vẫn đang phải đợi WHO, Hà Nội lại phải đợi Viện Vệ sinh dịch tễ. Đề nghị các đồng chí kiểm tra, rà soát xem với 4 kịch bản đã đề ra thì thiếu con người, xe cứu thương, vật tư tiêu hao, khẩu trang, bộ đồ bảo hộ… như thế nào. Hiện Hà Nội mới có 40 bộ đồ bảo hộ cho y bác sĩ là rất ít. Tôi cho phép chi để mua dự phòng cái này ngay”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị. 


T.Linh
.
.
.