Chủ quan… là gây tai nạn (bài 2)
- Tai nạn kinh hoàng và nỗi đau người ở lại
- “Ma men” và nỗi lo mang tên “xe điên”
- Khởi tố, bắt tạm giam tài xế Camry gây tai nạn liên hoàn
Bản thân chủ phương tiện không hay biết rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật và họ sẽ phải chịu liên đới trách nhiệm nếu tai nạn giao thông xảy ra.
Thói quen… chết người
Do ngõ vào nhà chật hẹp không thể để ôtô trong nhà riêng nên anh Trần Ngọc Tuấn, trú tại phố Thụy Khuê, Hà Nội phải gửi xe ôtô tại một bãi trông giữ cách nhà khoảng 500m. Trung bình mỗi ngày, bãi trông xe này có gần 20 chiếc ôtô gửi trông. Tuy nhiên, do thời gian gửi xe và lấy xe của các chủ xe không giống nhau nên nhân viên trông giữ xe yêu cầu chủ xe phải để lại chìa khóa để họ tiện đánh ra đánh vào mỗi lúc có khách lấy xe.
Một bãi giữ xe tư nhân tại Hà Nội. |
Anh Trần Ngọc Tuấn chia sẻ: “Tôi nghĩ việc này là hoàn toàn bình thường. Bởi lẽ, lúc xe khác muốn ra khỏi bãi mà xe mình chắn ngang, mình lại phải đi từ trong nhà ra bãi đánh xe”. Khi được hỏi nhân viên trông giữ xe có giấy phép lái xe hay không thì anh Tuấn cho hay: “Họ đã dám lấy chìa khóa xe để đi thì chắc họ phải có bằng lái chứ. Ai không có bằng lái mà dám lái xe”.
Cũng tương tự như anh Trần Ngọc Tuấn, chị Nguyễn Lan Khuê, trú tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, cũng phải gửi lại chìa khóa xe ôtô mỗi lần cho xe vào bãi gửi. Chẳng là, do cơ quan chật hẹp, không có chỗ để xe cho nhân viên nên chị Lan Khuê phải gửi xe tại bãi trông giữ xe tư nhân gần cơ quan. Để đảm bảo các xe ra xe vào bãi trông giữ được thuận lợi, nhân viên bãi trông xe cũng yêu cầu chị Lan Khuê phải để lại chìa khóa.
“Việc này tôi đã làm cách đây cả 2 năm mà không có vấn đề gì xảy ra. Nhân viên mà dám lái xe thì họ phải có bằng lái chứ”, chị Lan Khuê chia sẻ.
Không chỉ gửi xe vào các bãi, mà ngay cả khi đi rửa xe ôtô, do số lượng xe chờ rửa nhiều, các nhân viên rửa xe cũng thường yêu cầu khách để lại chìa khóa để họ tiện đánh xe. Như vậy có thể thấy, phần lớn các chủ xe khi mang đi gửi xe, đi rửa xe đều không ý thức được việc mình đã giao chìa khóa xe cho người có bằng lái hay chưa. Có chăng, họ chỉ “đoán” rằng, những nhân viên bãi trông giữ xe, bãi rửa xe mà đã biết lái xe thì thường sẽ có bằng lái. Họ đâu biết rằng, hành vi này của họ là hành vi vi phạm pháp luật.
Xử lý hình sự
Hiện nay, Hà Nội có hàng trăm các bãi trông giữ xe, rửa xe tư nhân. Việc khách gửi xe, rửa xe phải để lại chìa khóa là một việc làm hết sức quen thuộc. Đây còn là quy định chung của các bãi trông giữ. Tuy nhiên, việc làm tưởng như “vô hại” của cả người gửi xe cũng như nhân viên của các bãi trông giữ, bãi rửa xe ấy lại là những việc làm vi phạm pháp luật.
Để tìm hiểu rõ hơn trách nhiệm về pháp luật của những hành vi như trên, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với luật sư Đào Ngọc Lý, Giám đốc Công ty luật TNHH Đào Ngọc Lý (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Anh diễn giải: Trường hợp giao xe ôtô cho người không có bằng lái xe ôtô, thậm chí còn đang ở tuổi vị thành niên… và người giao xe biết rõ điều này thì người giao xe đã vi phạm pháp luật, nếu gây hậu quả thì phải chịu trách nhiệm tùy theo tính chất và mức độ của vụ việc. Nếu không biết rõ ràng về tình trạng của nhân viên rửa xe, trông xe có đủ điều kiện được lái xe hay không mà vẫn giao xe thì vẫn vi phạm pháp luật và đây có thể thuộc trường hợp lỗi cố ý gián tiếp hoặc vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả.
Khoản 1 Điều 205 BLHS về tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ quy định: “1. Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến ba năm”. Điều 202 có 4 khoản cụ thể để xử lý nhiều tình huống, từ mức độ vi phạm ít nghiêm trọng đến những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.
Còn trong trường hợp nhân viên trông giữ xe, rửa xe lái xe gây tai nạn giao thông thì có thể bị xử lý theo Điều 202 BLHS “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, khoản 1 quy định như sau: “1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từsáu tháng đến năm năm”.
Điều 202 có 5 khoản để xử lý nhiều tình huống, từ mức độ vi phạm ít nghiêm trọng đến những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng khác. Ngoài trách nhiệm hình sự, người vi phạm còn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm này trước hết thuộc về người trực tiếp gây tai nạn là nhân viên trông xe hoặc rửa xe. Tuy nhiên, có thể liên đới trách nhiệm bồi thường của cả nhân viên đã lái xe, của người đã giao xe hoặc của chủ sở hữu xe tùy theo sự thỏa thuận, giao kết giữa những người này khi chuyển giao xe ôtô giữa các chủ thể đó.
Theo thông tin mà báo chí đã nêu thì lái xe Nguyễn Quang Vinh - người điều khiển gây ra vụ tai nạn giao thông dẫn đến 3 người tử vong sáng 29-2 đã bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 202 Bộ luật Hình sự. Như vậy, với tội danh này, mức hình phạt cao nhất mà Vinh có thể phải chịu là không quá 15 năm tù, mặc dù hậu quả là đặc biệt nghiêm trọng, đã gây ra những tổn thất không thể bù đắp được cho nhiều cá nhân và gia đình. Hi vọng điều này đủ sức cảnh tỉnh tất cả những ai đặt tay trên vô lăng ôtô mỗi khi tham gia giao thông, thấy rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình hơn đối với chính bản thân mình cũng như đối với gia đình và toàn xã hội. (Luật sư Đào Ngọc Lý) |