“Cầu mong phép màu đến với cháu tôi và các công nhân thủy điện Rào Trăng 3”
- Trực thăng tìm kiếm các nạn nhân vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3
- Vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3: Xác nhận 3 công nhân tử vong
- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo công tác CNCH tại thủy điện Rào Trăng 3
Ngày 14/10, Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đóng tại Sở chỉ huy tiền phương đặt ở trụ sở UBND xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) tiếp tục triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn tại các điểm sạt lở tại các khu vực thủy điện đóng ở xã Phong Xuân.
Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các lực lượng tranh thủ thời tiết nắng ráo triển khai biện pháp, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo tiếp cận mục tiêu sớm nhất và an toàn nhất.
Chị Nguyễn Thị Lan (áo đỏ) mong ngóng tin tức cháu ruột là công nhân thi công ở công trình thủy điện Rào Trăng 3. |
Theo đó, mục tiêu tiếp cận cứu nạn cứu hộ là Trạm quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67; thủy điện Rào Trăng 3,4; thủy điện A Lin B1 và B2.
Hướng tiếp cận cứu hộ được triển khai theo 3 mũi gồm đường không (máy bay trực thăng), đường thủy và đường bộ.
Khu vực hiện trường hiện đang có có gần 650 người tham gia cứu nạn, cứu hộ, gần 100 phương tiện, gần 100 ô tô, máy xúc, máy ủi, 3 máy bay trực thăng làm công tác cứu nạn để khảo sát hiện trường.
Người thân các nạn nhân và người dân địa phương ngồi đợi tin tức từ lực lượng cứu hộ, cứu nạn. |
Trong sáng nay, lực lượng đã tiếp cận được vị trí khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng thuộc tiểu khu 67 để cứu hộ, cứu nạn, sau đó tiếp tục san gạt đất đá sạt lở để tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3.
Công tác thông tin liên lạc được các đơn vị Quân đội và viễn thông phối hợp triển khai đảm bảo thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn.
Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đóng tại Sở chỉ huy tiền phương đặt ở trụ sở UBND xã Phong Xuân. |
Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong sáng cùng ngày, lực lượng quân đội đã dùng trực thăng để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực sạt lở thủy điện nói trên. Máy bay trực thăng của Quân đội chở theo nhiều CBCS cứu hộ cứu nạn, cùng nhiều hàng tiếp tế xuất phát đến các địa điểm cần ứng cứu khẩn cấp.
Lực lượng Công an túc trực tại tuyến đường từ xã Phong Xuân dẫn lên thủy điện Rào Trăng 3, 4. |
Tại xã Phong Xuân, hàng trăm người dân địa phương đang hồi hộp theo dõi, mong ngóng tin tức từ lực lượng cứu hộ, trong đó có nhiều người là người thân của các nạn nhân đang mất liên lạc tại thủy điện Rào Trăng 3.
Đứng bên góc đường dẫn lên thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 có đông CBCS Công an túc trực, chị Nguyễn Thị Lan (trú thôn Hiền An 2, xã Phong Xuân) không giấu được sự lo lắng. Chị Lan có cháu ruột là anh Nguyễn Bá Tuyến, trú cùng địa phương làm công nhân thi công công trình ở dự án thủy điện Rào Trăng 3 mất liên lạc từ nhiều ngày qua.
Máy bay trực thăng được huy động tham gia cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân. |
“Suốt 3 hôm nay, gia đình tôi mất liên lạc với cháu Tuyến. Chúng tôi đã tìm mọi cách để liên lạc qua số điện thoại của cháu nhưng không được. Đến hôm qua nghe thông tin từ báo chí và chính quyền địa phương về vụ sạt lở vùi lấp lán trại công nhân thi công thủy điện thì gia đình tôi không dám tin đó là sự thật. Giờ tôi chỉ cầu mong có một phép màu đến với cháu mình và các công nhân ở trên kia…”, chị Lan cho hay.