Cảnh giác với những người tới nhà bảo dưỡng bình gas

Thứ Hai, 10/04/2017, 09:55
Bà Mùi bị gạt mua gas từ số điện thoại của 1 người giả nhân viên bảo hành bình gas. Chỉ tới khi nhân viên mang gas tới, bà mới phát giác không phải ở chỗ vẫn thường mua.


Theo phản ánh của chị Phạm Thị Hòa, ở phường Bưởi (Hà Nội) thì chủ nhật vừa qua có một nam thanh niên tới nhà chị giới thiệu là nhân viên của cửa hàng gas Tuấn Tiến trên đường Hoàng Hoa Thám đến bảo dưỡng bình gas. Đây là cửa hàng gas mà chị Hòa vẫn mua từ 10 năm nay nên chị tưởng thật. Vừa vào nhà, người này mở ngay bình gas, lắc lắc kêu gas sắp hết.

Anh ta đòi xem những hóa đơn mua gas, chị Hòa không nghi ngờ lấy cho người này xem. Anh ta giới thiệu cửa hàng đang có đợt khuyến mại, bảo dưỡng bình gas rồi yêu cầu chị ghi tên, địa chỉ, số điện thoại vào quyển sổ. 

Tờ quảng cáo kèm bảo hành mà chị Hòa nhận được từ người xưng là bảo dưỡng bình gas.

Sau đó, anh ta đưa cho chị một tờ quảng cáo nói rằng, đây là bảo hành của hãng gas Petrolimex mà cửa hàng Tuấn Tiến là đại lý. Anh ta ghi tên, địa chỉ, điện thoại của chị vào tờ quảng cáo này và nói: “Bình gas nhà chị đã được bảo hành, khi nào hết gas chị cứ gọi vào số điện thoại trên đây, một bình được khuyến mại 20.000đ và tặng một bộ cốc hoặc cặp lồng giữ nhiệt”. 

Thấy chị Hòa gật đầu, anh ta lại hỏi: “Bếp nhà chị bật lên lửa xanh hay đỏ, chị bật thử xem để có gì em làm bảo dưỡng luôn cho”. Chị Hòa tưởng thật bật bếp thì thấy bếp không cháy. Anh ta nói luôn: “Hết gas rồi. Chị gọi gas đi”. Rõ ràng chị vừa nấu ăn không thấy hiện tượng hết gas, tưởng anh ta khóa van bình gas lại, chị hỏi thì anh ta chối. Tuy nhiên, thấy vẻ sốt sắng của anh ta, chị bảo sẽ gọi sau.

Đến tối, chồng chị về đã phát hiện số điện thoại của cửa hàng gas Tuấn Tiến dán trên bình gas và phiếu mua gas đều đã bị dán đè một số điện thoại khác lên. Gas trong bình chưa hết, chỉ là van bị người thanh niên này khóa lại. Tình trạng giả danh này diễn ra rất nhiều ở Hà Nội. 

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Mùi, ở phường Bưởi thì gia đình bà cũng gặp cảnh tương tự. Nhưng không may mắn như chị Hòa, bếp gas nhà bà Mùi bị tháo mất pin và bà tưởng là hết gas. Bà bị gạt mua gas từ số điện thoại mà người thanh niên này dán đè lên trên bình gas. Chỉ tới khi nhân viên mang gas tới, bà mới phát giác không phải ở chỗ vẫn thường mua.

Đây là một chiêu trò bán gas nhưng lại bằng thủ đoạn giả nhân viên bảo hành chủ yếu nhằm vào các gia đình thường có người già, trẻ em ở nhà. Và chất lượng gas cũng như độ an toàn của bình gas thì không ai kiểm chứng vì cửa hàng ở địa chỉ “ma”. Mọi người hãy nêu cao cảnh giác khi gặp phải tình huống trên.

Trần Minh
.
.
.