Bệnh viện tâm thần "đón" nhiều bệnh nhân "nghiện" điện thoại
- Vì sao giới trẻ “cuồng” nhạc ngoại?
- “Chơi khói” bằng thuốc lá điện tử thú chơi nguy hại của giới trẻ
- Vì sao ma túy tổng hợp dễ dàng cám dỗ giới trẻ?
Nhập viện vì nghiện điện thoại
Ngày 12-1, bà Nguyễn Thị Phương, Y tá trưởng - Khoa 6, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, Khoa này vừa tiếp nhận cháu Triệu Thu H. (SN 2001, trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh) trong tình trạng rối loạn tâm lý, không muốn giao tiếp với người khác. Bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tâm lý.
Theo bà Nguyễn Thị Phương, nữ bệnh nhân này được gia đình đưa vào viện sau khi nhiều ngày con gái họ biếng ăn uống, kết quả học tập giảm sút, ít giao tiếp với mọi người; luôn ôm chiếc ĐTDĐ để vào các trang mạng xã hội, đặc biệt một trang kết nối giữa những người sử dụng ứng dụng về thần tượng ngôi sao song ngữ Hàn – Việt.
Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. |
“Gia đình chia sẻ với bác sỹ, cháu H có biểu hiện ghét cả bố, cả mẹ, có biểu hiện trầm cảm, ngại giao tiếp. Sau khi nhập viện, cháu H. luôn cầm chiếc ĐTDĐ trên tay, ít nói dù người thân luôn động viên bên cạnh. Nhận diện những biểu hiện trên là dấu hiệu của người "nghiện" công nghệ cao (ĐTDĐ, game, mạng xã hội…). Do đó, bệnh viện đã cách ly nữ sinh này với chiếc ĐTDĐ và thực hiện các bước điều trị như sử dụng từ trường kích thích hoạt động của não bộ, nâng cao thể trạng, động viên, gần gũi...
Cũng theo bà Phương đây không phải trường hợp đầu tiên và duy nhất mắc triệu chứng "nghiện" ĐTDĐ, mạng xã hội được điều trị tại đây. Trước đó, Khoa này từng tiếp nhận và điều trị cho một số bệnh nhân mắc triệu chứng tương tự. Điển hình, bệnh nhân Bùi Thị T (33 tuổi, trú ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã điều trị được nhiều tháng và chuẩn bị được xuất viện. Chị T. được đưa vào bệnh viện khi đã điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai về chứng trầm cảm do sử dụng ĐTDĐ vào mạng internet quá nhiều.
Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, chị T. chia sẻ, sau khi sinh con trai thứ 2, chị nghỉ việc kế toán ở nhà trông con. Ngoài thời gian chăm sóc con, chị thường xuyên sử dụng ĐTDĐ để vào các trang mạng xã hội và dần dần thành thói quen sử dụng liên tục và thành "nghiện" lúc nào không biết. Từ đó, chị hay thức khuya, chán ăn uống, ngại giao tiếp, dẫn đến thể trạng giảm sút, tinh thần kém minh mẫn.
“Tôi nhận thức được mình thích sử dụng ĐTDĐ để vào mạng xã hội nhưng không thể tách mình khỏi chiếc ĐTDĐ và dần sử dụng ĐTDĐ như một thói quen... Đến khi thể trạng bắt đầu kém dần, khó ăn, kém ngủ và rơi vào tình trạng trầm cảm lúc nào không hay".
Đến khi nhập viện, chị T. đã được các bác sĩ cho điều trị bằng thuốc, buộc phải ăn bằng ống xông (sử dụng ống dẫn thức ăn vào dạ dày - PV). Tới nay chị T. đã thấy tình trạng sức khỏe ổn định hơn; không còn ưa thích và cảm giác "cần" chiếc ĐTDĐ có kết nối internet nữa; đã ăn ngủ khỏe hơn và muốn được giao tiếp với mọi người...
Cảnh báo giới trẻ
Giải thích về tình trạng về việc xuất hiện ngày càng nhiều các thanh thiếu niên nhập viện vì nghiện ĐTDĐ, mạng xã hội… Tiến sĩ, Bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 cho biết, những biểu hiện này là dấu hiệu của triệu chứng nghiện công nghệ cao (ĐTDĐ, game, internet, mạng xã hội…) dẫn đến dấu hiệu trầm cảm. Các thiết bị công nghệ cao là một phương tiện giao lưu, giao tiếp bình thường mà hiện nay đa số giới trẻ đều sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thời lượng sử dụng ngày càng tăng lên đã ảnh hưởng tới cuộc sống của người sử dụng.
"Nghiện" là xu hướng tăng liều lượng, thời gian sử dụng, đến khi không thể bỏ được. Nếu dùng biện pháp ngăn điện thoại, internet thì khiến người "nghiện" có cảm giác khó chịu như không thể chịu đựng được. Khi bị ngăn cấm, người "nghiện" sẵn sàng bỏ học, trốn học, bỏ việc, chểnh mảng vị trí làm việc hay dối trá... để được sử dụng ĐTDĐ hay vào máy tính có kết nối internet.
Người thân trong gia đình có thể nhận biết khi thấy con em mình sử dụng ĐTDĐ liên tục, gần như 24/24. Thậm chí, khi bị ngăn cấm họ tìm mọi cách để được sử dụng như: ra quán nét; sang nhà hàng xóm, tìm đến bạn bè để mượn ĐTDĐ để sử dụng kết nối internet... Khi sử dụng quá nhiều mạng internet, mạng xã hội, game sẽ khiến họ kém ăn, gầy sút, không ngủ được. Thể lực giảm sút, thường thu rút bản thân, không muốn giao tiếp với ai, chỉ muốn sống trong phòng với thiết bị có kết nối ineternet. Tâm trạng rất hay căng thẳng, hằn học, bức xúc. Ngoài ra, bệnh nhân kèm theo tâm trạng lo âu, buồn chán, bi quan, thậm chí nhiều trường hợp suy nghĩ tiêu cực có thể tự tử.
Tiến sĩ, Bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 1 trao đổi với phóng viên. |
Bác sĩ Tô Thanh Phương cho biết, các biểu hiện này khi chuyển sang trạng thái "nghiện" thì sẽ trầm cảm ở 3 mức: trung bình, nặng không loạn thần và nặng có loạn thần. Ở mức độ nặng nhất là trầm cảm có loạn thần, bệnh nhân thường bị hoang tưởng dẫn đến những hành vi bất thường, gây rối cho người khác; thậm chí có những hành động gây nguy hiểm cho chính bản thân và tự tử. Họ thường có ảo giác khi nghe những âm thanh và suy tưởng thành những chuyện tương tự từng chứng kiến trên mạng internet, game….
Bác sĩ Phương khuyến cáo, khi phát hiện người có dấu hiệu như nêu trên thì người nhà cần sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để các bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời. Đồng thời, khuyến khích người sử dụng internet, mạng xã hội cần tăng cường tập thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe, làm tất cả các công việc bình thường trong gia đình để không còn lệ thuộc vào ĐTDĐ, máy tính truy cập internet, mạng xã hội, game…
Hiện nay, phác đồ điều trị người trầm cảm do internet, mạng xã hội có 2 phương pháp chính là dùng thuốc và kích thích từ trường vào não bộ. Lộ trình điều trị trong khoảng từ 1 đến 2 tháng. Theo đó, mỗi ngày bệnh nhân sẽ được kích thích não bộ bằng từ trường một lần, trong thời gian từ 15 đến 30 phút... |