Vì sao giới trẻ “cuồng” nhạc ngoại?

Chủ Nhật, 24/12/2017, 09:33
Học sinh thích bài hát mới, tự tìm hiểu qua mạng internet, thích nghe, xem nhạc nước ngoài vì có tính chất sôi động, nhảy múa. Không ít em thần tượng “sao” Hàn Quốc, Trung Quốc, “sao” châu Âu… 

Nhạc sĩ Hoàng Long cho rằng những thành tựu trong xây dựng và phát triển âm nhạc cho thiếu nhi có mối quan hệ hữu cơ với việc xây dựng một khối công chúng âm nhạc đông đảo rộng lớn trong cả nước, để thưởng thức, kế thừa, bảo vệ một nền âm nhạc lành mạnh. 

Thế nhưng, nếu nhìn tổng thể bình diện âm nhạc thiếu nhi một số năm gần đây thì luôn trong tình trạng “thừa mà thiếu”. Những bài hát đã có đời sống thường lặp lại trong các hội diễn, trong khi số bài mới quá nhỏ nhoi và chất lượng lại chưa tốt, thường chỉ xuất hiện một lần rồi “biến mất”. Người chuyên viết cho thiếu nhi không nhiều, ít bài có sức lan tỏa rộng, hầu hết chỉ được phổ biến thu gọn trong một địa phương nho nhỏ, từng vùng. 

Một số bài có lời ca còn rất thô thiển, âm nhạc lai căng, dễ dãi, ít tính thẩm mỹ, bài hát đôi khi phản cảm, thiếu tính giáo dục… Đặc biệt, bài hát dành cho lứa tuổi học sinh THPT còn hiếm hoi. Vì thế, có hội diễn, các em hát cả bài của người lớn, cả nội dung và nghệ thuật đều quá sức, quá tải.

PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Mai, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương thì nhận định: Có một nghịch lý là hiện nay có không ít nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi nhưng nhạc sĩ sáng tác xong, in thành quyển riêng và chủ yếu để dành tặng bạn bè. Tác phẩm không có điều kiện để dàn dựng hoặc chưa được nhiều học sinh và lớp trẻ yêu thích.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào sáng tác về ngành Giáo dục năm 2007-2008 và tuyển chọn 100 bài hát, in thành tập “Tiếng hát về thầy cô và mái trường”, phát hành 10.000 bản từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn không được phổ biến rộng rãi trong nhà trường. Ngược lại, chương trình âm nhạc ở Tiểu học và THCS khá ít sáng tác mới. Nhiều giáo viên dạy âm nhạc cho rằng bài cũ kỹ, ít hơi thở thời đại.

Học sinh thích bài hát mới, tự tìm hiểu qua mạng internet, thích nghe, xem nhạc nước ngoài vì có tính chất sôi động, nhảy múa. Không ít em thần tượng “sao” Hàn Quốc, Trung Quốc, “sao” châu Âu… Nhưng quan tâm nhạc ngoại đến nỗi thần tượng các “sao” một cách cuồng dại, bỏ ăn học để đi đón thần tượng, khóc thảm thiết khi không được gặp thần tượng thì người lớn và các nhà giáo dục âm nhạc phải nghiêm túc xem xét. 

Theo nhạc sĩ Đỗ Bảo, hiện nay, hoạt động ca nhạc có vẻ sôi động nhưng chỉ là sôi động trên bề mặt. Trong nền kinh tế thị trường, sản xuất âm nhạc đang gần với công việc sản xuất hàng hóa nhằm mục đích thu lợi đã làm mài mòn nhân cách nghệ sĩ, hủy hoại những cảm hứng sáng tạo trong lành, vì thế, lực lượng nghệ sĩ tinh hoa ngày càng “mỏng”. 

Đi tìm “lối thoát” cho các vấn đề nêu trên, nhạc sĩ Hoàng Long cho rằng, bên cạnh các giai điệu mượt mà, hiền hòa đẹp đẽ, âm nhạc cho học sinh cần những giai điệu sôi động linh hoạt hơn. Để có những bài hát hay, có chất lượng, phù hợp với nhịp sống hiện đại, cần nhiều sự quan tâm hơn của các nhạc sĩ, đặc biệt là lớp nhạc sĩ trẻ. 

Trong dàn dựng cũng cần đầu tư hát kết hợp với nhảy – múa vì đây là một nhu cầu thực sự của tuổi trẻ. Ngoài ca khúc, các bài hát mang tính tập thể, cộng đồng thì các thể loại khác như hợp xướng, hợp xướng không có nhạc đệm, nhạc cảnh, ca cảnh, nhạc không lời có dẫn giải… cũng cần từng bước phải đưa tới cho trẻ em.

PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Mai thì cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, thông tin và âm nhạc tràn ngập trên mạng, TV, Đài phát thanh… có cả âm nhạc lành mạnh và không lành mạnh. Nếu như không được giáo dục âm nhạc, lứa tuổi học sinh phổ thông sẽ khó có thể có định hướng đúng đắn. 

Nhưng để định hướng tốt thì cần có giải pháp mang tính vĩ mô và có sự góp sức của toàn xã hội. Vai trò của giáo dục âm nhạc cần được nhận thức đúng đắn hơn. Các giáo viên âm nhạc cần năng động hơn, sáng tạo, nâng cao khả năng truyền đạt cũng như dàn dựng các bài dân ca cho hay, hấp dẫn. 

Chính các giáo viên âm nhạc sẽ là nguồn cảm hứng để học sinh chuyển biến nhận thức, yêu âm nhạc hơn. Tất nhiên, làm được điều này, giáo viên phải có tâm huyết, nỗ lực vượt khó lớn, nhất là trong điều kiện âm nhạc vẫn là môn học phụ, tiếng nói và vị thế của giáo viên âm nhạc yếu ớt, thu nhập thấp như hiện nay…

Hoa Nguyễn
.
.
.