Cảnh báo công tác phòng chống cháy nổ tại các khu chợ truyền thống

Thứ Sáu, 10/08/2018, 17:49
Thời gian qua, công tác quản lý của hầu hết các khu chợ truyền thống trên địa bàn Thủ đô Hà Nội còn rất nhiều bất cập. Trong khi, những khu chợ truyền thống này là nơi có nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao, thì công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) lại bị lơ là.


Có mặt tại nhiều khu chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội, chúng tôi ghi nhận tại nhiều nơi, lối thoát hiểm ở các khu chợ bị lãng quên. Nhiều hộ kinh doanh vẫn coi lối thoát hiểm là nơi trộm cắp dễ đột nhập nên thay vì xem nó là lối để thoát thân nếu bất ngờ xảy ra cháy nổ thì lại dùng vật cản vít lại để phòng trộm. 

Ngoài ra còn có những sai phạm như việc thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC theo quy định; thiếu hệ thống đèn chiếu sáng sự cố; chưa mua bảo hiểm chữa cháy... Dẫn đến hệ lụy khi xảy ra cháy nổ là rất lớn; hậu quả không thể đền bù, khắc phục.

Sự thiếu quan tâm đến công tác PCCC tại các khu chợ truyền thống được thể hiện rõ nhất trong vụ cháy chợ Sóc Sơn (thị trấn Sóc Sơn, TP Hà Nội) ngày 21-6 vừa qua. 

Cần nâng cao cảnh giác phòng cháy, chữa cháy tại các khu chợ truyền thống.

Theo kết luận điều tra của lực lượng Công an vừa được công bố, khoảng 5h55', sau khi anh Ngô Quý Hiếu và anh Phạm Văn Hải, là nhân viên bảo vệ thuộc Ban quản lý (BQL) chợ Sóc Sơn tiến hành mở cửa khu vực chợ chính và mở cầu giao điện cung cấp đến các sạp kinh doanh để các tiểu thương đến chuẩn bị bán hàng thì chị Trần Thị Chanh (33 tuổi), là người bán hàng rong phát hiện trong chợ xảy ra cháy. Chị Chanh đã chạy ra ngoài thông báo cho mọi người biết. 

Lúc này, anh Vũ Văn Xuân (48 tuổi) và anh Phạm Văn Hinh (50  tuổi), đều là nhân viên Đội quản lý ngành hàng thuộc BQL chợ Sóc Sơn đã báo cho Ngô Quí Hiếu ngắt toàn bộ hệ thống cầu dao điện, gọi 114 báo cháy rồi cùng nhân dân dùng bình bọt chữa cháy. 

Nhận thấy, lửa cháy ngày càng lớn, anh Hiếu đã chạy ra trụ bơm, mở khóa vận hành máy bơm cố định để chữa cháy nhưng máy bơm không hoạt động và đám cháy tiếp tục lan rộng. Sau 2h lực lượng chức năng cùng nhân dân đã dập tắt được đám cháy. Tuy vụ cháy may mắn không gây thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại 47 tỷ đồng...

Quá trình điều tra, lực lượng Công an đã phát hiện ra nhiều sai phạm tại Ban quản lý chợ Sóc Sơn, khi BQL chợ không xuất trình được sổ theo dõi hoạt động của máy bơm chữa cháy cố định; không phân công người làm công tác kiểm tra, vận hành, sửa chữa máy bơm thường xuyên; bình chứa nhiên liệu của máy bơm chữa cháy cạn hở đấy, máy không trong tình trạng thường trực hoạt động, dẫn đến việc khi xảy ra cháy, máy bơm chữa cháy không hoạt động. 

Cơ quan Công an cũng làm rõ, từ tháng 6-2018, sau khi Phòng Cảnh sát PCCC số 5 kiểm tra và có kiến nghị phải sửa chữa máy bơm chữa cháy cố định, thì chỉ có 1 lần duy nhất vào tối ngày 5-6-2018, anh Phạm Đức Nam, Phó trưởng ban cùng với anh Nguyễn Văn Dũng, Sáu, Mận tiến hành kiểm tra máy bơm, còn lại không để ý nữa.

Hơn thế nữa, khi Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn yêu cầu giải tỏa khu vực để tiến hành xây dựng 2 bể nước PCCC nhưng BQL chợ không thực hiện. Bên cạnh đó, BQL chợ còn chưa thực hiện đúng quy định trong công tác quản lý PCCC tại chợ từ năm 2017 đến nay (năm 2017 và 2018, phòng Cảnh sát PCCC số 5 đã kiểm tra và yêu cầu BQL khắc phục nhưng đơn vị chưa thực hiện; trong đó ngày 6-6-2018 đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với BQL với số tiền 2 triệu đồng), cụ thể: Chưa có hồ sơ, chưa tiến hành thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC theo quy định. Chưa trang bị hệ thống đèn chiếu sáng sự cố đầy đủ cho cả khu vực. Chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định tại Điều 9 Luật PCCC, 2 bể nước phục vụ chữa cháy có tổng khối tích 60m3 không đảm bảo về khối lượng (để đảm bảo khoảng 200m3). 

Tại thời điểm kiểm tra (ngày 5-6-2018), hệ thống báo cháy tự động bị lỗi; việc khởi động máy bơm chữa cháy cố định không đảm bảo.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 11-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm qui định về phòng cháy, chữa cháy" theo Điều 313 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Để khắc phục được những sai phạm trong vụ cháy chợ Sóc Sơn, chúng ta cần nâng cao công tác tuyên truyền về phòng chống chảy nổ cho các tiểu thương kinh doanh trong chợ truyền thống. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát PCCC cần thường xuyên phối hợp với BQL các chợ truyền thống tổ chức các buổi tập huấn phòng cháy cho các tiểu thương và người dân sống xung quanh chợ.

Bên cạnh đó, nên có những quy định cho phép lực lượng PCCC kiểm tra đột xuất các cơ sở, điểm chợ có nguy cơ cháy nổ cao. Bởi thời gian gần đây, qua thực tiễn xuất hiện tình trạng, cứ mỗi khi có đoàn kiểm tra xuống kiểm tra công tác PCCC tại chợ, thì BQL chợ và các tiểu thương đã nghĩ dùng nhiều cách để đối phó với đoàn kiểm tra. 

Cụ thể, tại Điều 10, Thông tư 66 năm 2014 của Bộ Công an, để tiến hành kiểm tra công tác PCCC, ngành chức năng phải gửi văn bản thông báo trước 3 ngày. 

Với khoảng thời gian này, tiểu thương, Ban quản lý các khu chợ có thể dễ dàng mượn tạm các thiết bị phòng chống cháy từ nơi khác để đối phó với lực lượng chức năng. Sau khi xong đợt kiểm tra, các thiết bị được trả về chỗ cũ. Điều này khiến công tác kiểm tra không còn tính chính xác cao và dễ dẫn đến những hệ quả như vụ cháy chợ Sóc Sơn vừa qua...

Minh Khoa - Trần Xuân
.
.
.