Cẩn trọng khi tắm ở "hồ Tử Thần”

Chủ Nhật, 04/12/2016, 06:23
Với thống kê không chính thức, hồ này tên gọi là hồ Đá, đã cướp đi khoảng 60 sinh mạng con người nên người ta gọi nó là "hồ Tử Thần". Đây là hồ được hình thành do quá trình khai thác đá từ cách nay hơn 20 năm.

Chiều 29-11, một người dân đi câu cá phát hiện một xác chết đang trong thời kỳ phân hủy nổi dập dềnh trên hồ Tử Thần (khu phố Tân Lập, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Nạn nhân là nam giới, mặc bộ đồ quần áo thể thao. Trước đó, ngày 13-11, người dân cũng đã phát hiện một thi thể nổi trên mặt hồ. Nạn nhân là nam giới, mặc áo sơ mi ca rô màu đỏ - đen, quần lửng màu đỏ.

Ngày 31-10, anh Lý Tấn Tín (19 tuổi, cư ngụ tại quận 9, TP Hồ Chí Minh) cùng 4 người bạn rủ nhau ra hồ đá tắm. Thấy mọi người bơi ra giữa hồ (cách bờ khoảng 100m), anh Tín cũng bơi theo ra, nhưng chỉ được khoảng hơn 20m thì bị đuối nước. Ngay sau đó, hai người ở trên bờ nhảy xuống định cứu anh Tín nhưng bất thành.

Anh Trần Minh Thiện (19 tuổi, quê ở Kiên Giang) kể: “Thấy anh Tín vùng vẫy giữa hồ nước xanh, tôi và một người nữa bơi ra định cứu nhưng chúng tôi bơi chưa được nửa đường thì thấy anh Tín đã chìm sâu xuống nước. Thấy vậy, những người bạn của anh Tín đang ở giữa hồ phải nhờ lực lượng cứu hộ đưa vào bờ. Khoảng 16 giờ cùng ngày, xác anh Tín mới được tìm thấy”.

Đó là trường hợp xuống hồ tắm mới bị chết đuối. Thời gian qua, có nhiều trường hợp đi dạo chơi, chụp ảnh  bên hồ rồi trượt chân xuống nước. Chẳng hạn như trường hợp của chị Nguyễn Thị Thu, 24 tuổi, cư ngụ tại quận  Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Trong khi đến đây chụp ảnh lưu niệm, chị Thu bị trượt chân xuống hồ, rồi chìm nghỉm. Phải sau 4 tiếng đồng hồ, lực lượng cứu hộ mới vớt được thi thể của chị.

Mặc dù đã dựng biển cấm nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ đuối nước tại “hồ Tử Thần”.

Từ đầu tháng 11 đến nay, đã xảy ra hàng chục vụ đuối nước tại “hồ Tử Thần”, làm chết 5 người. Thế nhưng, những ngày gần đây, vẫn còn nhiều người hẹn nhau đến hồ dạo chơi, rồi kéo nhau xuống tắm, bất chấp sự cảnh báo của chính quyền địa phương và các ngành chức năng.

Ông Trần Việt Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển đô thị Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: “Gọi là hồ Tử Thần vì ở đây đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, thực ra đây là hồ nước do người ta bắn mìn, khai thác đá hình thành. Đáy hồ hình lòng chảo, nơi sâu nhất khoảng vài chục mét, nước lúc nào cũng trong xanh và lạnh ngắt vì  nước ngầm từ các vỉa đá chảy ra.

Hồ này nằm gần làng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, trong một khuôn viên rộng, đẹp có nhiều cây lớn nên vào những ngày nghỉ, lễ thường có nhiều người tới đây dạo chơi và rủ nhau tắm.

Để bảo vệ tính mạng cho người dân và sinh viên, trung tâm đã kết hợp với chính quyền địa phương cắm biển cấm, dựng hàng rào ngăn cách nhưng có nhiều người đã tự phá hàng rào vào hồ câu cá, hóng mát và tắm. Trước đây, có một số sinh viên ra tắm rồi bị đuối nước nhưng thời gian gần đây đã không còn vì chúng tôi  làm tốt công tác tuyên truyền đến từng khoa, lớp và từng sinh viên”.

Thiếu tá Dương Đình Thanh - Phó trưởng Công an phường Đông Hòa khẳng định: “Xảy ra nhiều vụ đuối nước tại hồ Đá là do ý thức của một số người dân còn kém. Mặc dù xung quanh hồ đã có nhiều biển cấm, có hàng rào bảo vệ nhưng nhiều người vẫn không chấp hành, coi thường biển báo, tự phá hàng rào để vào hồ.

Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm Quản lý và Phát triển đô thị Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thành lập đội bảo vệ thường xuyên tổ chức tuần tra, nhắc nhở ngăn chặn người dân không tới khu vực hồ, kịp thời xử lý, giải quyết tình huống xấu khi xảy ra”.

Ngọc Ánh
.
.
.