Cần thận trọng để ngăn chặn gia cầm nhập khẩu biến tướng

Thứ Năm, 10/03/2016, 08:44
Chiều tối ngày 9-3, sau thông tin về việc (Bộ NN&PTNT) thúc đẩy nhập khẩu gia cầm Trung Quốc trong Hội nghị song phương Việt Nam – Trung Quốc về hợp tác thú y, tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh động vật qua biên giới vừa diễn ra, cơ quan này đã có ý kiến cho biết, việc thúc đẩy thương mại trong nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật giữa hai nước là nhằm kiểm soát an toàn đối với gia cầm nhập khẩu.

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, phía Việt Nam và Cục Thú y Trung Quốc vẫn đang tiến hành đàm phán song phương các vấn đề liên quan đến quy trình này. Và ông Đông khẳng định, để đi tới một thỏa thuận về thương mại động vật và sản phẩm động vật giữa hai nước còn cần nhiều thời gian và qua nhiều bước.

Theo thông tin từ Cục Thú y, cơ quan này sẽ phối hợp với Cục Thú y của Trung Quốc để xác định vùng an toàn dịch bệnh với sự tham gia, đánh giá của Tổ chức FAO. Sau đó hai bên mới tổ chức dự thảo các yêu cầu cụ thể về vệ sinh thú y, quy trình và thủ tục nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm một cách chặt chẽ. 

Cụ thể như, hai bên sẽ cùng đánh giá các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cấp mã số cho từng cơ sở, nội dung kiểm dịch đối với từng loại hàng hóa có chứng nhận của cơ quan thú y có thẩm quyền của Trung Quốc, và khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được kiểm soát chặt chẽ theo từng lô hàng tại các cửa khẩu nhập theo đúng quy định như đã áp dụng đối với các nước khác đã và đang nhập khẩu vào Việt Nam, nhằm đảm bảo không có mầm bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam và an toàn thực phẩm cho người. 

Cục trưởng Cục Thú y khẳng định, sẽ báo cáo Bộ NN&PTNT về việc tổ chức kiểm tra, đánh giá tại nước xuất khẩu và kết quả đánh giá tại nước xuất khẩu để Bộ xem xét, quyết định có cho phép nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam hay không.

Buôn lậu gia cầm có bị ngăn chặn nếu cho phép nhập khẩu gia cầm chính ngạch từ Trung Quốc? Ảnh: H.M.

Trước đó, cuối tháng 1, tại Hội nghị song phương Việt Nam – Trung Quốc về hợp tác thú y, tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh động vật qua biên giới có đề cập đến việc xúc tiến thương mại bước đầu một số động vật và sản phẩm động vật an toàn ưu tiên của hai nước dựa trên tình hình thực tế, đặc biệt là xuất khẩu thịt gà và gà con 1 ngày tuổi từ Trung Quốc vào Việt Nam và xuất lợn thịt và bò từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Mặc dù Cục Thú y khẳng định sẽ kiểm soát chặt chẽ từng lô hàng gia cầm nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng đa số người chăn nuôi và cả người tiêu dùng trên cả nước lo ngại về nguồn gốc sản phẩm gia cầm, với những biến tướng như hợp pháp hóa bằng hàng nhập chính ngạch, tuồn hàng không đảm bảo vào trong nước, đặc biệt là phụ phẩm như chân, cánh, mề gà… tạm nhập tái xuất bị tuồn ngược trở lại Việt Nam tiêu thụ. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam bày tỏ quan điểm phản đối việc thúc đẩy thương mại trong việc  buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm với phía Trung Quốc. “Theo thống kê, lượng gia cầm chăn nuôi trong nước đủ cung cấp cho dân số hơn 90 triệu người của Việt Nam,  thậm chí còn để xuất khẩu, vậy tại sao phải nhập?”, ông Khanh đặt câu hỏi.

Theo ông Khanh, việc thông thương giữa các nước thì không thể ngăn sông cấm chợ, nhưng quan trọng là phải có hàng rào kỹ thuật đủ mạnh siết hàng nhập khẩu, để kiểm soát tình trạng lập lờ, lợi dụng thương mại để hợp pháp hóa hàng lậu, hàng kém chất lượng.

Chi Linh
.
.
.