Từ câu chuyện CSKV kiểm tra hành chính lúc nửa đêm tại quận 7, TP HCM

Thứ Sáu, 02/03/2018, 09:07
Câu chuyện Thiếu úy Khôi, Cảnh sát khu vực kiểm tra hành chính khu nhà trọ lúc quá nửa đêm ngày 2-2 vừa qua nhưng không có thẻ ngành và tác phong chưa chuẩn mực đã gây phản ứng từ phía người dân. Đây có thể coi là một bài học kinh nghiệm dành cho nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc việc thực thi hành nhiệm vụ của mình.

Câu chuyện Thiếu úy Khôi, Cảnh sát khu vực (CSKV) khu phố 2, phường Tân Quy, quận 7, TP Hồ Chí Minh kiểm tra hành chính khu nhà trọ lúc quá nửa đêm ngày 2-2 vừa qua nhưng không có thẻ ngành và tác phong chưa chuẩn mực đã gây phản ứng từ phía người dân, cụ thể là anh D., trọ ở đường số 8, phường Tân Quy, quận 7. Đây có thể coi là một bài học kinh nghiệm dành cho nhiều  cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc việc thực thi hành nhiệm vụ của mình.

Công tác kiểm tra hình chính trong lĩnh vực lưu trú đã thể hiện rõ trong Luật Cư trú, đó là hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT. Đối tượng kiểm tra cư trú là công dân, hộ gia đình, cơ sở cho thuê lưu trú, cơ quan đăng ký, quản lý cư trú các cấp; cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý cư trú.

Công an kiểm tra hành chính tại một quán bar.

Nội dung kiểm tra cư trú bao gồm kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú; quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú. Cán bộ, chiến sĩ CAND, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra, được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ ANTT ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia.

Còn về trang phục, cách ứng xử cũng đã có quy định chi tiết tại  Nghị định số 208/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 17-12-2013 và Thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10-4-2012 của Bộ Công an.

Đó là khi tiến hành hoạt động tuần tra, kiểm soát, lực lượng thi hành công vụ phải sử dụng đúng trang phục, phương tiện được trang bị, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; tuân thủ trình tự, thủ tục, kế hoạch, quy trình công tác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khi làm việc và quan hệ công tác với cán bộ và nhân dân, tùy từng trường hợp cụ thể mà cán bộ, chiến sĩ Công an gọi bằng “đồng chí” và xưng “tôi”; hoặc tùy theo lứa tuổi để xưng hô sao cho phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. Khi tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ CAND phải thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, tôn trọng, khiêm tốn, bình tĩnh, tận tình, chu đáo; thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, của ngành; nêu cao tinh thần trách nhiệm, không gây khó khăn, phiền hà với nhân dân.

Trở lại trường hợp của thiếu úy Khôi, nếu căn cứ theo quy định về kiểm tra “đột xuất” hoặc “do yêu cầu phòng chống tội phạm, giữ gìn ANTT” thì việc kiểm tra hành chính của CSKV này là phù hợp. Mặt khác, Ban Chỉ huy Công an phường Tân Quy cũng đã xác nhận việc kiểm tra này có kế hoạch, có cử đồng chí Khôi tiến hành kiểm tra cư trú toàn bộ khu nhà trọ nơi anh D. ở.

Cái sai ở đây chính là Thiếu úy Khôi chưa có thẻ ngành (nên chưa thể có bảng tên) và không lập biên bản ghi nhận sự việc. Vấn đề này cũng đã được lãnh đạo Công an phường Tân Quy xác nhận là do Thiếu úy Khôi mới ra trường được khoảng 4 tháng nên chưa có thẻ ngành. Đây là một thực tế mà chúng tôi đã kiểm chứng nhưng theo dư luận, đó là chuyện của nội bộ của đơn vị nơi anh Khôi công tác. Người dân đâu tường tận chuyện này nên sự biện minh đó là chưa thuyết phục.

Mặt khác, người dân “chưa chịu” rằng sao biết Thiếu úy Khôi chưa có thẻ ngành mà Ban Chỉ huy Công an phường không bố trí thêm một cán bộ, chiến sĩ nào có đủ tiêu chuẩn để đi cùng?

Người dân có quyền nghi ngờ và đòi hỏi giấy tờ người thi hành công vụ vì điều đó đã quy định trong luật, mà mục đích chính là để xác tín sự thật, giúp người dân tránh gặp phải kẻ giả danh. Nhất là đối với lực lượng Cảnh sát hình sự, khi mặc thường phục thi hành công vụ thì càng phải chứng minh mình là ai trước khi tiến hành kiểm tra hành chính và phải có thái độ chuẩn mực, giải thích rõ lý do kiểm tra. Trong trường đối tượng bỏ chạy hoặc chống đối thì mới dùng võ thuật, công cụ hỗ trợ hoặc súng để khống chế.

Quy định là thế nhưng trong thực tiễn, vẫn còn một số cán bộ, chiến sĩ khi kiểm tra hành chính thường không xuất trình thẻ ngành trước mà đợi đến khi người dân yêu cầu mới thực hiện. Hoặc khi thi hành công vụ quên mang theo thẻ ngành, thậm chí chưa có thẻ ngành (như trường hợp của Thiếu úy Khôi). Từ đó mới phát sinh những vụ việc không hay, ảnh hưởng đến hình ảnh của người Công an trong lòng dân.

Cũng trường hợp của Thiếu úy Khôi, nội dung phản ánh trên một tờ báo đặt vấn đề “kiểm tra hành chính giữa đêm có sai luật?”. Về vấn đề này, các bình luận từ phía người dân, giới luật sư, kể cả người từng công tác trong LLVT cũng có 2 luồng ý kiến. Có người cho rằng dù kiểm tra đột xuất nhưng không nên thực hiện lúc nửa đêm. Ngược lại, nhiều ý kiến nói đã đột xuất thì có thể thực hiện bất cứ lúc nào.

Các sách Từ điển tiếng Việt đều định nghĩa “đột xuất” là “bất ngờ, không có dự định trước”. Mà yếu tố bất ngờ trong kiểm tra hành chính là hoạt động chuyên ngành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chứ không riêng gì lực lượng Công an.

Vì sự kiểm tra bất ngờ mới có thể phát hiện ra người buôn gian bán lận; kẻ đầu trộm đuôi cướp; nhóm hút chích ma túy trong các quán bar, vũ trường, khách sạn… Cho nên khái niệm “đột xuất” được quy định trong luật đương nhiên phải được hiểu là có thể kiểm tra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nhằm tránh sự lạm quyền, đơn vị Công an ở nhiều nơi xây dựng quy chế là khi kiểm tra hành chính sau 23h, CSKV phải kết hợp cùng người ở khu phố, tổ dân phố, dân phòng…

Cách đây chưa lâu, rạng sáng của một ngày cuối năm, chúng tôi theo chân các trinh sát Đội 2, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công an phường 15, quận 8 kiểm tra hành chính hơn 10 căn hộ nằm trong hai chung cư Giai Việt và Samland nằm trên địa bàn phường này. Qua đó, phát hiện 22 người nghi vấn tạm trú tại 8 căn hộ để thực hiện hành vi cho vay nặng lãi.

Tại 1 căn hộ ở lầu 14, chung cư Giai Việt, cơ quan Công an thu giữ 1 khẩu súng ru-lô cùng hàng trăm hợp đồng cho vay, sổ theo dõi đòi nợ… Bốn đối tượng ở trong căn hộ này là những kẻ có tiền án, tiền sự được một người tên Nga (ngụ Hà Nội) thuê vào TP Hồ Chí Minh để thu nợ cho vay nặng lãi. Một nhóm khác ở cùng căn hộ cũng được người chủ giấu mặt thuê đứng ra cho vay và thu hồi nợ. Tổng cộng cơ quan Công an thu giữ 484 hồ sơ cho vay, 49 sổ theo dõi cho vay và 90 tờ giấy theo dõi tiền góp hàng ngày.

Việc kiểm tra và xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật này đã nhận được sự đồng thuận rất lớn của cư dân ở đây dù nửa đêm hôm đó họ cũng bị dựng dậy để kiểm tra cư trú. Tại TP Hồ Chí Minh, chuyện kiểm tra đột xuất các khu lưu trú vào nửa đêm để phòng, chống tội phạm vẫn diễn ra thường xuyên. Qua đó phát hiện khá nhiều tên tội phạm từ các tỉnh ẩn náu để gây án.

“Nếu chỉ kiểm tra hành chính định kỳ, có thông báo trước thì làm sao có thể phát hiện ra đối tượng thuộc thành phần bất hảo, các đối tượng vi phạm pháp luật? Nên vấn đề chính ở đây là chúng tôi luôn nhắc nhở các cán bộ, chiến sĩ khi thi hành nhiệm vụ phải tuyệt đối thực hiện theo đúng điều lệnh, thái độ ứng xử phải văn hóa, tôn trọng người dân thì họ sẽ dễ dàng thông cảm và hợp tác với cơ quan Công an”, một lãnh đạo Công an huyện Bình Chánh cho biết.

M.Hải
.
.
.