Taxi - nghề nguy hiểm

Thứ Năm, 04/08/2016, 09:04
Từ trước đến nay việc tài xế taxi bị “khách hàng” chơi xấu, quỵt tiền, đe dọa tính mạng để trấn cướp tiền, tài sản đã từng xảy ra và được báo chí phản ảnh khá nhiều. Trong đó, cũng đã xảy ra một số vụ tài xế taxi bị sát hại dã man. Làm cách nào để phòng chống được nạn cướp taxi cũng là những quan tâm rất lớn của chính các tài xế taxi và các nhà kinh doanh nghề dịch vụ này.


Nhiều rủi ro nghề lái taxi

Rạng sáng 19-7, anh Lê Thanh Hữu (41 tuổi, quê ở Bắc Kạn, hiện trú tại phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là tài xế của hãng taxi Tiên Sa được người dân phát hiện gục chết bên đường với nhiều vết đâm chí mạng khi chở khách đêm tại Đà Nẵng.

Trước khi xảy ra án mạng, trong ca trực lái, tài xế Lê Thanh Hữu đã điện thoại cho một đồng nghiệp đang đỗ xe tại cầu vượt Hòa Cầm thông báo có nhận chở 3 khách đi đèo Hải Vân vào lúc 1h20. Tuy nhiên, khoảng 20 phút sau thì tổng đài điều hành đã mất liên lạc với anh Hữu, rồi sau đó nhận được hung tin tài xế này bị sát hại dã man tại đường liên thôn Phước Hưng (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Hiện trường vụ án và thẻ của tài xế Lê Thanh Hữu.

Tại hiện trường, cách nơi phát hiện thi thể nạn nhân khoảng 20 mét, chiếc xe taxi 4 chỗ bị bật tung cửa, trong xe có nhiều vết máu. Kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi ban đầu, các cơ quan chức năng xác định, đây là vụ giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan Công an đang tích cực xác minh điều tra, truy tìm hung thủ.

May mắn hơn anh Hữu, anh Nguyễn Văn Lợi, 32 tuổi, tài xế taxi của hãng Sao Hà Nội từng hút chết trong một lần chở khách đêm cách đây gần 2 năm. Chỉ vào một vết sẹo dài vẫn hằn dấu ngang cằm, anh kể lại, đây là dấu tích của vụ cướp mà anh từng gặp phải. Lúc đó, khoảng hơn 17h, khi anh đang đỗ xe ở khu vực Văn Điển thì có một thanh niên trên 30 tuổi đến bắt xe, yêu cầu anh chở gấp về Ninh Bình.

Thấy anh có vẻ ngần ngừ, hắn ta nài nỉ bảo rằng ông nội của anh ta đang hấp hối cần phải về quê gấp. Thấy vậy, anh Lợi mủi lòng đồng ý. Trên đường đi, hắn ta không tỏ ra bất kỳ điều gì bất thường. Khi xe chạy đến khu vực Tam Điệp thì trời bắt đầu tối, đường thưa xe qua lại. Trong lúc anh Lợi không để ý, hắn ta ngồi phía sau bất ngờ rút dao kề vào cổ, yêu cầu anh đưa tiền, nếu kêu hoặc chống cự thì sẽ đâm chết.

Trước khi tự tay móc toàn bộ số tiền gần 2 triệu đồng trong chiếc ví để ở túi quần của anh lợi, tên này đã bắt anh Lợi dừng xe, tắt máy và bắt anh rút thắt lưng để tự buộc tay mình vào tay lái của xe. Sau khi lấy được tiền, trước khi bỏ đi, hắn ta còn cố tình rút chìa khóa xe taxi vứt xuống bờ ao sát bên vệ đường. Một lúc sau, khi anh Lợi giật được khóa tay thì đối tượng này cũng đã kịp bỏ đi mất dạng.

Sau một hồi mò tìm lại được chìa khóa xe, anh Lợi đã đánh xe đến Đồn Công an Tam Điệp để trình báo. Lúc đó, biết anh Lợi không còn tiền để mua xăng và ăn uống, các chiến sĩ Công an Đồn Tam Điệp đã thương tình, đưa cho anh 250 ngàn đồng để mua xăng và ăn đường trước khi đánh xe trở về Hà Nội. Từ ngày đó, anh Lợi không dám chạy taxi đêm nữa, trừ trường hợp chở những người quen biết.

Nhu cầu lớn đào tạo huấn luyện phòng chống cướp taxi

Anh Nguyễn Văn Nghiêm, quản lý một công ty kinh doanh dịch vụ taxi chuyên chạy tuyến Hà Nội – sân bay Nội Bài cho biết, năm 2003, khi còn là lái xe taxi anh cũng đã từng may mắn thoát chết khi bị 3 vị khách là những con nghiện chặn cướp, đe dọa tính mạng trên đường. Anh Nghiêm nhớ lại, hôm đó trời bắt đầu nhá nhem tối, có 3 nam thanh niên bắt xe của anh ở khu vực bến xe Mỹ Đình yêu cầu chở về Hải Phòng.

Đang chạy trên quốc lộ 5 với tốc độ cao, bất thình lình, anh bị một trong 3 đối tượng kề dao vào cổ đe dọa. Lúc đó, anh vẫn không rời tay lái, bình tĩnh nói với các đối tượng: “Em sẵn sàng giao toàn bộ hành lý, tài sản cho các anh, miễn là các anh tha cho em. Còn nếu các anh không chịu tha cho em thì tất cả chúng ta sẽ cùng chết”.

Vừa nói, anh Nghiêm vừa rồ ga tăng tốc, có lẽ lời nói cứng cỏi và hành động của anh đã khiến các đối tượng chùn tay. Sau đó, bọn chúng yêu cầu anh chở đến khu vực cầu Kỳ Nam (Hải Phòng) – một  địa bàn được coi là phức tạp nhất TP Hải Phòng thời kỳ bấy giờ về tình trạng nghiện hút và lấy toàn bộ tiền bạc, tài sản của anh nhưng đã để lại cho anh mạng sống.

Theo anh Nghiêm, hiện nay trên tất cả các xe taxi đều có lắp camera hành trình bắt buộc, đây cũng là một thuận lợi để cơ quan quản lý, tổng đài điều hành dịch vụ dễ dàng nắm được hành trình của lái xe hơn. Tuy nhiên, khi tự đón bắt khách, lái xe taxi cũng cần chủ động thông tin điện đàm với tổng đài để cơ quan quản lý dễ nắm bắt lịch trình chuyến đi và có biện pháp hỗ trợ kịp thời khi cần thiết.

Một khuyến cáo rất hữu ích đối với các lái xe taxi được anh Nghiêm đưa ra là khi đi làm nhiệm vụ, các lái xe tránh sử dụng điện thoại đẹp, đeo dây chuyền, các đồ trang sức và đồng hồ đắt tiền sẽ gây sự chú ý, đánh vào lòng tham của những đối tượng xấu, dễ dẫn đến bị chặn cướp hoặc có thể thiệt thân như một số vụ án cướp của, giết lái xe taxi đã từng xảy ra thời gian qua.

Anh Nghiêm cho rằng, nghề lái taxi thật khó để chọn khách, trong nhiều trường hợp không thể “trông mặt mà bắt hình dong” được.

Vì vậy, để tránh những rủi ro đáng tiếc do gặp phải do những vị khách kiểu “cướp của, giết người” kể trên, lái xe taxi rất cần được huấn luyện, đào tạo về cách phòng ngừa cướp taxi; đào tạo về các phương án xử lý tình huống giúp các lái xe tự cứu thoát bản thân trong những tình huống cấp bách có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy, không chỉ là nhu cầu của riêng công ty anh, mà anh tin rằng nhiều nhà quản lý các công ty dịch vụ taxi trong cả nước đều mong muốn được các cơ quan chức năng quan tâm, mở các lớp đào tạo, huấn luyện bổ ích này.

Tâm Phạm
.
.
.