Cần hoàn thiện chiến lược quản lý tài nguyên và môi trường

Thứ Sáu, 16/09/2016, 09:06
Cần hoàn thiện chiến lược quản lý tài nguyên và môi trường là vấn đề đặt ra tại Hội thảo “Quản lý tài nguyên và môi trường hướng tới phát triển bền vững”, do Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Tổ chức Hanns Seidel Foundation và Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức ngày 15-9, tại Hà Nội.


Hội thảo với sự tham gia của các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và Quảng Bình; các nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu, các trường đại học ở Hà Nội.

Quản lý còn bất cập

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đạt được tại COP 21 tháng 12-2015 có ý nghĩa lịch sử, trong việc đoàn kết các quốc gia trên thế giới để ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó phải chú trọng hơn đến các vấn đề tài nguyên môi trường, phát triển hài hòa với thiên nhiên, tuân theo quy luật của tự nhiên. 

Sau 30 năm tập trung ưu tiên vào tăng trưởng kinh tế để thoát nghèo, tài nguyên và môi trường Việt Nam bị xuống cấp nghiêm trọng. Ô nhiễm, suy thoái môi trường tiếp tục gia tăng, cả về số lượng, quy mô. Đòi hỏi ngành Tài nguyên và Môi trường phải tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, công tác nghiên cứu khoa học, kịp thời dự báo, nắm bắt những vấn đề mới; đánh giá những bất cập, tồn tại để đưa ra các giải pháp hoàn thiện phục vụ việc xây dựng chiến lược, chính sách quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Một số loại tài nguyên bị khai thác cạn kiệt. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Đánh giá về thực trạng công tác quản lý tài nguyên và môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: 

Về cơ bản từ chủ trương của Đảng, luật pháp của Nhà nước và các chính sách thực thi như chiến lược quy hoạch, kế hoạch thực hiện quản lý tài nguyên và môi trường đã khá đầy đủ, góp phần hạn chế suy giảm tài nguyên và môi trường. 

Nhưng thực tiễn so với mong muốn vẫn chưa đạt được với sự vận hành của nền kinh tế, mặc dù đã đạt được tăng trưởng kinh tế nhưng cái giá phải trả là tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững. Một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái và cạn kiệt.

Đặc biệt, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, có nơi nghiêm trọng. Cụ thể là sự cố ô nhiễm môi trường biển khu vực miền Trung từ tháng 4-2016 vừa qua; ô nhiễm không khí ở các đô thị; nạn chặt phá rừng trái phép tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương hiện nay. 

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp gây tác động mạnh và thiệt hại nặng nề đến nhiều địa phương trong cả nước, như đợt hạn hán ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long từ đầu năm 2016; đa dạng sinh học suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái diễn ra trên diện rộng… Nguyên nhân do chất lượng công tác dự báo và quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo tính tổng thể, liên ngành, liên vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động và lúng túng.

Đề xuất giải pháp

Nhằm làm rõ công tác quản lý tài nguyên và môi trường hướng tới phát triển bền vững đến năm 2020, tại hội thảo, các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng các nhà quản lý đã đi sâu phân tích và nêu ra những giải pháp khả thi, như hoàn thiện thể chế, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu; đánh giá tính dễ bị tổn thương và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái; định hướng xây dựng chính sách đất đai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo; một số đề xuất xây dựng chính sách quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; những vấn đề đặt ra và giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Đề cập đến một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng chính sách quản lý môi trường đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ông Dương Thanh An, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp luật - Tổng cục Môi trường nhấn mạnh: Để tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, cần cơ cấu lại, sử dụng hợp lý, hiệu quả, đúng mục đích có sự giám sát chặt chẽ việc phân bổ và sử dụng nguồn chi cho sự nghiệp môi trường.

Các đại biểu tham dự hội thảo nhận định Chiến lược, Chính sách quản lý tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cần tiếp tục được hoàn thiện, phù hợp với sự vận hành của thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu quản lý trong thực tiễn. 

Theo đó, phải xác định các cơ hội, thách thức, tầm nhìn và giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách trong các lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường để hướng tới phát triển bền vững đất nước trong những năm tới.

Văn Hào
.
.
.