Cần giải pháp phòng ngừa nguy cơ cháy nổ hoá chất tại cảng Hải Phòng

Thứ Bảy, 05/08/2017, 15:36
Một vấn đề bất cập rõ nhất hiện nay là tại các cảng, lực lượng chuyên trách về PCCC chưa được đào tạo, huấn luyện chuyên sâu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác PCCC.

Hải Phòng là thành phố có hệ thống cảng biển lớn so với cả nước, đang được đầu tư nâng cấp và mở rộng với qui mô lớn, nhằm đáp ứng cho sự phát triển kinh tế đất nước, trong khu vực cũng như thế giới. Mục tiêu của Hải Phòng là tiến tới trở thành cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ Quốc tế loại A1; phấn đấu đến năm 2020 lượng hàng qua nhóm cảng biển phía Bắc sẽ đạt từ 145 đến 176 triệu tấn/năm. Cùng với đó, cảng phải tiếp nhận, quản lý nhiều chủng loại hàng, kể cả loại hàng có nguy cơ cháy nổ rất cao, nhất là các loại hoá chất.

Trên thực tế đã xảy ra vụ cháy hoá chất rất lớn như ngày 27-11-2015, tàu Contship Ace quốc tịch Cộng hoà Cyprus trọng tải 7170 tấn hàng, có 20 container chứa 480 tấn phốt pho, đang bốc hàng tại cảng Nam Hải, số 173 đường Ngô Quyền thì 1 container chứa phốt pho bốc cháy. Lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố phải rất vất vả để dập đám cháy, hơn 50 CBCS trực tiếp chữa cháy bị nhiễm khói độc nhưng bảo vệ an toàn con tàu và số lượng hàng hoá trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Hiệu quả lớn nhất là ngăn chặn được vụ cháy nổ có thể gây nhiễm độc cho cả một vùng dân cư rộng lớn của thành phố.

Chữa cháy tàu chở phốt pho tại cảng Nam Hải Hải Phòng.

Qua vụ cháy, có thể thấy hệ thống văn bản qui phạm pháp luật trong công tác PCCC đối với tàu nước ngoài ra vào, cập cảng Việt Nam chưa được qui định cụ thể, rõ ràng nên lực lượng PCCC không thể kiểm tra những con tàu dạng này. 

Một thực tế là cho đến hiện nay chỉ một số tàu chuyên dụng chở hàng nguy hiểm nguy cơ cháy nổ cao trong nước được Cảnh sát PCCC cấp phép, còn lại các tàu khác, nhất là các tàu nước ngoài ra vào cảng vẫn gần như “ngoài tầm kiểm soát”. 

Trong khi theo qui định, những hoá chất nguy hiểm chỉ được chở trên các phương tiện tàu chuyên dụng và phải được cấp phép vận chuyển với điều kiện rất nghiêm ngặt. Như vậy lực lượng PCCC chỉ làm nhiệm vụ thường trực để xử lý các sự cố cháy khi đã xảy ra.

Một vấn đề bất cập rõ nhất hiện nay là tại các cảng lực lượng chuyên trách về PCCC chưa được đào tạo, huấn luyện chuyên sâu, lên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác PCCC. Đi với đó các phương tiện, trang bị phục vụ PCCC, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục các sự cố như cháy nổ hoá chất, tràn dầu trên biển còn rất thiếu và công nghệ lạc hậu. 

Trên toàn bộ tuyến cảng trên sông Cấm hiện chỉ có một tàu chữa cháy của CSPCCC thành phố được trang bị từ năm 1997, công suất nhỏ. Các khu vực xa cảng chính có nhiều tàu chở hàng lại chưa bố trí lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống cháy nổ xảy ra. 
Diễn tập chữa cháy trên sông Cấm.

Nhiều chủ các doanh nghiệp, sỹ quan, thuyền viên chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ hoá chất, ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh. Người lao động làm các công việc bốc xếp hàng hoá chưa có nghiệp vụ PCCC, cứu nạn cứu hộ, thiếu trang thiết bị, phương tiện cần thiết để xử lý khi có tai nạn cháy, nổ…

Hiện trên địa bàn thành phố có trên 40 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ cảng, trải dài dọc sông Cấm. Để ngăn chặn nguy cơ cháy nổ, nhất là cháy nổ hoá chất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng PCCC thành phố với các ngành Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải, trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng, Bộ tư lệnh CS biển I, Bộ tư lệnh Hải quân... và các doanh nghiệp. 

Các cơ quan và doanh nghiệp nói trên cũng cần phải phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an ninh, an toàn hàng hải, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực PCCC, tăng cường công tác kiểm tra để chủ động phát hiện, xử lý các sự cố…; thường xuyên phối hợp tổ chức diễn tập các phương án xử lý các tình huống cháy nổ hoá chất, tràn dầu trên biển qui mô lớn với nhiều lực lượng tham gia để học tập rút kinh nghiệm, kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Hơn nữa, TP Hải Phòng cần chủ động tăng cường đầu tư kinh phí, nhất là trang bị tàu chữa cháy trên biển, các phương tiện, khí tài đồng bộ để xử lý các sự cố cháy, nổ hoá chất, tràn dầu trên biển. Đi đôi với đào tạo huấn luyện nghiệp vụ và trang bị dụng cụ, phương tiện cho các lực lượng tiếp xúc trực tiếp với hoá chất, lực lượng tham gia chữa cháy, CNCH và ứng cứu các sự cố về cháy nổ hoá chất…

Văn Thịnh
.
.
.