Vụ chồng sát hại vợ con rồi tự tử ở Thanh Hóa:

Chuyên gia "mổ xẻ" hành động người đàn ông đầu độc vợ con rồi tự sát ở Thanh Hóa

Chủ Nhật, 08/11/2015, 12:07
Nhưng trường hợp như anh Ngô Lê Hà vì túng quẫn nợ nần mà sát hại vợ con rồi tự tử là việc hết sức dại dột. Họ đã không hiểu giá trị sống, kỹ năng sống rất thiếu, không đủ bản lĩnh để vượt qua khó khăn của cuộc đời.


Không chỉ tôi, có lẽ bất cứ ai khi theo dõi vụ việc anh Ngô Lê Hà, 45 tuổi, ở Thanh Hóa do túng quẫn nợ nần đã sát hại vợ con rồi tự tử đều cảm thấy bàng hoàng, xót xa. “Vụ việc không chỉ gây đau đớn cho gia đình nạn nhân mà còn gây ảnh hưởng đến cộng đồng, bởi nó khiến mọi người cảm thấy cuộc sống đang quá nhiều bế tắc, không được giải tỏa. 

Nhưng thực ra, đây là hiện tượng chỉ xảy ra đối với những người thiếu bản lĩnh, thiếu kỹ năng sống và quá ích kỷ cá nhân” - nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty tâm lý An Việt Sơn đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo CAND trong chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này.


Phóng viên: Thưa ông Nguyễn An Chất, đứng trên góc độ nhà nghiên cứu tâm lý, ông có thể phân tích về hành động của anh Ngô Lê Hà trong vụ việc này như thế nào? 

Ông Nguyễn An Chất: Theo logic học, tất cả mọi người, dù trong hoàn cảnh nào cũng không ai muốn chết (kể cả ốm đau, hoạn nạn, đối mặt với kẻ thù). Nhưng trường hợp như anh Ngô Lê Hà vì túng quẫn nợ nần mà sát hại vợ con rồi tự tử là việc hết sức dại dột. Họ đã không hiểu giá trị sống, kỹ năng sống rất thiếu, không đủ bản lĩnh để vượt qua khó khăn của cuộc đời.

Ở đây, người chồng bức tử vợ và 2 con rồi để lại những lời trăng trối, đó là hành động không phải chốc lát, mà là bị dồn nén, áp lực bởi nợ nần chồng chất. Người chồng, người cha ấy nợ nần rất lâu rồi và cũng bị đòi nhiều lần. Hành động sát hại vợ con rồi tử tự là để trốn tránh trách nhiệm đối với chính bản thân mình và đối với cộng đồng.

Việc bức tử vợ con của anh Hà có nhiều tình huống xảy ra: có thể anh Hà đã ép buộc, hoặc đánh lừa mọi người uống thuốc (hiện việc anh Hà sát hại vợ con như thế nào vẫn đang được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa điều tra - PV). Nhưng ở đây, tôi nghĩ rằng, có khả năng cả gia đình anh Hà cũng bị giày vò rất nhiều lần, chủ nợ đến đòi nợ nhiều lần, lặp đi lặp lại. Mọi thành viên trong gia đình cũng có thể đã bị các chủ nợ trấn áp, đe dọa đến tính mạng...

Phóng viên: Trước khi tự tử, anh Ngô Lê Hà có để lại thư tuyệt mệnh, xin lỗi mọi người trong gia đình vì đã tước đoạt mạng sống của vợ con vì để họ sống trên đời cũng nhục nhã, không sống được và nếu cả gia đình cùng chết “sẽ được quây quần dưới suối vàng”. Thưa ông Nguyễn An Chất, ông nghĩ thế nào về suy nghĩ và hành động này của anh Hà?

Ông Nguyễn An Chất: Tất cả chỉ là sự biện hộ, đó là sự ích kỷ của chính cá nhân anh Hà. Như tôi đã nói, tâm lý chung của tất cả mọi người đều không muốn chết, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chính vì thế, không thể vì sự thiếu bản lĩnh dẫn đến trốn tránh trách nhiệm của mình mà bắt tất cả vợ, con phải chết theo.

Cách đây mấy năm, tôi đã gặp một trường hợp người chồng vì túng quẫn nên tự sát và bắt cả vợ chết theo. Nhưng hậu quả, vợ ông ta chết, còn ông ta lại được cứu sống. Tôi đã đối thoại với ông ta, ông ta nói rằng, nếu tự tử một mình để vợ còn sống thì bà ý sẽ oán thán, vong hồn của ông ta không được siêu thoát. Hơn nữa, nếu bà ý còn sống một mình cũng khổ, xuống suối vàng hai vợ chồng có đôi. Tôi đã lập luận và cuối cùng ông ta phải công nhận những suy nghĩ và hành động của mình là sự ích kỷ cá nhân, bởi chỉ vì ông ta sợ chết không được siêu thoát và xuống dưới thế giới âm cô đơn, không có vợ ở cùng.

Phóng viên: Liệu chúng ta có đang phán xét anh Hà ở góc độ tâm lý “người ngoài cuộc” không, thưa ông? Có thể, chúng ta chưa rơi vào hoàn cảnh cùng cực, tận cùng của sự bế tắc?

Ông Nguyễn An Chất: Ở hoàn cảnh nào cũng thế thôi, kể cả ở tận cùng bĩ cực và bế tắc, nếu là người có bản lĩnh và kỹ năng sống thì đều có thể tìm cách vượt qua. Trong xã hội của chúng ta, thời gian gần đây, rất nhiều người, rất nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh vỡ nợ như anh Hà và gia đình. Nhưng chị thấy đấy, cũng có, nhưng rất ít trường hợp tìm đến cái chết cho mình và cả gia đình để trốn tránh trách nhiệm như anh Hà. Những trường hợp khác, họ tìm cách vượt qua hoàn cảnh, kể cả chấp nhận bắt tay xây dựng lại cuộc sống với những khó khăn chồng chất và cuộc sống sẽ rất khổ cực. Bởi họ có bản lĩnh và biết quý giá trị sống của chính mình và những người thân

Phóng viên: Trước đây, việc bắt vợ (con) chết theo mình thường chỉ xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, ở những con người có nhận thức xã hội hạn chế. Nhưng thời gian gần đây, việc làm này diễn ra ngay ở các đô thị, thành phố lớn và ở những con người có trình độ hiểu biết xã hội nhất định (vụ mẹ buộc con vào bụng tự sát ở Thanh Trì, vụ anh Ngô Lê Hà ở Thanh Hóa). Ông có thể cắt nghĩa việc này như thế nào?

Ông Nguyễn An Chất: Tôi nghĩ không có sự phân biệt vùng miền, vì ở đâu cũng có những con người thiếu bản lĩnh, thiếu kỹ năng sống. Chẳng hạn, vì sao vẫn có những nhà trí thức, nhà khoa học tự sát? Rõ ràng, họ có kiến thức, trình độ học vấn nhưng ở họ chắc chắn thiếu đi bản lĩnh, kiến thức cuộc sống và cả những kỹ năng sống.

Phóng viên: Để tránh được những trường hợp đau lòng như của gia đình anh Ngô Lê Hà, xin ông hãy cho độc giả, đặc biệt là những người đang và chẳng may sẽ rơi vào hoàn cảnh bế tắc như anh Hà một lời khuyên để họ biết quý giá trị sống của mình và người thân?

Ông Nguyễn An Chất: Tất cả những người tự tử, tự sát đều là những người dại dột, không nắm bắt được bí quyết cuộc đời.

Bí quyết cuộc đời nằm trong 8 chữ “Tự tin; suy nghĩ; ước mơ; dám làm”. Một nhà triết học đã nói: “Tự tin đã thành công 50%”. Khi đã tự tin, phải suy nghĩ xem mình đang có gì, sức lực, trí tuệ, tài chính, ai có khả năng giúp đỡ mình... Sau đó, mình đặt ước mơ. Có ước mơ, suy nghĩ biết trước mình sẽ gặp thuận lợi, rào cản gì (tính trước cách tháo gỡ) trên con đường thực hiện ước mơ đó, chúng ta tiến tới việc dám làm. Chú ý, dám làm khác phải làm, phải làm là tự biến mình thành nô lệ của việc thực hiện ước mơ, còn dám làm là chủ động để thực hiện ước mơ đó. Khi đã chuẩn bị hành trang đầy đủ như 8 chữ nêu trên, tôi chắc rằng, mọi người nhất định thành công. Chỉ có những ai cứ cắm cổ làm theo bản năng, không tính đến các rào cản sẽ thất bại, dẫn đến bế tắc ...

Đối với những trường hợp cụ thể đã và đang rơi vào bế tắc như anh Ngô Lê Hà, lời khuyên của tôi là bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo xem mình đang có những gì, ai có thể giúp đỡ mình ở khía cạnh nào. Từ đó tìm cách gỡ bế tắc dần dần. Đồng thời, mọi người cần sống thân tình, cảm thông và trách nhiệm với nhau. Khi không được cảm thông, chia sẻ, con người ta càng dễ rơi vào sự bế tắc và hay nghĩ đến cách giải quyết tiêu cực hơn.

T. Hòa - Xuân Bùi
.
.
.