Vụ chồng đầu độc vợ con rồi tự tử: Cùng quẫn hay tột cùng tội lỗi?

Thứ Năm, 05/11/2015, 09:26
Mấy ngày nay, dư luận xót xa, bàng hoàng khi hay tin 4 người trong một gia đình ở Thanh Hoá tử vong. Người cha, người chồng là anh Ngô Lê Hà, 45 tuổi đã đang tâm sát hại vợ con rồi tự tử, bởi anh nghĩ rằng, sau khi mình ra đi, không ai chăm nom, lo lắng cho vợ con mình và muốn rằng “kiếp này cả nhà sống bên nhau thì sang kiếp khác cũng vẫn mãi bên nhau”.

Trước đó, cũng từng xảy ra nhiều vụ cha, mẹ sát hại con rồi tự sát khiến dư luận không khỏi đau lòng, day dứt. Mâu thuẫn gia đình, bức bối của cuộc sống không thể giải tỏa, trong những phút cùng quẫn, những bà mẹ, ông bố có xu hướng "ép con phải chết" với lý do "thương con không có ai chăm sóc"?! Tình thương đã biến thành tội ác tột cùng bởi chính họ - những người làm cha, làm mẹ đã tước đi mạng sống của con mình…

Tôi từng gặp nhiều người mẹ sau khi sát hại con mình rồi tự tử nhưng bất thành. Có lẽ, hơn ai hết, những người này sau khi trở về từ cõi chết, họ hiểu, họ phải sống để trả nợ cuộc đời, để bù đắp những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Như trường hợp phạm nhân Cao Thị Bình ở huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Bình là cô gái trắng trẻo, khá xinh đẹp và hiền hậu. Thế nhưng, chỉ vì nông nổi, vì giận chồng, cô đã tước đi mạng sống của đứa con chưa đầy tuổi của mình.

Tôi gặp Bình 2 lần, một lần ở Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hoá, khi đó, Toà mới xử án xong. Với mức án 12 năm, quá nặng so với dự đoán của Bình nhưng cô chấp nhận hết, bảo rằng đó là số phận. Vì thế, Bình không kháng án.    

Được biết, Cao Thị Bình kết hôn với anh Lê Vạn Vụ, có 1 con trai nhưng cháu bị bệnh từ bé, nuôi nấng rất vất vả. Khi Bình sinh đứa con thứ 2, kinh tế khó khăn, anh Vụ phải ra Hà Nội làm ăn, Bình muốn chồng trở về nhưng anh Vụ không đồng ý. 

Bình buồn chán, cho rằng chồng có người khác, lại nghĩ đến đứa con đầu bị tật nguyền đang phải gửi ở nhà mẹ đẻ, sợ đứa thứ 2 cũng như thế nên trong lúc nghĩ quẩn, Bình đã dùng gối giết con mình rồi bỏ nhà lang thang tìm cái chết. Đúng lúc đang ở ranh giới của cái chết, khát vọng sống trong Bình dường như trỗi dậy, nghĩ đến đứa con tật nguyền đang cần mẹ, Bình quay về nhà. 

Lần nào gặp tôi Bình cũng khóc, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt trắng trẻo, xinh đẹp. Bình nói với tôi: “Em sẽ cố hết sức để vượt qua nỗi đau, bởi em còn một sợi dây, một sợi dây chắc chắn để giữ em lại, đã đưa em qua những đêm dài đầy tăm tối và giông tố. Đó là đứa con tật nguyền. Em cần phải sống, cần phải trả nợ cuộc đời. Đó là chăm sóc đứa con tật nguyền của em. Bởi đó là số phận của em chị ạ...".

Người phụ nữ tôi gặp ở Trại giam Ninh Khánh cũng có hoàn cảnh khá giống với Cao Thị Bình, đó là phạm nhân Trần Thị Xuyến ở huyện Hưng Hà, Thái Bình. Chồng cũng đi làm thuê trên Hà Nội, Xuyến ở nhà nuôi 2 con. Nghi chồng có người phụ nữ khác nên Xuyến không đồng ý cho đi làm nữa nhưng chồng Xuyến vẫn đi. 

Trong cơn uất ức vì sợ chồng lấy vợ mới con mình sẽ khổ, Xuyến đã đem 2 con là Nguyễn Minh Hiếu (SN 2000) và Nguyễn Minh Chiến (SN 2008) nhảy xuống sông tự tử. Hai đứa bé yếu ớt đã chìm vào dòng nước, còn Xuyến được mọi người cứu sống. 

Bị tuyên án 20 năm tù giam, Xuyến sống như cái  bóng. Ban đêm, khi các phạm nhân trong phòng ngủ thì Xuyến thức, cứ lần giở quần áo ra gấp rồi lại đi từ đầu phòng đến cuối phòng, rồi lẩm bẩm nói chuyện một mình. Có phạm nhân kể rằng, đang đêm, tự nhiên giật mình tỉnh dậy, hoảng hốt vì thấy Xuyến ngồi ôm quần áo như hình đứa trẻ rồi ru con, nước mắt chảy dài… Xuyến cũng nhận ra rằng, mình không chết là sự trả giá cho tội ác mình đã gây ra với hai đứa con đẻ của mình…

Hay như phạm nhân Nguyễn Thị Lý, trú ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, đang thi hành án ở Trại giam Quyết Tiến cũng tương tự như vậy. Giận chồng, Lý đã nhẫn tâm sát hại đứa con trai 8 tuổi của mình. Khi bị thi hành án, Lý sống khép kín, không quan hệ với ai, không nói bất cứ điều gì, cả ngày lầm lũi một mình, có lẽ tận cùng nỗi đau, tận cùng tội ác đã khiến Lý trở nên như vậy.


Hàng ngàn người dân xót thương đưa tiễn gia đình anh Ngô Lê Hà về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trở lại vụ anh Ngô Lê Hà sát hại vợ con rồi tự sát ở Thanh Hoá, theo thư tuyệt mệnh và lời trăng trối anh để lại trong những đoạn băng ghi âm, anh đều cho rằng mình muốn đưa vợ con đi để cả nhà được đoàn tụ, vì không ai chăm sóc…

Có lẽ, trong lúc cùng quẫn của nợ nần, người đàn ông này không hiểu được rằng, con người ta sinh ra là được pháp luật bảo vệ quyền sống, quyền tự do, không ai được phép xâm phạm, chỉ có chính người đó mới được lựa chọn cho cuộc sống, hay cái chết của mình.

Hai đứa trẻ đang ở tuổi đẹp nhất của cuộc đời, trong đó cậu con trai cả 23 tuổi, đã có người yêu định tiến tới hôn nhân, cậu con trai thứ 2 đang học lớp 7, tương lai các cháu còn đang rộng mở. Kể cả vợ anh Hà – chị Trần Thị Nhung hẳn cũng không muốn theo chồng về sống ở “cõi bên kia”. 

Thế nhưng, chỉ vì phút quẫn bách và suy nghĩ bệnh hoạn, anh Hà đã tước đi mạng sống của những người vô tội này. Khác với Cao Thị Bình, Nguyễn Thị Lý, anh Hà “may mắn” (hay bất hạnh hơn?) vì đã ra đi theo đúng nguyện vọng của mình. Dư luận tiếc thương những người quá cố, nhưng cũng khó tha thứ cho hành động của anh, bởi nếu anh không thể giải quyết được rắc rối của mình, cũng không được quyền tước đi sinh mạng của người khác.

Còn những người không “may mắn” được như anh Hà, họ phải sống, phải trả giá, ngoài bản án do Toà án phán quyết, họ phải hàng ngày, hàng  giờ giày vò bản thân bởi sự ám ảnh về tinh thần, phán quyết của lương tâm còn lớn hơn gấp vạn lần. Bởi vậy, khi nghĩ đến ánh mắt nhòe nước của Cao Thị Bình, hay khuôn mặt gầy guộc, lặng câm của Nguyễn Thị Lý đã nhắc tôi nhắn với những người cha, người mẹ đang có ý định tiêu cực, đang có ý định "đưa" con về cõi bên kia với mình hãy dừng lại, bởi đó chắc chắn không phải là sự giải thoát.

Phương Thuỷ
.
.
.