Chúng ta làm được gì ở tuổi 23?

Thứ Sáu, 02/09/2016, 10:50
Từ một buổi khánh thành một cây cầu dân sinh mới trong chuỗi dự án xây cầu cho vùng sâu vùng xa của một Qũy Thiện nguyện Học sinh - Sinh viên, sẽ có rất nhiều điều đáng để chúng ta suy ngẫm, về tuổi trẻ, khát vọng và trách nhiệm...



Một sáng cuối tuần cuối tháng 8-2016, cả ngàn người dân xã Thiện Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang tề tựu lại bên bờ kênh 28, dòng kênh ngăn đôi xã, với một bờ là ấp Mỹ Được và một bờ là ấp Mỹ Trinh. 

Họ vui, hồn nhiên đúng kiểu người miền Tây, niềm vui như một ngày đầu năm, Tết đến. Trẻ con nhiều vô kể, chúng hồ hởi ngó nghiêng đây đó, đặc biệt là hồ hởi mong đợi phút chính thức được băng ngang qua cây cầu mới, cầu Khang Linh. 

Giữa miền quê sông nước ấy, một cây cầu dây văng đẹp mắt đã thành hình ngay đó, như sự thành hình của những khát vọng đời sống sẽ được thay đổi nhiều theo hướng tích cực hơn.

Bao nhiêu năm nay rồi, bên Mỹ Được là trường cấp II của xã còn bên Mỹ Trinh là trường cấp I. Sáng sáng, trưa trưa, chiều chiều, lũ trẻ con phải đi đò qua con kênh rộng hơn 50m để tới trường. Không ai thu tiền đò trẻ con cả, đó là lệ của xã Thiện Trung bao đời nay rồi. Nhưng bây giờ thì ngay cả cái lệ ấy không còn nữa, khi cây cầu hiện đại, kiên cố sừng sững ngay bên bến đò xưa.

Con đò nằm nhàn, ghếch mái hướng về phía cây cầu mới tinh tươm kia. Lũ trẻ nô nức chạy qua chạy lại hai bên bờ. Chưa bao giờ chúng thấy gần nhau hơn thế. Chưa bao giờ trường học gần chúng hơn thế. “Vui lắm chú à. Xưa mà bạn bên kia bờ rủ qua nhà chơi cũng ngại không dám qua, vì lỡ tối đâu có gọi được đò. Giờ đi học cũng dễ hơn rồi, không phải đi đò nữa”, một cô bé bên Mỹ Trinh thổ lộ.

Cây cầu trị giá 2.7 tỷ đồng, được xây dựng trong vòng 3 tháng ấy hoá ra lại là một dự án kế tiếp nữa của chương trình “Kết nối nhịp cầu”, một chương trình được phát động đã 3 năm nay của Nam Phương Foundation, một qũy thiện nguyện quốc tế của học sinh, sinh viên đầu tiên ở Việt Nam được cấp phép bởi Bộ Nội vụ.

3 năm, thời gian không quá dài, nhưng 3 năm cũng đủ để làm thước đo cho sự nhẫn nại của một ai đó. Trong 3 năm ấy, một Nam Phương Foundation non trẻ đã xây được 12 cây cầu dân sinh, ở những miền quê xa, nơi trẻ em vẫn phải mạo hiểm tính mạng để qua sông, qua kinh, qua rạch để đến trường. 

Đó là cầu Nguyễn Văn Tiếp B; cầu Sình Chanh 1; cầu Sình Chanh 2; cầu Lợi Trinh… cũng ở Tiền Giang; cầu Tân Hậu ở Bến Tre; cầu Kênh Thủy Tân ở Long An…, những cây cầu trở thành hiện thực nhờ vào từng chắt lọc một của những người trẻ điều hành Nam Phương Foundation. 

Họ chắt lọc từng mối quan hệ, chắt lọc từng tin nhắn ủng hộ, chắt lọc từng lời kêu gọi của đông đảo những đại sứ thiện chí của Qũy để có thể hoàn tất từng bước đi thầm lặng của mình trong chương trình “Kiến tạo nhịp cầu”, một chương trình mà Nam Phương Foundation mong mỏi sẽ còn lớn mạnh nữa, vững vàng nữa.

Đêm trước ngày khánh thành cầu Khang Linh, nhóm bạn trẻ của Nam Phương Foundation đã có mặt ở Thiện Trung để chuẩn bị cho buổi thông cầu được diễn ra suôn sẻ, gọn gàng và tốt đẹp nhất. Họ không chọn cho mình một khách sạn hay nhà nghỉ nào đó ở Tiền Giang mà thay vào đó, họ ở chính trong nhà những người dân của xã.

“Không có chỗ ngủ thì ra mái hiên nằm võng chú ơi. Dưới này mát mẻ, người miền Tây qúy người lắm. Ở vui lắm, không có cực”, Đinh Bá Khang, 18 tuổi, một sáng lập viên của Nam Phương Foundation thổ lộ. 

Khang đang là sinh viên khoa Kinh tế của trường UCLA, Hoa Kỳ. Và 3 tháng Hè của Khang ở Việt Nam là 3 tháng gắn liền với Thiện Trung, với cây cầu mơ ước của bà con địa phương. Cũng chính Khang là người đã phát xuất ra ý tưởng “1+1>2” để từ đó, nó trở thành khẩu hiệu của Nam Phương Foundation. 

Với chàng trai trẻ ấy, 1+1 không còn mang ý nghĩa số học, khi mà lợi ích mang lại từ từng đồng mà mỗi người góp lại với nhau sẽ tạo ra rất nhiều giá trị khác, hữu hình và vô hình, bởi nó có khả năng thay đổi tích cực điều kiện sống của một vùng đất, một cộng đồng.

Nhưng nhắc đến Nam Phương Foundation mà không nhắc tới Đinh Thị Nam Phương thì sẽ rất thiếu sót. Phương, sắp tròn 23 tuổi, tốt nghiệp ngành Triết học, Chính trị và Kinh tế đại học Oxford, Anh quốc, mới chính là người khởi xướng Nam Phương Foundation và chương trình kiến tạo nhịp cầu.

Hơn 3 năm trước, cùng với em trai mình là Đinh Bá Khang, cô đã nảy sinh một ý tưởng sau một cuộc trò chuyện trong bữa ăn tối. “Mỗi giờ, ước tính có 1 trẻ em trên thế giới chết vì tai nạn đuối nước. UNICEF đánh giá rằng hoàn toàn có thể biến con số đáng buồn kể trên trở thành số 0. Mà Việt Nam mình thì địa hình sông nước rất nhiều, tại sao mình không làm gì đó để cải thiện tình hình ấy?”. 

Đó chính là câu hỏi đầu tiên của Nam Phương. Và câu hỏi đầu tiên đó đã dẫn tới việc hình thành Nam Phương Foundation, với tầm nhìn sau 10 năm, Qũy sẽ không còn hoạt động giới hạn trong biên giới một quốc gia nữa và cũng sau 10 năm, sẽ không còn có trẻ em nào phải mạo hiểm sinh mệnh mình vì khát vọng tới trường nữa.

Cô gái trẻ cũng mong mỏi Qũy sẽ là nơi để chính những người trẻ thể hiện thái độ dám đảm nhận trách nhiệm xã hội, dám hành động. Và đúng như mơ ước của cô, Nam Phương Foundation đã thành nơi tề tựu của những người trẻ, với những hạt nhân ban đầu là bạn bè Nam Phương và Bá Khang, những người là đại diện cho một thế hệ không khoa trương, có hoài bão, có tri thức và có phương châm hành động khoa học và hiện đại.

Nhìn cây cầu sừng sững ngay đó, chắc không ít người trong chúng ta sẽ đặt cho mình câu hỏi: “Mình làm được gì ở tuổi 23?”. Có thể sẽ có những người mỉm cười tự hào, vì họ thấy lại được tuổi trẻ cống hiến, khát vọng của mình ở đó. Nhưng cũng sẽ có người cảm thấy nuối tiếc, tại sao mình để thời gian trôi qua nhanh và phí hoài đến thế.

Mà Nam Phương vẫn chưa tròn tuổi 23. Cô chỉ tròn tuổi ấy vào cuối năm nay, ở thời điểm có lẽ sẽ có một dự án nữa của “Kiến tạo nhịp cầu” lại bắt đầu được hoạch định, và chắc chắn sẽ thành hình…

Đan Nguyên
.
.
.