“Biển” nước vẫn bủa vây Chương Mỹ, lúa và hoa màu mất trắng

Thứ Năm, 02/08/2018, 18:55
Từ ngày 21-7, nước lũ bắt đầu tràn về và đã 13 ngày trôi qua, nhưng người dân nhiều xã của huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội)  vẫn bị cô lập, hàng nghìn ngôi nhà vẫn đang ngập nước đến tận nóc và phương tiện đi lại chủ yếu của người dân vẫn chỉ là thuyền và cano. Cho đến thời điểm này, hơn 6.000 người dân các xã bị ngập của Chương Mỹ vẫn chưa thể trở về nhà.

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, hôm nay (2-8), mực nước trên sông Bùi đang tiếp tục rút chậm. 

Tuy nhiên, tình trạng ngập úng vẫn diễn ra nghiêm trọng tại huyện Chương Mỹ. Toàn huyện còn 2.839 hộ bị ngập từ 0,5 - 2,0m. Trong đó, có 6.097 người dân vẫn đang phải sơ tán, chưa thể trở về nhà ổn định lại đời sống. 

Huyện Chương Mỹ cũng là địa phương tổn thất nặng nề nhất về hạ tầng, kinh tế khi có tới 170m2 nhà ở và 1.774m tường bao; sạt lở 1.885m đường giao thông nông thôn, 8.320m đường giao thông nội đồng, 12.110m đường đê hồ đập và 11.860m chiều dài kênh mương và 35 35 cầu cống đập, 25 công trình đền chùa bị hư hỏng… Hiện nay, 4 hồ chứa thủy lợi lớn trên địa bàn TP gồm: Kèo Cà, Quan Sơn, Văn Sơn, Miễu, mực nước vẫn cao hơn so với ngưỡng dung tích thiết kế.
Nước rút chậm, hàng nghìn ngôi nhà vẫn đang chìm sâu.

Ở xã Nam Phương Tiến, nơi ngập sâu nhất của huyện Chương Mỹ. Hầu hết các khu dân cư đều ngập trong nước sâu từ 2-7m. Những ngôi nhà một tầng nước mấp mé nóc nhà. Nhiều vườn cây ăn quả chìm ngỉm dưới nước. 

Theo ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, lũ đã tràn qua các khu vực Tân Mai, Bùi Xá của Thị trấn Xuân Mai; Xuân Linh, Bùi Xá của xã Thủy Xuân Tiên. Nước dâng cao đã làm tràn nhiều đoạn của đê Hữu Bùi, làm ngập đê Bùi 2, gây ngập úng cho hầu hết diện tích canh tác ở vùng Hữu Bùi và các khu vực trũng thấp vùng Tả Bùi – Hữu Đáy. 

Nước đã tràn vào 2.839 hộ của 10 xã, thị trấn, trong đó các thôn, xóm, khu dân cư bị ngập sâu là Bùi Xá – Thị trấn Xuân Mai; Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài, Hạnh Côn – xã Nam Phương Tiến…Các thôn Yên Trình, Thuận Lương – xã Hoàng Văn Thụ bị cô lập. Trong đó xã Nam Phương Tiến bị nặng nhất có 2.310 hộ bị ngập, 831 hộ bị cô lập.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Tám (thôn Nam Hài) trao đổi với phóng viên trên đường về nhà.

 Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Tám (thôn Nam Hài) cho biết, chỉ trong vòng 10 ngày qua, gia đình chị đã hai lần phải chạy lũ. Nhà chị có nghề phụ làm mây tre đan nhưng nước dâng quá nhanh, một nửa số hàng hoá đang chuẩn bị đến ngày giao hàng đã bị ngập. “Khổ thân nhất là con gái tôi mới 10 tháng tuổi cũng đã hai lần phải chạy lũ”, chị Tám cho biết. 

Lần đầu tiên là đợt ngập tháng 10/2017. Khi đó, chị Tám vừa sinh em bé trở về nhà thì ngày hôm sau nước lũ tràn về. Trong lúc chồng và các con lớn lo di tản đồ đạc thì hai mẹ con chị do sức khỏe còn yếu chỉ biết nằm một chỗ trên tầng hai của ngôi nhà. 

Và đến năm 2018, tức chỉ 10 tháng sau trận ngập trước, hai mẹ con chị Tám tiếp tục “đón nhận” thêm một trận ngập thứ hai với cường độ và mức nước nặng hơn năm ngoái. 

“Sống trong điều kiện ngập sâu nhiều ngày, môi trường khu vực mùi hôi thối rất ngột ngạt, đêm nhiều khi không thể ngủ được. Người lớn khó khăn 1 nhưng với trẻ em còn khó khăn hơn nhiều khi sinh hoạt thiếu nước sạch, không điện, muỗi và côn trùng phát triển mạnh. Chúng tôi buộc phải đưa con đi gửi nhà người thân tại các xã xung quanh”, chị Tám chia sẻ.

 Bà Nguyễn Thị Luyện (thôn Bùi xá, thị trấn Xuân Mai) cũng cho biết,  nước về nhanh, ngập sâu vào nhà kéo theo rác thải sinh hoạt ô nhiễm môi trường khiến người dân bị bệnh về da liễu, mẩn ngứa rất nhiều. Nhiều gia đình trong thôn không kịp thu lúa chạy lũ nên bị thiệt hại nặng, có nhà ước tính đến 1 tấn lúa mất trắng do mưa lũ. 

Những ngôi mộ ở vị trí cao cũng không tránh được nước lũ.

Ban Thường vụ huyện Chương Mỹ đã có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các biện pháp, phương án phòng, chống mưa lũ, ngập úng hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. 

UBND huyện, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, cùng các đơn vị liên qua tiếp tục theo dõi tình hình mưa, lũ, ngập úng trên địa bàn huyện; thường xuyên kiểm tra các tuyến đê, hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn, kịp thời nắm bắt và có biện pháp khắc phục ngay các điểm đê xung yếu có nguy cơ tràn, vỡ, lở. 

Huyện ủy Chương Mỹ yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động triển khai các phương án sơ tán các hộ dân rà khỏi vùng ngập úng khi có chủ trương. Phương án sơ tán dân phải cụ thể, rõ ràng và phải đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho nhân dân khi sơ tán đến địa điểm mới, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Mỗi hộ gia đình được cấp 2 bình nước tinh khiết dùng để uống và nấu nướng.

Liên quan đến thông tin 3 trường hợp bị tử vong trong đợt mưa lũ, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, các trường hợp tử vong gồm 2 trẻ em trong 1 gia đình và 1 người cao tuổi là do bất cẩn, dẫn đến đuối nước. Chính quyền các cấp đã báo cáo và gia đình cũng xác nhận sự việc. 

Ông Hùng nhận định: “Thông tin 3 người thiệt mạng do bị lũ cuốn trôi là thiếu chính xác, thiếu khách quan, gây hoang mang cho dư luận. Rất mong, báo chí phản ánh một cách trung thực, khách quan”. 

Cho đến thời điểm này, theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, tại các vùng ngập úng của huyện không có hộ dân nào bị đói, thiếu nước uống... Huyện đang tập trung làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, công tác vệ sinh môi trường; phòng chống dịch bệnh, nhất là nỗ lực, tạo điều kiện để các cháu học sinh tựu trường và khai giảng năm học mới.


NY-PS-BC
.
.
.