Bất cập trong vận hành xả lũ hồ thủy điện
- Các hồ chứa tại Quảng Nam đồng loạt giảm lưu lượng xả lũ
- “Xả lũ 5h chiều mới báo, chỉ mời bà con leo lên chỗ cao chứ biết đi đâu”
- Thủy điện nhận lỗi xả lũ không thông báo: Được vạ thì má sưng... húp!1
- Thủy điện Đa Nhim xả lũ, 2.500ha hoa màu bị ảnh hưởng1
Theo thống kê, quy hoạch thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam có 42 dự án đã được phê duyệt, với tổng công suất hơn 1.600MW, bao gồm 10 dự án thủy điện bậc thang do Bộ Công Thương phê duyệt (7 công trình đã phát điện, 3 công trình đang xây dựng) và 32 dự án thủy điện nhỏ và vừa do UBND tỉnh phê duyệt (10 công trình đã phát điện, 6 công trình đang thực hiện đầu tư xây dựng, 16 dự án chưa triển khai, đang rà soát).
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 18 hồ chứa thủy điện đã có quy trình vận hành được phê duyệt, trong đó Bộ Công Thương phê duyệt 14 hồ chứa, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt 4 hồ chứa.
Trên thực tế, lưu vực hạ du sông Vu Gia và Thu Bồn bị tác động xả lũ của nhiều thủy điện ở thượng lưu.
Việc vận hành xả lũ của các thủy điện tại Quảng Nam đang tồn tại nhiều bất cập. |
Cụ thể, hạ lưu sông Vu Gia bị tác động bởi các thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Đắk Mi 4, Sông Kôn 2. Hạ lưu sông Thu Bồn bị tác động bởi các công trình thủy điện Sông Tranh 2 và xả nước phát điện của thủy điện Đắk Mi 4. Do đó, việc quy định mỗi hồ chứa thủy điện xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho hạ du là chưa phù hợp với điều kiện thực tế.
Vì vậy, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra, tính toán xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du sông Vu Gia và Thu Bồn trên cơ sở tính toán điều tiết xả lũ hợp lý của các thủy điện trên một lưu vực sông.
Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ thủy điện tăng cường cắm mốc cảnh báo lũ ở vùng hạ du, phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập phòng chống ngập lũ.
Theo Quy trình 1537 (Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 7-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ), trong thực tế mùa lũ, việc vận hành điều tiết lũ cho vùng hạ du đối với các hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 đều dựa vào lưu lượng lũ về hồ chứa, mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa (đối với hồ A Vương, Sông Bung 4 và Đắk Mi 4) và Trạm thủy văn Câu Lâu (đối với hồ Sông Tranh 2) nên thực chất các hồ chứa độc lập vận hành giảm lũ cho vùng hạ du.
Theo quy định tại Khoản a, Điều 7 và Khoản a, Điều 8 Quy trình 1537, khi có bản tin dự báo, cảnh báo hình thái thời tiết nguy hiểm gây mưa, lũ mà trong 24h đến 48h, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia thì Trưởng Ban PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam quyết định vận hành để đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ (mực nước tại hạ du nhỏ hơn báo động 2).
Tuy nhiên, khi thực hiện đúng lệnh này thì dung tích phòng lũ cho hạ du sẽ đạt mức tối đa, nhưng sau đó, nếu tình hình thời tiết không mưa, hoặc mưa nhỏ thì các hồ chứa thủy điện sẽ tích thiếu nước để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Còn nếu ra lệnh vận hành để đưa mực nước hồ về cao trình cao hơn mực nước đón lũ thì trái với Quy trình 1537.
Do đó, nhằm giúp địa phương chủ động trong công tác vận hành giảm lũ cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cũng đã đề nghị Bộ TN&MT tính toán các kịch bản vận hành có sự phối hợp tham gia điều tiết lũ của các hồ chứa thủy điện trên lưu vực tương ứng với mức báo động lũ tại trạm thủy văn Ái Nghĩa và Câu Lâu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung nội dung Quy trình 1537 trong mùa lũ.
Ngoài ra, đề nghị Bộ TN&MT chỉ đạo cơ quan khí tượng thủy văn phối hợp với các đơn vị quản lý hồ thủy điện bố trí thêm các điểm quan trắc khí tượng thủy văn trên lưu vực để phản ánh chính xác hơn các đặc trưng thủy văn lưu vực; nâng cấp thiết bị công nghệ dự báo nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo mưa lũ, hỗ trợ cho việc ra quyết định vận hành hồ.