Bất an ở chợ tự phát quanh các khu công nghiệp
Đúng 7h sáng 14-9, chúng tôi có mặt tại chợ tự phát dọc hai bên lề đường, đoạn giáp ranh thị xã Dĩ An (Bình Dương) với quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Tại khu vực này, người dân (chủ yếu công nhân) qua lại mua bán hàng hóa, dựng xe trên đường nên gây mấy trật tự an toàn giao thông. Rác do tiểu thương vứt bừa bãi ra đường.
Tôi dừng ở một quầy thị heo của người phụ nữ tên Thanh. Thấy tôi, Thanh đon đả nói: “Thịt heo vừa mới mổ đưa ở lò ra, giá mềm, anh xem hàng. Đùi 90.000 đồng/kg, sườn 110.000 đồng/kg, ba rọi 60.000 đồng/kg”.
Cùng lúc này, có một phụ nữ để con nhỏ trên xe dưới lòng đường cũng vào mua thịt heo. Chị này nói mình là khách quen của Thanh và hiểu rõ thịt heo ở đây chưa được kiểm dịch. Do giá ở đây rẻ hơn trong siêu thị từ 10.000 đến 20.000đồng nên cũng tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình trong tháng.
Tôi thắc mắc về chất lượng của thịt heo, vì chưa nhìn thấy miếng thịt nào có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng. Mặt khác, thịt heo lạnh ngắt, trắng nhợt có dấu hiệu của ngâm đá qua đêm. Thanh liền trấn an, “người ta rửa kỹ miếng thịt nên mất dấu, tôi bao hàng”. Khi đó, chồng tiểu thương này hất hàm, chửi tục to tiếng với tôi, khiến người phụ nữ đang mua hàng phải hoảng sợ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều chợ tự phát ở thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An, thị xã Bến Cát… tiểu thương bán tràn lan các loại thực phẩm, đặc biệt heo, bò, gà, vịt sống (không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch) cho khách hàng, chủ yếu là công nhân, người lao động thu nhập thấp. Phần lớn các chợ tự phát nằm ngay trên lề đường gây mất vệ sinh và trật tự an toàn giao thông.
Hoạt động mua bán và giết mổ gà, vịt sống khá sôi nổi. Nhiều địa điểm mổ gà ngay miệng cống thoát nước để tiện đổ nước thải. Kế miệng cống là lông gà kèm phân gà, lòng, phổi được chất thành đống, mặc cho ruồi nhặng bu đầy nhưng người bán vẫn chưa vội dọn. Những rổ gà “sạch” vừa giết mổ xong cũng được người bán đặt ngay trên nắp cống để chờ giao hàng.
Chị Bùi Thị Thu Thảo (29 tuổi, ngụ TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), bức xúc: “Tôi làm công nhân cho công ty may. Hằng ngày, tôi phải đi chợ sớm để mua thực phẩm về nấu ăn cho gia đình. Chợ tự phát là thuận tiện hơn. Có lần, tôi mua phải thịt heo bẩn nên hai vợ chồng ngộ độc thực phẩm đau bụng. Đáng buồn, tôi ra hỏi thì tiểu thương hùng hổ nói rằng, họ bán cho hàng trăm khách hàng thì có nhớ ai mua đâu. Ngược lại, tôi còn bị chửi bới, xúc phạm. Họ nói rằng mình hạ uy tín làm ăn, buôn bán của họ”.
Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, nhìn nhận: Kinh tế phát triển, nhiều khu, cụm công nghiệp được hình thành dẫn đến dân nhập cư ngày càng đông, đòi hỏi nhu cầu lớn về thực phẩm. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 trang trại chăn nuôi, nhưng chỉ có 47 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.
Tiểu thương bày bán tràn lan thực phẩm ở chợ tự phát. |
Mặt khác, giá heo trong nước giảm mạnh tác động lớn đến người chăn nuôi, nên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có xu hướng tự giết mổ và bày bán thịt heo chưa qua kiểm dịch thú y tại các chợ tự phát quanh khu, cụm công nghiệp; các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trái phép xuất hiện ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, Bình Dương có nhiều điểm là vị trí giao thoa của nhiều tuyến đường kết nối với các khu đô thị lớn tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng kinh doanh vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc từ các tỉnh lân cận về Bình Dương tiêu thụ hoặc trung chuyển về TP Hồ Chí Minh mua bán.
Tình trạng sử dụng chất cấm ngoài danh mục cho phép trong chăn nuôi, sản xuất, bảo quản thực phẩm còn tiếp diễn, tạo tác hại không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng. Hầu hết các đối tượng vi phạm là tiểu thương, số lượng hàng hóa kinh doanh không lớn, mua bán trôi nổi, không hóa đơn chứng từ nên không thể truy xuất được nguồn gốc.
Điển hình, Công an tỉnh Bình Dương bắt quả tang 2 cơ sở giết mổ trái phép tại phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An. Tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thiện, đoàn kiểm tra phát hiện 5 con heo đã được giết mổ và 11 con heo đang được trữ trong chuồng chờ giết mổ. Heo có nguồn gốc từ tỉnh Bình Phước và không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật.
Tại hộ gia đình ông Phạm Văn Hưng, đoàn kiểm tra phát hiện 3 con heo đã được giết mổ và 14 con heo đang được trữ trong chuồng chờ giết mổ, tất cả đều không rõ nguồn gốc.
Đại tá Trần Văn Chính, cho biết thêm: Các vi phạm pháp luật trên lĩnh vực an toàn thực phẩm liên quan đến các đối tượng cung cấp suất ăn công nghiệp hoặc tổ chức các bếp ăn trực tiếp tại các nhà máy sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp cũng diễn biến phức tạp. Các đối tượng này vì lợi nhuận bản thân mà cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng thực phẩm giá thành rẻ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Thời gian qua, Công an tỉnh đã phát hiện hơn 100 vụ vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn…