Báo động rắn độc tấn công, nhiều người phải nhập viện
- Kịp thời cứu sống nữ bệnh nhân bị rắn độc cắn
- Nhiều trẻ nhập viện do rắn độc cắn
- Sau những ngày mưa, cần đề phòng rắn độc cắn
- Khi bị rắn độc cắn…
Ngày nào cũng có người nhập viện do rắn độc cắn
1 tuần nay, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai gần như ngày nào cũng có bệnh nhân bị rắn độc cắn phải vào nhập viện.
Nằm trên giường bệnh, anh Lê Văn Niên (47 tuổi, ở Bắc Giang) vẫn chưa hết kinh hoàng nhớ lại cảnh bị bị rắn cắn khi đang đi làm đồng. Theo lời kể của anh, khoảng 17h ngày 14-5, anh đang đi làm ngoài ruộng thì bất bị một con rắn lao đến cắn vào ngón trỏ bàn tay phải. Anh chỉ kịp nhìn thấy con rắn to bằng ngón chân cái, màu đen, sau đó nó trườn đi mất.
Về nhà, vết thương trên tay càng lúc càng bị buốt nhiều, sưng đau, tấy đỏ, nghi bị trúng độc rắn, anh được người nhà đưa với bệnh viện. 10 tiếng sau khi bị rắn cắn, anh được chuyển đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân Niên bị rắn độc cắn vào ngón trỏ bàn tay phải |
Nằm cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, anh Lê Việt H. (32 tuổi, Phú Thọ) bị rắn lục cắn và nhập viện tối 14-5. Theo người nhà của bệnh nhân H. thì khoảng 16h ngày 14-5, khi đi ra ngoài vườn, anh bị một con rắn màu xanh to bằng đầu ngón tay trỏ cắn vào mặt trong bàn chân trái. Sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân có garo vết thương nhưng vẫn đau nhiều nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) rồi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Nguy hiểm hơn là trường hợp của anh Nguyễn Văn Đ. (41 tuổi, ở Khoái Châu, Hưng Yên). Cách đây vài ngày, khi dọn đống gạch cũ, bất ngờ con rắn hổ mang lao tấn công vào ngón bàn tay phải của anh. Anh Đ. được người nhà nặn máu vết cắn, có garo và đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên cấp cứu. Tại vị trí bị cắn sưng đau nhiều, tấy đỏ. Tại bệnh viện tỉnh, anh được bác sĩ truyền dịch, SAT và được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Người dân hết sức cảnh giác
Vì sao trong tuần qua lại có nhiều người bị rắn độc ngoài tự nhiên cắn? Theo TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, mùa hè là mùa rắn sinh sôi, phát triển nên trong vòng một tuần trở lại đây, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện. Hiện tại, Trung tâm đang điều trị cho 8 ca bị rắn độc cắn.
BS Nguyên cho rằng, ở Việt Nam rắn độc cắn là một trong những tai nạn thương tích phổ biến. Tại Trung tâm Chống độc, rắn cắn là một trong những ngộ độc hàng đầu, đặc biệt xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11 - là mùa sinh sôi, phát triển của rắn độc. Do vậy, người dân phải hết sức cảnh giác để không bị rắn độc cắn.
Rắn độc tấn công người không chỉ ở vùng núi, hoặc nơi có cây cối rậm rạp mà còn ở ngoài tự nhiên nơi gần có người sinh sống. Chúng tôi từng theo chân các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn đi vào khu vực đường mòn biên giới, đây là khu vực có nhiều người qua lại và cũng là nơi rắn lục sinh sôi nhiều, sẵn sàng từ trên cây lao xuống tấn công người. Nếu bị rắn lục cắn ở khu vực này, việc vận chuyển được người bệnh tới cơ sở y tế cấp cứu sẽ mất nhiều thời gian, việc cứu chữa vì vậy cũng khó khăn hơn nhiều.
BS Nguyên khuyến cáo, hiện Việt Nam có rất nhiều loại rắn độc và mỗi loại lại có cơ chế gây độc khác nhau, nên tùy theo loại rắn độc mà chúng ta có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị khác nhau.
BS. Nguyên nhấn mạnh, sai lầm lớn nhất của những bệnh nhân khi bị rắn cắn là cứ loay hoay ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) thì mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.
Vết thương do rắn độc cắn vào chân |
“Sau khi bị rắn độc cắn cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện điều trị thực sự (ví dụ cấp cứu hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu) để được xử lý kịp thời”, BS Nguyên nói. Khi bị rắn cắn phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, không được chậm trễ làm mất đi “thời gian vàng” cứu chữa cho người bệnh.
Để không bị rắn độc cắn, theo lời khuyên của bác sĩ, người dân không nên bước đi hoặc cho tay vào những nơi mà ta chưa quan sát được; không nên ngồi cạnh gốc cây, gò đống, bờ ruộng nơi có nhiều hang chuột, hang mối; không nên lật tảng đá, đống gạch, đống củi hay thân cây bằng tay trần. Đối với những người hay bắt cua, ếch trong hang, không nên dùng tay, mà phải dùng que, móc, gậy để bắt. Không dùng tay bẻ cành, lấy củi trong đêm và không nên ngủ dưới đất (kể cả trên nền nhà), hoặc lều, lán sát mặt đất vì rắn hay lui tới những chỗ ấm.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai |
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên chỉ ra các bước sơ cứu nên làm khi bị rắng cắn: (1) Động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng; (2) Không để bệnh nhân tự đi lại; (3) Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn); (4) Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường; (5) Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động; (6) Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..). |