Rùng mình với những đòn thù từ axit

Thứ Sáu, 23/10/2015, 09:37
Có những số phận nghiệt ngã, có những nỗi đau không nói được thành lời. Nhưng, có một nỗi đau mà người đời có thể nhìn rõ hình hài, cảm nhận từng chi tiết đớn đau của da thịt, thấu tới tận tâm can. Đó là những vết thương có nguồn gốc mang tên: axít. Có lẽ, không sự trừng phạt nào đáng sợ hơn là sự trả thù bằng thứ hóa chất có sức hủy hoại ghê gớm.

Đã có rất nhiều vụ án tình ái, nhiều mâu thuẫn mà đối tượng phạm tội chọn axít để giải quyết. Hận thù không hóa giải được, tội ác thì nhân lên. Mới đây, vụ hai nữ sinh ở TP Hồ Chí Minh bị đối tượng tạt axít vào mặt ngày 15/10 lại thêm lần nữa gây rúng động dư luận. Làm sao để ngăn chặn tội ác đáng sợ này?

Ghi từ phòng cấp cứu

Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) vào một ngày giữa tháng 10/2015. Không còn cái không khí oi nồng, ngột ngạt cách đây đúng 1 tháng khi cậu sinh viên Lê Thanh T., 19 tuổi ở thành phố Lào Cai nhập viện. Thời tiết mát mẻ hơn, và vết thương trên da thịt của T. cũng dịu hẳn đi. Vết sẹo chưa lành trên cổ cứ kéo T. cúi gằm xuống. T. ngại ngùng khi tiếp xúc với phóng viên báo chí, dường như cảm giác đau đớn, hoảng loạn của cái ngày tai nạn ập đến ấy vẫn còn nguyên vẹn. Có mặt tại phòng bệnh cùng T lúc này là người bạn cùng quê chăm sóc và động viên. Suốt 1 tháng qua, bố mẹ, người thân đã luôn ở bên em, giờ khi sức khỏe, tình trạng vết thương của T. đã tạm ổn định, họ phải trở về quê để tiếp tục công việc.

Bác sỹ Nguyễn Thống, Trưởng Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, T nhập viện lúc 23h50 ngày 16/9 trong tình trạng bỏng vùng mặt, cổ, tay, độ I-II-III. Các bác sỹ đã phải thực hiện các liệu trình chống sốc, chống nhiễm trùng, nhiễm độc. Bước tiếp theo đó là dùng thuốc tái tạo da… Trong quá trình chữa bệnh, bác sỹ vừa điều trị bằng thuốc, lại vừa tác động tâm lý để T cũng như các bệnh nhân bị nạn dạng này không có suy nghĩ tiêu cực, phối hợp tốt với bác sỹ điều trị.

Suốt 1 tháng qua, T đã sống trong sự đấu tranh tư tưởng, không tránh khỏi tâm lý tiêu cực của một thanh niên mới lớn có khuôn mặt điển trai với dáng người cao to. Từ Lào Cai, T. về Hà Nội thi đỗ và nhập học năm thứ nhất Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Ước mơ trở thành diễn viên đã nung nấu bao năm trong T.

Vào trường đại học cũng là lúc cậu quen biết một cô gái. Và chính sự kết bạn ấy là nguồn cơn dẫn đến chuyện ghen tuông. Kẻ dùng axít phạm tội với T. đã bị bắt và sẽ phải chịu hình phạt trước pháp luật. Nhưng, hậu quả anh ta để lại cho T. là vô cùng nặng nề. Những vết thương trên da thịt T vẫn tím ngắt, rúm ró dù T. đã có suy nghĩ rất tích cực: “Như vậy vẫn còn may, không ảnh hưởng lắm đến khuôn mặt, nhất là đôi mắt”.

Bệnh nhân T đang điều trị tại Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Cậu cũng sẽ phải vượt qua những cuộc phẫu thuật tiếp theo nếu muốn thẩm mỹ. Gia đình cũng thuộc diện lao động nghèo, trong khi chi phí phẫu thuật lớn. Vết thương trên cơ thể vẫn luôn nhức nhối. Chặng đường theo đuổi ước mơ của T còn rất nhiều gian nan. Cậu phải bảo lưu kết quả học tập một năm. Tương lai chậm lại với chàng thanh niên ấy.

Nhớ từng bệnh nhân vào viện trong tình huống đặc biệt, bác sỹ Nguyễn Thống nhắc đến một bệnh nhân mà ông và các đồng nghiệp đã tích cực điều trị suốt hơn 2 tháng qua. Đó là một “chàng trai” mang hình hài cô gái – Nguyễn Thị M. ở xã V.L, huyện Đông Anh, Hà Nội. Cũng là án tình – đầy đau đớn, xót xa.

Oan nghiệt mâu thuẫn tình ái

Nguyễn Thị M. năm nay mới 21 tuổi. Ngày 2-7, M nhập viện trong tình trạng bỏng axít nặng, vết thương sâu suốt nửa mặt, tai, cổ, vai, lưng. Cái nạn của M. đến từ nguyên nhân của một mối tình ngang trái với người phụ nữ hơn mình 2 tuổi.

Tháng 6/2015, M. đến làm thuê tại cửa hàng cơm của Đinh Quốc Hoàng ở xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Khi biết vợ mình và M. phát sinh quan hệ tình cảm, Hoàng đã nhiều lần ngăn cản, thậm chí đuổi việc M. nhưng không kết quả. Vì vậy, Hoàng nảy sinh ý định đánh dằn mặt M. bằng axít. Hoàng thuê Nguyễn Văn Nam trọ tại nhà Hoàng cùng Nguyễn Đức Anh là bạn của Nam thực hiện ý đồ xấu xa này.

Buổi chiều 2/7, Nam và Đức Anh đi mua axít rồi chờ thời cơ, đến 23h30 thấy chị M. điều khiển xe máy qua bờ đê ở gần nhà, hai đối tượng cầm ca axít tạt vào người M. M. bị bỏng nặng, nhưng hai đối tượng kia cũng bị axít tạt vào người gây bỏng. M. bỏ xe chạy bộ về nhà cách đó chừng 50m, đập cổng gọi mẹ. Lúc đầu, nước chảy đến đâu, bỏng rát đến đấy. M. nghĩ rằng đó là nước nóng. Nhưng, rồi M. thấy da thịt lại cháy xèo xèo, M. càng choáng váng hơn khi hiểu ra đó là axít. Bàng hoàng trước sự đau đớn của con, bà vội vàng giội nước rồi nhờ hàng xóm đưa con đi viện.

Nói chuyện với phóng viên vào ngày 20/10, mẹ của M không khỏi xót xa trước đứa con út bạc phận. Bà kể: “Lúc bé, nó đã thích mặc quần áo con trai. Lớn lên nó tự may đồ giống con trai, tôi không ngăn được. Một mình tôi nuôi 3 đứa con ăn học, vất vả lắm. Bao nhiêu ngày chăm sóc nó ở bệnh viện, nhìn con đau đớn mà xót xa. Chữa trị tốn kém mà bảo hiểm y tế cũng không có”. Mẹ M. không có việc ổn định, chỉ đi làm thuê, giờ thì làm công việc dọn vệ sinh cho một doanh nghiệp ở huyện Đông Anh.

Sau thời gian điều trị ở bệnh viện, trải qua nhiều đau đớn, M. về nhà với vết thương vẫn đau nhức. Mẹ M. cho biết: “Ngày nào cháu cũng phải dùng thuốc giảm đau. Cổ cháu bị nặng nhất nên nó kéo cả cái đầu xuống vai. Nó tiêu cực lắm. Nó bảo nó muốn chết. Những ngày đầu mới xuất viện tôi phải khóa cổng không cho nó ra ngoài. Từ hôm về đến giờ nó mới ra ngoài 1 lần chơi với bạn cho khuây khỏa”.

Cũng vẫn là nguyên nhân do tình ái, vụ việc xảy ra vào trưa 15/10 gần đây đối với hai nữ sinh một trường cao đẳng ở TP Hồ Chí Minh cũng gây ám ảnh dư luận. Đối tượng Lê Thanh Sang và Phạm Hoàng Thanh đều ở tuổi 18 thực hiện hành vi tàn ác là tạt axít vào bạn gái do bị bạn gái chối từ tình cảm. Cả hai nữ sinh đều bị bỏng vùng mặt, để lại hậu quả về cả thể xác và tâm lý vô cùng nặng nề.

Bác sỹ Nguyễn Thống cho biết, từ năm 2014 đến nay Bệnh viện Xanh pôn tiếp nhận khoảng 10 trường hợp bị bỏng axít. Điều trị cho những bệnh nhân dạng này là khá phức tạp vì bỏng axít là bỏng nặng, làm tế bào quắt lại. Bệnh nhân lại có tâm lý hoang mang, nên hậu quả càng nặng. Hầu hết bệnh nhân bị sang chấn mạnh. Người nào tinh thần yếu, bị áp lực và đấu tranh không nổi sẽ bị rối loạn hệ thống thần kinh, di chứng nặng nề. Việc chữa trị phải rất kiên trì. (còn tiếp)

Theo khuyến cáo của các bác sĩ Khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, khi bị bỏng axít cần nhanh chóng sơ cứu theo các bước sau: Xối nước hoặc ngâm nước cho nồng độ axít loãng ra, bệnh nhân đỡ đau và hạn chế tổn thương thêm. Sau đó bao bọc vết thương bằng gạc sạch rồi chuyển tới cơ quan y tế gần nhất.
Việt Hà – Trần Huy
.
.
.