15 hội chuyên ngành, tổ chức khoa học ủng hộ quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ về kiểm soát rượu bia

Thứ Hai, 13/08/2018, 09:15
“Dự Luật Phòng chống tác hại của rượu bia” (PCTHCRB) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV trong kỳ họp tháng 10-2018. Để ủng hộ dự luật này, 15 hội chuyên ngành, tổ chức nghiên cứu khoa học vừa gửi thư lên Chính phủ, kiến nghị một số nội dung nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo TS. Trần Tuấn, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD)- cơ quan điều phối Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN) cho biết, bức thư đã chỉ ra một số vấn đề đang tồn tại trong tiến trình xây dựng Dự luật PCTHCRB.

Theo đó, hiện một số bộ, ngành liên tục đưa ra các can thiệp, tạo sức ép lên cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Y tế, nhằm thay đổi nội dung dự luật theo hướng có lợi cho ngành công nghiệp rượu bia, thay vì bảo vệ lợi ích y tế công cộng, là không tuân thủ quan điểm của Đảng về “bảo vệ sức khỏe nhân dân là ưu tiên cao nhất”. 

Nhiều bằng chứng khoa học mà Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức khoa học y tế -xã hội cung cấp về tác hại của rượu bia đã bị gạt đi.

Điều đáng lưu ý là có hiện tượng sử dụng các thông tin sai lệch để ngụy biện, nhằm bác bỏ một số nội dung dự luật do Bộ Y tế đề xuất, như cấm và hạn chế quảng cáo, tăng thuế rượu, bia… Đặc biệt, dẫn những thông tin sai lệch về Quỹ Nâng cao Sức khỏe Thái Lan (ThaiHealth) để bác bỏ đề xuất về Quỹ nâng cao sức khỏe trong dự Luật.

Đặc biệt, các hội và tổ chức này bày tỏ lo ngại khi có dấu hiệu can thiệp của ngành công nghiệp rượu, bia vào tiến trình xây dựng dự luật PCTHCRB, trở thành mối đe dọa dự luật đi chệch khỏi các mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm đói nghèo; là nguy cơ đưa Việt Nam trở thành nước đi ngược với khuyến cáo của WHO rằng không để ngành công nghiệp rượu, bia can thiệp vào tiến trình làm chính sách quốc gia PCTHCRB.

Liên minh NCDs-VN nhận thức nạn tiêu thụ rượu, bia gia tăng liên tục trong hơn mười năm trở lại đây đang tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng, bao gồm gia tăng gánh nặng bệnh không lây nhiễm, duy trì tỷ lệ tai nạn giao thông cao, nạn bạo lực gia đình phổ biến, và nhiều hệ lụy khác đe dọa các cố gắng của Chính phủ hạ thấp tỷ lệ nghèo đói và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

“Chúng tôi ủng hộ quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ xây dựng và sớm đưa vào thực thi Dự Luật PCTHCRB do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo. 

Các chuyên gia của liên minh NCDs-VN thường xuyên tham gia góp ý nội dung trong suốt tiến trình xây dựng dự luật trong năm qua, đồng thời bắt đầu thực hiện truyền thông xã hội để giúp người dân nhận thức đúng và ủng hộ các chiến lược đề xuất bởi Bộ Y tế nhắm vào tăng cường phát hiện sớm và tư vấn dự phòng, điều trị bệnh tật liên quan tới rượu bia, thiết lập hàng rào pháp lý nhằm chặn đứng tình trạng gia tăng tiêu thụ rượu bia, tăng thuế nhằm giảm thiểu sức mua, ngăn chặn quảng cáo rượu bia, đặc biệt tới các đối tượng dưới 18 tuổi”- ông Trần Tuấn cho hay.

Bệnh nhân bị ngộ độc rượu phải cấp cứu ngày càng nhiều

Tổng giám đốc của WHO, bà Margaret Chan đã tuyên bố: “Theo quan điểm của WHO, ngành công nghiệp rượu bia không đóng bất cứ vai trò gì trong hình thành chính sách phòng chống tác hại rượu bia, và chính sách này càn phải được bảo vệ tránh bị thiên lệch, méo mó bởi các can thiệp vì lợi ích nhóm hoặc thương mại”. 

Vì thế, 15 tổ chức trên ủng hộ Dự thảo Luật PCTHCRB hiện nay mà Bộ Y tế trình Chính phủ ngày 24/7/2018), đề nghị giữ nguyên tên là “Luật PCTHCRB”,  ủng hộ giải pháp thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe và huy động nguồn kinh phí cho PCTHRB từ khoản đóng góp bắt buộc từ người sử dụng thông qua giá bán sản phẩm rượu bia để đảm bảo nguồn lực thực hiện Luật; có chế tài kiểm soát quảng cáo, hạn chế tài trợ với các loại rượu, bia dưới 15 độ, để phòng chống tác hại của rượu bia góp phần phòng chống các bệnh không lây nhiễm và bảo vệ sức khỏe người dân. 

15 tổ chức trên nhấn mạnh tác hại của rượu, bia cần phải được nhận diện một cách đầy đủ, bao gồm cả tác hại cấp tính và lâu dài của việc sử dụng rượu, bia. Việc phòng, chống cũng phải bảo đảm tính toàn diện như phòng chống tác hại cấp tính và lâu dài của sử dụng rượu, bia chứ không chỉ phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.

Bởi theo WHO, không có ngưỡng nào là an toàn của rượu bia đối với sức khỏe con người. Thế giới chưa có khái niệm chuẩn về “lạm dụng" rượu, bia do có sự khác biệt về quan điểm giữa các quốc gia và tùy thuộc vào tuổi, giới tính, đặc điểm sinh học cá nhân, mức độ, cách uống, số lượng uống…

Hơn nữa, ngữ nghĩa của cụm từ “Lạm dụng rượu bia” không chỉ là uống “quá chén, quá ngưỡng” mà cần được hiểu là rất rộng về cả số lượng, chất lượng của rượu bia cho tới, khả năng gây hại và ngưỡng sử dụng đối với con người cho tới thời gian, địa điểm sử dụng rượu bia .v.v. 

Mỗi cá nhân có ngưỡng sử dụng rượu bia khác nhau, ngưỡng an toàn của người này có thể là ngưỡng gây ngộ độc của người kia. Do vậy không thể để tên của Luật là “Luật phòng chống tác hại của sự lạm dụng rượu, bia”.

Nguồn lực cho y tế dự phòng luôn hạn hẹp, đặc biệt cho phòng chống các bệnh không lây nhiễm càng ít. Do đó, cần có Quỹ Nâng cao sức khỏe được quy định trong Luật. Cũng cần kiểm soát quảng cáo, hạn chế tài trợ với các loại rượu, bia dưới 15 độ. 

Việc hạn chế quảng cáo đã được chứng minh là hiệu quả trong giảm tiêu thụ, giảm tác hại của rượu, bia nên đã WHO khuyến cáo ưu tiên áp dụng. Hiện nay tồn tại khoảng trống luật pháp trong nước về kiểm soát quảng cáo, tài trợ của các doanh nghiệp với các loại rượu bia dưới 15 độ, dẫn đến rượu, bia dưới 15 độ được quảng cáo như hàng hóa thông thường. 

Đây chính là một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự lan rộng và gia tăng nhanh tỷ lệ, mức độ sử dụng rượu, bia trong thời gian qua, nhất là sử dụng rượu, bia ở mức có hại.

“Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét thúc đẩy thực thi luật phòng chống tham nhũng vào tiến trình xây dựng và thông qua dự luật PCTHRB, hướng dẫn thực hiện minh bạch và giải trình trong quan hệ với ngành công nghiệp rượu bia thời gian tới”.

Thanh Hằng
.
.
.