Đề nghị xem xét lại phương án cổ phần hóa Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp

Thứ Bảy, 05/03/2016, 08:08
Thực hiện chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp (VTNN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiến hành các bước cổ phần hóa theo quy trình.


Ngày 3-2, Bộ NN&PTNT đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ theo đề xuất của Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp lựa chọn 2 đơn vị là: Tổng Công ty Rau quả nông sản (mua 45% cổ phần), Công ty CP Bảo hiểm hàng không làm nhà đầu tư chiến lược (mua 25% cổ phần). 

Trước đó, Tổng Công ty VTNN đã lựa chọn 3 công ty nhưng không đúng quy định, có nhiều đơn khiếu nại. Bộ NN&PTNT yêu cầu Tổng Công ty VTNN xây dựng lại tiêu chí và lựa chọn lại nhà đầu tư chiến lược. Đến nay đã có một số công ty đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược nhưng không được lựa chọn.

Liên quan đến vấn đề trên, Báo CAND nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp: Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (gọi tắt là Công ty Yên Khánh), Công ty cổ phần Đầu tư Cái Mép (Công ty Cái Mép), Công ty CP Vật tư nông nghiệp III và ông Trần Văn Khánh, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty VTNN, Bộ NN&PTNT.

Đại diện các công ty trên và ông Khánh cho biết, cả hai công ty được chọn (Tổng Công ty Rau quả nông sản và Công ty Bảo hiểm hàng không) đều là công ty con thuộc Tập đoàn T&T, do Tập đoàn T&T mới mua cổ phần của Nhà nước, chưa hoàn thiện các thủ tục cổ phần hóa nên hai công ty trên không đủ tư cách pháp nhân để mua cổ phần của Tổng Công ty VTNN. Mặt khác, hai công ty này cũng kinh doanh trái với ngành nghề của Tổng Công ty VTNN, chưa từng làm đối tác của VTNN, sẽ khó duy trì phát triển ngành nghề truyền thống.

Bên cạnh kiến nghị về lựa chọn đơn vị cổ phần hóa, Công ty Yên Khánh và Công ty Cái Mép còn phản ánh một số dấu hiệu sai phạm trong mua bán, quản lý tài sản nhà nước của Tổng Công ty VTNN. Tổng Giám đốc Công ty Yên Khánh cho biết, Tổng Công ty VTNN quản lý khách sạn số 120 Quán Thánh tại phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội, gồm 10 tầng, diện tích xây dựng khoảng 2.760m2.

Vào khoảng cuối năm 2010, khách sạn này hoạt động kém hiệu quả, cho đối tác thuê không thu được tiền, thậm chí bị chiếm dụng khách sạn. Tại thời điểm đó, Tổng Công ty VTNN đồng ý giao Công ty Yên Khánh thu hồi khách sạn, tiền thuê khách sạn của đối tác thuê trước đó và cam kết sẽ giao cho Công ty Yên Khánh khai thác.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Yên Khánh phải bỏ ra nhiều thời gian và hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi thu hồi được khách sạn 120 Quán Thánh, Tổng Công ty VTNN lại làm thủ tục bán khách sạn trên cho đối tác khác. Công ty Yên Khánh khẳng định có năng lực tài chính, cùng ngành nghề với Tổng Công ty VTNN nhưng không được ký hợp đồng hợp tác, không được làm cổ đông chiến lược của tổng công ty này.

Đại diện Công ty Cái Mép phản ánh, cuối năm 2014, Tổng Công ty VTNN có nhu cầu bán khu đất và căn nhà 4 tầng tại số 164 Trần Quang Khải, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Công ty Cái Mép đã gặp ông Nguyễn Hữu Điệp (Chủ tịch Hội đồng thành viên) và ông Nguyễn Trường Thắng (Tổng Giám đốc) Tổng Công ty VTNN đặt vấn đề mua tài sản nêu trên.

Hai bên đã bàn bạc và thống nhất mua, bán với mức giá 32.712.000.000 đồng. Công ty Cái Mép cũng đã đặt cọc cả chục tỷ đồng để làm thủ tục mua bán. Tuy nhiên, sau đó Tổng Công ty VTNN có văn bản yêu cầu Công ty Cái Mép liên hệ với đơn vị bán đấu giá tài sản. Công ty Cái Mép liên hệ và không mua được hồ sơ.

Khẳng định việc làm trên đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Công ty Yên Khánh cũng gửi đơn đến Bộ NN&PTNT đề nghị giải quyết nhưng chưa nhận được hồi âm.

Trước kiến nghị và phản ánh của các đơn vị, cá nhân trên, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT xem xét lại quy trình cổ phần hóa của Tổng Công ty VTNN, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đủ năng lực tiêu chí theo đúng quy định.

PV
.
.
.