Ưu đãi quá bèo, DN không muốn chuyển đổi sang khoa học công nghệ

Thứ Hai, 04/01/2016, 08:08
Chiến lược phát triển khoa học công nghệ (KHCN) giai đoạn 2011-2020 đã không đạt được mục tiêu đề ra đối với hàng loạt chỉ tiêu lớn, trong đó có chỉ tiêu doanh nghiệp KHCN. Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KHCN) đã trả lời báo chí:


PV: Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ hình thành ít nhất 3.000 doanh nghiệp KHCN. Tuy nhiên, đến tháng 11-2015, cả nước mới có 2.800 doanh nghiệp KHCN. Việc không đạt được mục tiêu là do đâu, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Quất: Hiện nay, doanh nghiệp trong một số lĩnh vực đang được hưởng những ưu đãi của ngành… Lực lượng doanh nghiệp này đáp ứng đầy đủ những tiêu chí để trở thành doanh nghiệp KHCN nhưng họ chưa mặn mà với việc đi đăng ký để cấp giấy chứng nhận bởi vì chính sách hiện nay chưa cho doanh nghiệp hưởng những ưu đãi “trùng” mà chỉ được hưởng ưu đãi một lần (về thuế, đất đai…). Một số doanh nghiệp trong các khu công nghệ cao, về bản chất là doanh nghiệp KHCN nhưng trong những khu đó đã có sẵn những quy chế để doanh nghiệp được hưởng những chính sách ưu tiên, bởi vậy họ cũng không thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp KHCN.

Ngoài ra, hiện nay, trong quá trình thực thi những chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp KHCN, một số địa phương làm chưa tốt. Nhiều nơi lo ngại ảnh hưởng đến nguồn thu của địa phương. Hơn nữa, khi doanh nghiệp đang phải gồng mình trong thương trường thì doanh nghiệp KHCN nhỏ thường gặp sự cạnh tranh rất lớn. Bởi vậy, họ không còn đủ sức để theo đuổi những thủ tục hồ sơ nếu như gặp khó khăn.

Ông Phạm Hồng Quất.

PV: Theo ông, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp KHCN cần thay đổi theo hướng như thế nào?

Ông Phạm Hồng Quất: Phải khuyến khích để làm sao doanh nghiệp có được thị trường, có được đầu vào cho các dự án để tạo ra doanh thu, chứ không chỉ ưu đãi về thuế ở đầu ra. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, ưu đãi về thuế hiện nay chưa khiến họ mặn mà bằng việc được tham gia vào các công trình đầu tư từ vốn NSNN.

PV: Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020 đặt mục tiêu tới năm 2015, tổng đầu tư cho KHCN đạt 1,5% GDP. Muốn đạt được mục tiêu này cần sự đóng góp mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp quan tâm tới việc đầu tư cho KHCN. Vì sao vậy, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Quất: Hiện nay, nhiều nước thực hiện cơ chế buộc doanh nghiệp trích quỹ đầu tư cho KHCN. Việt Nam cũng đang triển khai để tăng nguồn đầu tư xã hội hóa. Tuy nhiên, vướng mắc nằm ở chỗ, chúng ta đang yêu cầu quỹ đó hoạt động “không khác gì tiền ngân sách”, gây khó khăn đối với việc tự chủ sử dụng quỹ của doanh nghiệp. Bộ KHCN đang đề xuất thay đổi cơ chế quản lý và sử dụng quỹ này, nhằm trao quyền tự chủ cao nhất cho doanh nghiệp, từ đó khuyến khích doanh nghiệp lập quỹ để sử dụng cho đổi mới công nghệ.

PV: Nhiều doanh nghiệp than phiền rằng, họ muốn chuyển sang doanh nghiệp KHCN nhưng thủ tục không đơn giản. Bộ KHCN có chính sách gì để giải quyết vấn đề này?

Ông Phạm Hồng Quất: Thủ tục hiện nay đang là trở ngại, ngay trong đăng ký kinh doanh cũng rất phức tạp. Chúng tôi đang làm việc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, thậm chí cả Bộ Công an để tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho doanh nghiệp KHCN, từ việc khắc phục con dấu, chuyển đổi mở tài khoản, đăng ký danh mục ngành nghề…Tất cả những điều này sẽ gây cản trở cho doanh nghiệp nếu chúng ta không có những văn bản liên Bộ thống nhất.

PV: Nhiều doanh nghiệp muốn khai thác và thương mại hóa các đề tài KHCN. Theo ông, cần có cơ chế gì để khai thác và thương mại hóa các đề tài này hiệu quả nhất?

Ông Phạm Hồng Quất: Về cơ bản là phải giảm tối đa những vấn đề liên quan đến thủ tục. Doanh nghiệp hoặc Viện, trường tự đánh giá khả năng thương mại hóa và đưa ra phương án để khai thác thương mại cũng như phương án phân chia lợi nhuận cho các bên. Theo quy định, Nhà nước tối đa được 10% lợi nhuận thu được từ thương mại hóa, tác giả - chủ nhiệm đề án được tối đa 30%, tổ chức môi giới trung gian được 10%, đơn vị chủ trì được quyền tự chủ phần lợi nhuận còn lại. Luật KHCN có quy định rất rõ về vấn đề này. Đây cũng là lần đầu tiên trong luật có quy định về việc chia lợi ích cho cả người môi giới. Đấy là động lực lớn giúp doanh nghiệp, Viện, trường tăng khả năng liên kết để khai thác thương mại các đề tài, tối đa hoá lợi nhuận.

PV: Xin cảm ơn ông.                                      

Khánh Vy (ghi)
.
.
.