Đồng bằng sông Cửu Long thu hút đầu tư doanh nghiệp nước ngoài

Chủ Nhật, 03/01/2016, 08:44
Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông đường bộ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng thông thoáng là một trong những điểm mở quan trọng để thu hút đầu tư của vùng. Đây là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư, đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp vì tiềm năng của ngành rất lớn.

TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) khẳng định: “Kinh tế trong vùng trong thập kỉ tới dự báo sẽ tăng trưởng bằng với tăng trưởng chung của quốc gia. Một trong những nguyên nhân giúp nền kinh tế tăng trưởng là cơ sở hạ tầng được cải thiện. Thời gian đi lại từ TP Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ được rút ngắn, từ Hà Nội đến Cần Thơ, huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã có đường bay”.

Cầu Cổ Chiên, nối liền Trà Vinh – Bến Tre, cú hích phát triển kinh tế và rút ngắn khoảng cách đi TP Hồ Chí Minh.

Theo Bộ Giao thông vận tải, những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ưu tiên một phần nguồn lực đáng kể để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành làm thay đổi bộ mặt trong vùng. Đặc biệt, việc khánh thành các cầu lớn trong khu vực như: cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Đầm Dơi… đã phá thế ngăn sông cách trở, người dân đi lại từ các tỉnh, thành ĐBSCL về TP Hồ Chí Minh đã không phải sử dụng phà, đò như trước đây. Cùng với đó, việc xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông vận tải giữa các tỉnh trong vùng với cả nước và thế giới.

Tổng kinh phí Trung ương đầu tư cho các công trình giao thông đã hoàn thành trên địa bàn vùng ĐBSCL giai đoạn 2010-2015 là 58.778 tỉ đồng và dự kiến giai đoạn 2016-2020 sẽ là 86.319 tỉ đồng. Với sự phát triển nhanh của kết cấu hạ tầng đã tạo điều kiện cho vận tải hành khách, hàng hoá trong vùng thông suốt, nhanh chóng. Trong giai đoạn 2010 đến hết tháng 6-2015, tổng khối lượng vận tải toàn vùng đạt hơn 4,6 tỉ lượt khách và hơn 468 triệu tấn hàng hoá.

Trước sự phát triển của giao thông đường bộ đã làm thay đổi diện mạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của vùng. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, 10 tháng đầu năm 2015, ĐBSCL có 9 địa phương thu hút FDI với 125 dự án, tổng số vốn là 2,8 tỷ USD. Long An là tỉnh thu hút được nhiều dự án nhất với 102 dự án, đạt 156 triệu USD. Nổi bật nhất là Trà Vinh với dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư là 2,4 tỷ USD, trở thành tỉnh đứng đầu khu vực về thu hút vốn FDI. Tiếp theo, các tỉnh như Tiền Giang thu hút được 5 dự án (42,6 triệu USD), An Giang (6 dự án, 34,7 triệu USD), Cần Thơ (3 dự án, 15,9 triệu USD), Vĩnh Long (4 dự án, 12,8 triệu), Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bến Tre.

Năm 2015, nhiều DN nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Singapore… đã đến ĐBSCL để tìm cơ hội đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tháng 11 vừa qua, Hiệp hội Xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (J-Bix) đã ký kết bản ghi nhớ với UBND TP Cần Thơ về việc nhập khẩu rơm từ nông trường sông Hậu sang Nhật để làm thức ăn gia súc. UBND TP Cần Thơ và Viện Công nghệ - Công nghiệp Hàn Quốc vừa tổ chức khánh thành Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP) đặt tại Cần Thơ, mở ra triển vọng việc áp dụng công nghệ trong nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nông nghiệp là thế mạnh của vùng ĐBSCL nhưng vốn FDI đầu tư vào ngành này chiếm tỉ trọng nhỏ do rủi ro cao. ĐBSCL vẫn chưa tận dụng được các thế mạnh vốn có nên Việt Nam đóng góp sản phẩm nông nghiệp ra thế giới chỉ có 1% là rất khiêm tốn so với tiềm năng”. Nếu thông qua hợp tác, ông Yasuzumi Hirotaka cho rằng phía Nhật sẽ chuyển giao kĩ thuật về nông – lâm - thuỷ sản cho ĐBSCL, giúp nông dân tăng thu nhập và tăng giá trị của sản phẩm hàng hoá. Đặc biệt khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu DN nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp của vùng ĐBSCL sẽ có lợi cho cả đôi bên vì tiềm năng của vùng lớn.

Văn Vĩnh – Như Anh
.
.
.