Tương lai của hàng không Việt năm 2021: Chưa thấy “cửa sáng”

Thứ Tư, 03/03/2021, 07:06
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tái bùng phát và chưa biết khi nào có thể kiểm soát, các hãng hàng không Việt đang tìm mọi cách để sống chung với dịch, chờ cơ hội phục hồi. Tuy nhiên, để vượt qua khó khăn này, các hãng rất cần sự giúp sức không nhỏ từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…


Hoạt động cầm chừng

Năm 2020 có thể coi Vietnam Airlines là hãng hàng không Việt chịu tác động tiêu cực nhất của COVID-19. Doanh thu hợp nhất của hãng ước đạt hơn 42.500 tỷ đồng, lỗ tới 14.445 tỷ đồng. Một đơn vị khác là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng bị ảnh hưởng nặng nề do hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, kinh doanh tại các cảng hàng không sân bay sụt giảm.

Cả năm 2020, doanh thu ACV ghi nhận 7.802 tỷ đồng, giảm 135%, lợi nhuận còn 1.712 tỷ đồng (chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng), giảm mạnh so với con số 8.214 tỷ đồng của năm 2019. Tương tự, tình hình kinh doanh mảng cốt lõi là hàng không của hãng hàng không giá rẻ VietJet Air cũng kém khởi sắc.

Cả năm 2020, VietJet Air ghi nhận lãi 70 tỷ đồng, giảm 54 lần so với năm 2019, chủ yếu nhờ vào việc thanh lý tài sản cố định và tài sản dài hạn khác. Với hãng hàng không Bamboo Airway, mặc dù không công bố chi tiết kinh doanh ngành Hàng không thiệt hại lên doanh thu của Tập đoàn FLC bao nhiêu phần trăm, song ban lãnh đạo công ty cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chi phí thuê máy bay, dịch vụ mặt đất tăng cao dẫn dến lợi nhuận gộp giảm 221%, âm 3.246 tỷ đồng.

Hàng không Việt đang căng mình vượt khó.

Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, dịch COVID-19 đã gây rối loạn hoạt động kinh tế, ảnh hưởng đời sống xã hội, làm tê liệt ngành Hàng không Việt Nam và thế giới. Để gỡ khó cho ngành hàng không, Hiệp hội này đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ cần tập trung một số chính sách đặc thù hỗ trợ ngành Hàng không nhanh chóng phục hồi như: Nhanh chóng ban hành các quy định về quy trình, thủ tục thực hiện các chuyến bay trong nước và quốc tế; giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không (ít nhất là giảm 70% so với mức 30% hiện nay) và kéo dài thời gian áp dụng (tới hết năm 2021); kéo dài thời gian giảm giá dịch vụ đối với các hãng hàng không và nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ hoạt động bay (các cảng hàng không, các doanh nghiệp quản lý/điều hành bay,…) tới giữa năm hoặc cuối năm 2021 tuỳ tình hình dịch bệnh.

Hiệp hội Hàng không cũng cho rằng, các hãng hàng không đã kiến nghị gói hỗ trợ tài chính trị giá 25.000 tỉ đồng, bao gồm cả tín dụng ngắn hạn và tín dụng dài hạn theo phương án bảo lãnh tín dụng, với lãi suất vay ưu đãi là để giúp các hãng sớm phục hồi.

Doanh nghiệp mong “phao” hỗ trợ

Ứng phó với những diễn biến chưa từng có trong lịch sử, Vietnam Airlines đã xây dựng nhiều kịch bản thị trường, đưa ra nhiều giải pháp điều hành linh hoạt sản xuất kinh doanh nhằm giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, rõ ràng dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và tác động rất xấu đến kinh doanh vận tải hàng không.

Lãnh đạo của Vietnam Airlines từng chia sẻ: Diễn diễn phức tạp của dịch bệnh trong nước, kịch bản lạc quan nhất phải đến năm 2023 Vietnam Airlines mới có thể có lãi trở lại. Dùng từ “mắc kẹt” để nói về ảnh hưởng từ các đợt bùng phát dịch, đặc biệt là giai đoạn từ Tết Nguyên đán đến nay, lãnh đạo của hàng không VietJet cho biết: “Tình trạng chung của các hãng, không riêng gì Vietjet là giảm tải, giảm tuyến, giảm tần suất, con số này lên tới 40 - 50% chứ không ít. Ngay cả khi dịch trong nước được kiểm soát, hãng sẽ vẫn vô cùng khó khăn. Chỉ khi nào việc bay quốc tế phục hồi, mới nói chuyện có lãi, phát triển bền vững”.

Trước mắt, theo vị lãnh đạo này, mong muốn nhà chức trách có giải pháp để tăng slot ở 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, giúp các hãng có thể đưa thêm tàu, mở thêm tuyến đến đây. Về lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, thực chất là hỗ trợ về lãi suất. Có như vậy, các doanh nghiệp đang rất khó khăn mới có lực để phục hồi trở lại.

Nói về tương lai của doanh nghiệp hàng không trong năm 2021, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nhận định, “sẽ rất khó khăn”. “Vấn đề sống còn của hàng không Việt là phải duy trì được thị trường nội địa. Muốn vậy thì dịch phải được kiểm soát rất tốt. Việc bay quốc tế sẽ chỉ được thực hiện từng bước”, ông Thắng nói và cho biết, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không về phí, thuế. 

Nói thêm về vấn đề hỗ trợ,  PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, cần phải công bằng cho các hãng hàng không hoạt động tại Việt Nam, cụ thể nên cho vay theo tỉ trọng tương ứng của mỗi hãng khi thực hiện đóng góp nghĩa vụ thuế cho Nhà nước trong những năm gần đây và năm 2019. Hãng nào đóng góp thuế cao sẽ được hưởng vay ưu đãi cao. Do đó, kiến nghị xin gói hỗ trợ vay gói tín dụng 25.000-27.000 tỉ đồng của Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho các hãng hàng không cần phải cân nhắc thận trọng, tránh chạy đua xin cơ chế, hỗ trợ dàn trải.

Đặng Nhật
.
.
.