Tội phạm gian lận là mối lo lớn của doanh nghiệp Việt
Trong hai năm qua, khoảng một nửa các doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam đã và đang đối mặt với tội phạm kinh tế/gian lận và gần 1/2 trong số người ham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết họ đã bị tội phạm mạng tấn công.
- Lực lượng Công an đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu
- Nữ Cảnh sát lập nhiều chiến công trong đấu tranh với tội phạm kinh tế
- Nỗ lực trong cuộc đấu trí với tội phạm kinh tế
- Muốn bớt tội phạm kinh tế, luật phải cực nghiêm
- Kiên quyết triệt phá, xử lý nghiêm minh tổ chức tội phạm kinh tế
Báo cáo "Khảo sát tội phạm kinh tế và gian lận toàn cầu: Góc nhìn Việt Nam" do PwC công bố ngày 14-11 cho thấy, tội phạm gian lận là mối quan ngại lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ tính riêng trong hai năm vừa qua, 52% các doanh nghiệp tại Việt Nam đã phải đối mặt với tội phạm gian lận. Tỷ lệ này cao hơn so với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (46%) và toàn cầu (49%). 40% số người tham gia khảo sát cho biết họ chưa từng phải đối mặt với tội phạm gian lận, tuy nhiên, rất có thể là do các gian lận này chưa bị phát giác mà thôi.
Những người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết loại hình tội phạm kinh tế thường gặp nhất là biển thủ tài sản (40%) và hối lộ và tham nhũng (36%). Gian lận thực hiện bởi người tiêu dùng (33%) và vi phạm đạo đức kinh doanh (29%) cũng là những hình thức khá phổ biến.
Riêng về tổn thất từ tội phạm kinh tế, báo cáo chia thành tổn thất tài chính và tổn thất phi tài chính. Xét trên phương diện tài chính, 53% các tổ chức tham gia khảo sát cho biết họ chịu tổn thất dưới 100.000 USD (tương đương 2,3 tỷ đồng) trong vòng 2 năm vừa qua. Gần một phần ba (32%) số người tham gia khảo sát ước tính họ đã gánh chịu mức tổn thất trên 100.000 USD từ các vụ gian lận.
Trong số các ảnh hưởng phi tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất mà các tổ chức tham gia khảo sát nhận diện được là tổn thất về uy tín/thương hiệu của doanh nghiệp (28%), tiếp theo là tinh thần nhân viên (23%) và các quan hệ kinh doanh (21%).
Ông Marcus Paciocco, Giám đốc Dịch vụ Điều tra Gian lận tại Công ty PwC Consulting Việt Nam nhận định về các ảnh hưởng khác nhau của tội phạm gian lận: “Một số tổn thất tài chính có thể đo lường được bao gồm chi phí khắc phục sự vụ, chi phí pháplý, tổn thất thực tế về tiền hay thậm chí là các hình phạt hình sự. Các tổn thất phi tài chính tuy không thể định lượng được nhưng có thể gây ra hậu quả còn nặng nề hơn tổn thất tài chính, ví dụ như tổn thất về danh tiếng hay tinh thần nhân viên.”
Một dấu hiệu đáng mừng là trong vòng hai năm qua, các công ty Việt Nam thực hiện đánh giá rủi ro gian lận khá thường xuyên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được về các quy định phòng, chống rửa tiền. 86% tổ chức tham gia khảo sát cho biết doanh nghiệp của họ đangtuân theo các quy định về phòng, chống rửa tiền.
Về chống tội phạm mạng, gần một nửa (47%) số tổ chức tham gia khảo sát cho biết họ đã là nạn nhân của tội phạm an ninh mạng ở Việt Nam trong vòng 2 năm qua. Các cách thức tấn công phổ biến nhất là Malware (đưa phần mềm độc hại vào thiết bị của nạn nhân) và Phishing (sử dụng email để đánh lừa người nhận cung cấp các thông tin nhạy cảm).
Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch ứng phó với các cuộc tấn công an ninh mạng. Tuy nhiên, vẫn có tới 37% số người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết họ không rõ liệu công ty đã có chương trình an ninh mạng hay chưa.