Dự báo đến hết năm 2021:

Hàng không Việt vẫn trong thế… lỗ nặng

Thứ Tư, 24/03/2021, 07:47
Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) mới đây đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19. Theo Hiệp hội, từ nay đến cuối năm 2021, các doanh nghiệp hàng không Việt vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Dự báo, phải đến năm 2022, các hãng hàng không Việt mới dần phục hồi và hết lỗ.


Các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền

Theo VABA, ước tính của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), dự báo sản lượng hành khách năm 2021 sẽ chỉ đạt 33% (so với năm 2019) và tổng mức lỗ dự kiến 95 tỉ USD. Dự kiến phải đến năm 2022, các hãng hàng không mới hết lỗ. Tại Việt Nam, ngành hàng không đã chịu tác động to lớn từ 3 đợt bùng phát dịch bệnh. Hiện, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, vận chuyển chuyên gia và vận chuyển hàng hóa.

2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66.600 khách, giảm 98,8% so cùng kỳ 2019, doanh thu dịp cao điểm Tết của các hãng cũng giảm bình quân từ 70 - 80% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và lỗ trên 15.000 tỉ đồng từ vận tải hàng không.

Do năm 2020, các hãng đã phải chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền nên năm 2021, các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền hoạt động từ ngay giai đoạn thấp điểm sau dịp Tết cổ truyền. Để hỗ trợ cho dòng tiền của các hãng, VABA đề xuất mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không.

Công tác phòng, chống COVID-19 được các hãng hàng không Việt thực hiện nghiêm túc trên mỗi chuyến bay.

Cũng theo VABA, các chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hàng không tuy cũng có tác dụng tích cực nhưng mức độ còn thấp. Hơn nữa, do tác động hai chiều của một số chính sách, một số doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội cũng chịu thiệt để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bạn trong ngành. Chẳng hạn, do Nhà nước quyết định giảm phí điều hành bay, năm 2020, Tổng Công ty Quản lý bay đã giảm doanh thu tới 159 tỷ đồng cho các khoản thu từ giá điều hành đối với các chuyến bay quốc nội.

Dự báo tình hình năm nay, VABA đã đề xuất một số chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hàng không vượt qua những khó khăn, thách thức do COVID-19 gây ra trong năm 2021, như: Mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không; mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 84/2020 của Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp hàng không cũng được hỗ trợ lãi suất theo tinh thần của nghị quyết này; sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021. VABA cũng đề xuất tiếp tục giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống mức 900- 1.000 đồng/lít; gia hạn thời hạn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài, tiền thuê đất cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh đến hết 31/12/2021.

Đồng thời, đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu các thiết bị, vật tư đặc thù của ngành nhằm đảm bảo tuân thủ công tác bảo trì bảo dưỡng định kỳ.

Bamboo Airways muốn Chính phủ hỗ trợ cho vay 5.000 tỷ đồng lãi suất 0%

Cùng với đề xuất trên, mới đây  Hãng hàng không Bamboo Airways đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét và có ý kiến đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành cơ chế để các ngân hàng thương mại cho vay và hỗ trợ Bamboo Airways nguồn tài chính thông qua chính sách lãi suất ưu đãi.

Cụ thể, Bamboo Airways kiến nghị được hỗ trợ lãi suất vay các ngân hàng thương mại với tổng hạn mức vay vốn dài hạn 5.000 tỷ đồng, đồng thời áp dụng mức lãi suất và các điều kiện vay ưu đãi, hoặc xem xét cho phép Bamboo Airways được tiếp cận khoản vay ưu đãi 5.000 tỷ đồng lãi suất 0% theo hình thức NHNN tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại như đã áp dụng với Vietnam Airlines.

Hãng này cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét và có ý kiến đề xuất Chính phủ và Quốc hội tăng thêm thời gian hỗ trợ và nâng mức miễn giảm (có thể giảm 100%) đối với các chính sách giảm giá dịch vụ, giảm thuế đã được ban hành.

Cụ thể, với thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay, đề nghị tăng mức miễn giảm từ 30% lên 50%. Đối với chính sách giảm giá dịch vụ cất hạ cánh, điều hành bay, Bamboo Airways đề nghị tăng thêm thời gian hỗ trợ từ tháng 10-2020 đến hết tháng 12-2021. Đồng thời ban hành thêm các chính sách, miễn giảm thêm các loại thuế phí nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không và góp phần kích cầu thị trường.

Trước đó, Vietnam Airlines đã được hỗ trợ tín dụng 4.000 tỉ đồng. Vì thế, VABA đề nghị Chính phủ tiếp tục cho mở rộng hình thức hỗ trợ này cho các hãng hàng không. Trong đó có VietJet đề nghị được vay tín dụng 4.000 - 5.000 tỉ đồng trong 3 năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này.

22 nghìn lao động Vietnam Airlines được tiêm miễn phí vaccine COVID-19

Tin từ Vietnam Airlines, nhằm đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho đội ngũ nhân sự, doanh nghiệp này đang đẩy nhanh việc hoàn thiện thủ tục với Bộ Y tế và cơ quan chức năng để đăng ký mua vaccine COVID-19 cho tất cả cán bộ, nhân viên và người thân, đảm bảo được tiêm đầy đủ trong thời gian sớm nhất.

Đáng lưu ý, Vietnam Airlines sẽ thanh toán 100% chi phí tiêm vaccine cho toàn bộ cán bộ, nhân viên, đồng thời cam kết hỗ trợ một phần chi phí cho người thân của toàn bộ lao động trong Tổng Công ty. Lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay, với quy mô nhân sự trên 22.000 người lao động, số lượng mũi tiêm mà Vietnam Airlines dự kiến đặt hàng lên tới hàng trăm nghìn.

Việc hỗ trợ chi phí tiêm ngừa vaccine COVID-19 cho toàn thể cán bộ, nhân viên cùng với và gia đình bao gồm vợ, chồng, con và cha mẹ cũng là sự chia sẻ gánh nặng ngân sách với Nhà nước . (P.Huyền)
Đặng Nhật
.
.
.