Hàn Quốc hỗ trợ dệt may Việt Nam tiếp cận công nghệ 4.0

Thứ Ba, 09/07/2019, 17:38
Ngày 9-7, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Viện Kỹ thuật công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) đã tổ chức Hội thảo “Sản xuất tốt hơn với kỹ thuật số trong ngành dệt may”.

Hội thảo nhằm giới thiệu các giải pháp tiên tiến, chia sẻ kiến thức và tăng cường hợp tác trong ngành dệt may giữa Việt Nam- Hàn Quốc và các nước châu Á. Đây cũng là sự kiện thường niên do KITECH và VITAS phối hợp tổ chức nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam.  Các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu kỹ thuật dệt Hàn Quốc, Tập đoàn Li&Fung, Tập đoàn CLO Visual… cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế về chuyển đổi số kỹ thuật số, đổi mới 3D, xu hướng thời trang toàn cầu và mô hình nhà máy nhuộm không cần nước và hạn chế tối đa hoá chất…

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang tạo ra cả thách thức và cơ hội cho ngành dệt may

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang tạo ra cả thách thức và cơ hội cho ngành dệt may. Cụ thể, việc áp dụng tự động hoá giúp giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất cũng giúp ngành dệt may sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm nguồn tài nguyên tự nhiên, giảm thiểu tồn kho… 

Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ in 3D trong sản xuất cho phép tạo ra sản phẩm thoả mãn tối đa nhu cầu người dùng và giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho lao động kỹ thuật cao. Từ đó giúp ngành dệt may Việt Nam bứt phá, thoát ra khỏi bẫy dùng nhiều lao động nhưng lương không cao, lao động không ổn định. Đồng thời giúp các doanh nghiệp chủ động trong hoạch định chiến lược, tận dụng thành tựu của CMCN 4.0 cũng như giảm thiểu các thách thức. 

Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam, nhất là gia tăng kim ngạch xuất khẩu

Ông Eu Joong Kim, Tham tán thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam, nhất là gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, quy định về xuất xứ cộng gộp trong EVFTA giúp sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng được tính xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU, không chỉ mang lại thuận lợi cho dệt may Việt Nam mà còn là cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc. 

Để mở rộng thị trường xuất khẩu, lợi thế chi phí nhân công thấp của dệt may Việt Nam là không đủ mà còn rất cần công nghệ hiện đại nhằm theo kịp xu hướng của thế giới. Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu áp dụng CMCN 4.0 trong tất cả các ngành công nghiệp để tăng sức cạnh tranh, tuy nhiên cần có kế hoạch cụ thể để triển khai. Hiện, ngành dệt may có tốc độ phát triển rất nhanh, Chính phủ Việt Nam có thể tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ cao và Hàn Quốc với hệ thống viện nghiên cứu kỹ thuật công nghệ lâu năm có thể hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.


Lưu Hiệp
.
.
.