Giúp doanh nghiệp tránh rủi ro khi giao kết hợp đồng trong khối CPTPP

Thứ Sáu, 19/04/2019, 07:53
Ngày 18-4, Trung tâm xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo “Xuất nhập khẩu trong bối cảnh CPTPP và những lưu ý cho doanh nghiệp (DN) về hợp đồng kinh doanh quốc tế”. 


Hội thảo nhằm hỗ trợ thông tin, giúp DN hiểu rõ hơn một số thay đổi trên thị trường và trong kinh doanh khi CPTPP có hiệu lực. Đồng thời, giúp DN nhận diện những rủi ro về pháp lý, từ đó tìm ra phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp.

Theo ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc ITPC: Trong 11 nước trong khối CPTPP, Việt Nam đã ký kết FTA song phương với 7 nước, trong đó có 4 nước có kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với Việt Nam tương đối cao, đạt gần 7 tỷ USD. Với các nước chưa ký kết FTA song phương như Canada hay Mexico, kim ngạch xuất khẩu cũng tương đối khá, lần lượt là 4,6 tỷ USD và 3,4 USD trong năm 2018.

Tuy nhiên, với các thị trường này, xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm từ 1% đến hơn 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trên toàn thế giới của mỗi nước. Dự đoán, với CPTPP thì các nước sẽ tăng cường mở rộng hợp tác kinh doanh trên cơ sở tận dụng các ưu đãi, đặc biệt ưu đãi về thuế.

Bên cạnh đó, DN cũng đối mặt với nhiều thách thức để có thể theo kịp các quốc gia cùng khối, cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đại biểu các DN tham dự hội thảo.

Ông Hòa nhấn mạnh, bên cạnh Nhật Bản thì Canada là quốc gia khá đặc biệt trong CPTPP. Là một trong ba quốc gia (gồm: Canada, Mexico, Peru) chưa có FTA với Việt Nam hoặc khu vực, nhưng Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường Canada với kim ngạch năm sau luôn cao hơn năm trước.

Với CPTPP, Canada được đánh giá là một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng cho nhiều mặt hàng của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản, trà, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, đồ gỗ... khi Chính phủ Canada có những chính sách khá mở khi áp mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, Canada cam kết xóa bỏ 94,5% số dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực, tương đương với 78% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam.

Từ năm thứ 4, Canada xóa bỏ 96,3% số dòng thuế, tương đương với 93,4% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Riêng nông sản, thủy sản được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn ngay khi CPTPP có hiệu lực. Với ngành dệt may, da giày, túi xách… (hiện đang chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Canada), khi thuế nhập khẩu giảm 17% - 18% xuống còn 0% thì kim ngạch xuất khẩu chắc chắn sẽ tăng mạnh.

LS Trần Xuân Chi Anh, đại diện công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT cho rằng, từ trước đến nay, Việt Nam có mối giao thương thường xuyên với một số quốc gia như Singapore, Nhật Bản... Khi CPTPP có hiệu lực, mối quan hệ này lại càng chặt chẽ hơn, tỷ lệ xuất nhập khẩu cũng tăng dần.

Việc xuất nhập khẩu được đẩy mạnh cũng đồng nghĩa với việc các sai sót, mâu thuẫn xảy ra ngày càng nhiều. Trong số đó, ngành hàng được xác định thường phát sinh tranh chấp chiếm tỷ trọng lớn gồm: Nông sản, gỗ, dệt may. LS Anh nhấn mạnh: “Để giao kết các hợp đồng kinh doanh quốc tế an toàn, DN cần hết sức chú trọng đến việc nhận diện và phân loại các rủi ro nhằm tránh gây tổn thất, thiệt hại cho DN”.

LS Lê Nết – luật sư thành viên Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên dẫn chứng một số trường hợp mà DN Việt Nam bị đối tác nước ngoài kiện do sai sót, vi phạm, trong giao kết hợp đồng. Cụ thể, với mặt hàng hạt điều: DN Việt Nam bán hạt điều cho DN nước ngoài. Tuy nhiên, khi xuất hàng thì chất lượng không đạt.

Theo thỏa thuận trong hợp đồng, bên mua lựa chọn giám định viên để kiểm tra và kết quả cũng không đạt. DN trong nước bị bên mua hàng kiện. Tương tự, với mặt hàng sắt thép, DN Việt Nam mua sắt thép ở Nga, nhưng khi nhận hàng về thì phát hiện chất lượng không đạt chuẩn nên DN yêu cầu ngân hàng áp dụng biện pháp tạm thời ngưng không thanh toán tín dụng thư cho bên bán hàng. Bên bán hàng đã kiện đơn vị mua hàng.

Kết quả phán quyết, DN Việt rất sốc và bất ngờ khi bị bên bán hàng yêu cầu bồi thường 10 triệu USD trong khi khoản tiền tạm ngưng chưa thanh toán chỉ 1 triệu USD. Lý do bên bán hàng đưa ra là vì DN Việt Nam không thanh toán tiền hàng nên họ phải vay tiền, lãi mẹ đẻ lãi con và DN Việt Nam phải bồi thường mức đó...

Theo nhận định của LS Nết: Thường thì DN chỉ lưu tâm đến các vấn đề về thương mại như chất lượng, số lượng hàng hóa, thời gian giao - nhận mà bỏ quên các yếu tố về pháp lý như luật áp dụng, các điều khoản về giải quyết tranh chấp... nên dễ đưa DN đến “ngõ cụt” khi phát sinh mâu thuẫn. Để hạn chế tình trạng trên, ngay ở giai đoạn đàm phán, DN cần chủ động thỏa thuận với đối tác về những vấn đề này như một cách thức phòng ngừa trước với tranh chấp có thể xảy ra.

Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC cho biết: Thống kê của VIAC, hiện có đến 60 quốc gia, vùng lãnh thổ có giải quyết tranh chấp tại VIAC. Trong 11 nước CPTPP thì có 4 quốc gia có xuất nhập khẩu rất lớn đối với Việt Nam gồm: Nhật, Singapore, Malaysia, Úc. Trong đó, giải quyết tranh chấp tại VIAC nhiều nhất là Singapore, tiếp đến là Nhật Bản với các DN Việt Nam liên quan đến các hợp đồng mua bán ngoại thương.

“Việt Nam hội nhập sâu rộng quốc tế thì những Hiệp định song phương và đa phương ngày càng ký kết nhiều, DN Việt Nam có nhiều cơ hội xuất, nhập khẩu hàng hóa. Vì vậy, DN cần thận trọng với các điều khoản trong hợp đồng. Nếu có những tranh chấp phát sinh, phương thức trọng tài thương mại sẽ là phương thức hiệu quả giúp DN hạn chế tối đa những tổn thất, thiệt hại có thể xảy ra khi giao dịch với đối tác”, ông Bắc nhấn mạnh.

Thúy Hà
.
.
.