Nhận diện những rủi ro trong xuất, nhập khẩu

Thứ Hai, 15/04/2019, 07:29
“Qua theo dõi, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) Bộ Công Thương thấy có xuất hiện một số vụ kiện PVTM diễn ra ở một số nước đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, có cả các nước ở khu vực Đông Nam Á. Doanh nghiệp (DN) trong nước cần lưu ý vấn đề này.


Bởi, ngoài việc chúng ta có những cơ hội tiếp cận thị trường lớn hơn, một số mặt hàng được giảm thuế có cơ hội nhiều hơn, nhưng đi kèm theo đó cũng có một số mặt hàng đứng trước nguy cơ bị các nước kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM” ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) cho biết.

Theo phân tích của Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Luật sư thành viên Văn phòng Luật sư IDVN - Hà Nội, diễn biến thương mại Mỹ - Trung Quốc hiện vẫn chưa đi đến hồi kết, dẫn đến việc DN Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại này.

Ngành thép là một trong những ngành hàng bị kiện nhiều nhất tại thị trường nước ngoài.

Vấn đề hàng hóa Trung Quốc gặp trở ngại để vào thị trường Hoa Kỳ do bị áp thuế cao, đây là cơ hội cho DN Việt Nam có thể gia tăng thị phần vào thị trường Hoa Kỳ, nhưng song song với cơ hội đó, DN Việt Nam cũng phải cần chuẩn bị đầy đủ thông tin về những vụ việc PVTM được khởi xướng từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Thách thức này được xử lý bởi các DN xuất khẩu Việt Nam ngay tại thị trường nước ngoài và tại thị trường Việt Nam.

Bởi khi hàng hóa Trung Quốc bị chặn bởi thị trường Hoa Kỳ và một số thị trường khác, thì cũng đồng nghĩa với việc là sẽ có “dòng chảy” hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường này vào Việt Nam. Và chính DN Việt Nam phải đối phó với thách thức này bằng cách sử dụng công cụ PVTM.

Theo lãnh đạo Cục PVTM, PVTM gồm 4 biện pháp: chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, và chống lẩn tránh thuế. Để tránh bị áp thuế bán phá giá thì DN trong nước khi xuất khẩu một mặt hàng nào đó, giá bán sản phẩm không được thấp hơn giá bán tại thị trường Việt Nam.

Nếu giá thấp hơn thì đó bị coi là hành vi bán phá giá. Tuy nhiên, để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, nhiều quốc gia đã dựng lên “hàng rào” mục đích ngăn cản hàng nhập khẩu. Như thị trường Hoa Kỳ, khi áp dụng chống bán phá giá đối với hàng hóa Việt Nam thì họ áp dụng cơ chế cho nền kinh tế phi thị trường.

Với đặc điểm này, Hoa Kỳ coi Việt Nam không có thị trường đối với nguyên liệu và thị trường thành phẩm, dẫn tới việc Hoa Kỳ chỉ chấp nhận DN Việt Nam sử dụng các yếu tố đầu vào (nguyên liệu, công lao động, điện nước,...) và không công nhận chi phí sản xuất thực tế của DN.

Để tính chi phí sản xuất của DN Việt Nam, Hoa Kỳ căn cứ vào nước thứ ba có nền kinh tế thị trường (Banglades, Ấn Độ...) và điều này gây bất lợi cho DN Việt Nam vì chi phí của nước thứ ba thường rất cao, có khi còn cao hơn cả giá bán thành phẩm, khiến DN Việt Nam bị kết luận là bán phá giá.

“Đã có rất nhiều vụ việc chúng tôi tư vấn cho DN Việt Nam, thực tế là họ bán có lời, không DN nào bán lỗ, nhưng vẫn bị Hoa Kỳ kết luận bán phá giá”, LS Thảo cho biết.

Đối với điều tra chống trợ cấp tương tự chống bán phá giá, nhưng có điểm khác cơ bản là có đến 2 bị đơn gồm Chính phủ Việt Nam (trao trợ cấp, ưu đãi cho DN như: ưu đãi thuế, miễn thuế thu nhập DN, miễn thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất, vay...) và DN Việt Nam (nhận các khoản trợ cấp đó).

Với điều tra chống trợ cấp, DN Việt Nam cần lưu ý: Quan điểm của Bộ Thương mại Hoa Kỳ thì Việt Nam không có thị trường về đất đai và tài chính, nên các khoản vay của DN tại các ngân hàng có vốn của Nhà nước hoặc DN thuê đất từ các đơn vị có vốn Nhà nước đều bị coi là các khoản trợ cấp.

Nếu bị điều tra chống trợ cấp thì sự hợp giữa DN với Chính phủ là cực kỳ quan trọng. Nếu số liệu, thông tin cung cấp cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ hoặc cơ quan điều tra nước ngoài có sai lệch giữa DN và Chính Phủ sẽ dẫn đến hệ quả là DN sẽ chịu một mức thuế rất cao.

Ông Chu Thắng Trung cho biết, một số nước có truyền thống điều tra áp dụng nhiều nhất là Hoa Kỳ, các nước EU, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada. Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt những nước đã ký FTA với Việt Nam thì có Australia, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines.

“Bản chất của PVTM là khi nước ngoài kiện thì chúng ta luôn ở thế bị động, chính vì thế mà thường chỉ đến khi va vấp vào trường hợp cụ thể thì DN mới nắm kỹ, nắm sâu được các nội dung liên quan đến các biện pháp PVTM.

Vì vậy, trong tương lai chúng tôi mong các DN tìm hiểu sâu hơn các quy định, các nguyên tắt về việc áp dụng các biện pháp PVTM. Việc này có 2 mặt tích cực. Thứ nhất, khi DN xuất khẩu bị nước ngoài kiện thì DN nắm được ngay quy trình để biết cần chuẩn bị những gì.

Thứ hai, đối với DN sản xuất trong nước khi nắm được nguyên tắt cơ bản PVTM thì khi có dấu hiệu của hàng nhập khẩu từ nước ngoài nhập khẩu quá mức vào thị trường Việt Nam, gây thiệt hại đến DN sản xuất trong nước thì DN cũng biết cách tận dụng cơ chế, cụ công, chính sách thương mại được WTO cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình”, ông Trung khẳng định.

Đại diện Cục PVTM – Bộ công thương cho rằng, theo chỉ đạo của Chính Phủ, của Bộ Công Thương, Cục PVTM đang xây dựng, cập nhật, để nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm nhằm giúp DN dự báo trước được một phần những mặt hàng dễ bị kiện ở nước ngoài. Đồng thời, ở chiều ngược lại cũng sẽ theo dõi luồng hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Việt Nam để biết hàng hóa nào nhập khẩu đến mức có thể gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

Thúy Hà
.
.
.