Doanh nghiệp mất tích, nông dân chịu thiệt

Thứ Năm, 04/04/2019, 09:56
Thông qua hình thức liên kết sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp nhận tiền của nông dân rồi bỗng nhiên mất tích. Thực tế này đang xảy ra tại huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai và không biết bao giờ mới đi đến hồi kết...


Công ty cung cấp hàng dỏm

Năm 2016, Công ty TNHH Tuấn Đại An có trụ sở tại số 38 đường Lý Nam Đế, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, rầm rộ tổ chức hội thảo, giới thiệu nông dân huyện Chư Pưh đi tham quan các mô hình sản xuất chanh dây hiệu quả. 

Sau đó, nhằm tạo niềm tin cho nhân dân, công ty đã ký “hợp đồng hỗ trợ bao tiêu sản phẩm” với nội dung cơ bản là công ty cung ứng sản phẩm cây giống đảm bảo chất lượng và cam kết bao tiêu thu mua sản phẩm chanh dây với giá cố định là 6.000 đồng/kg; trường hợp giá thị trường cao hơn thì do 2 bên thỏa thuận. Khi cung cấp cây giống, công ty thu trước 1/2 tiền cây giống và bán vật tư cho người dân. 

Giống chanh dây của Công ty TNHH Tuấn Đại An ra lá xanh tốt nhưng không đậu quả.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, giá cây giống công ty cung cấp cao hơn khá nhiều với giá thị trường nhưng chất lượng không đảm bảo. Thiệt hại mà người dân phải chịu không chỉ là tiền mua giống, phân bón, mà thiệt hại lớn hơn ở khoản đầu tư vật tư như: trụ, dây kẽm, hệ thống tưới, công chăm sóc… tính ra cả trăm triệu đồng và bỏ cả một mùa vụ chăm sóc để đổi lại trắng tay.

Ông Trần Văn Ninh (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cho biết: Công ty cho đi tham quan, hội thảo và giới thiệu đây là giống cây phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên nhân dân rất tin tưởng. Bản thân ông đã thay mặt 4 hộ dân khác đứng ra ký kết hợp đồng với công ty để mua 1.200 cây giống với giá 28 nghìn đồng/cây. Tuy nhiên, trồng được 4 tháng cây chỉ ra hoa chứ không đậu quả. Trong khi đó, các vườn chanh dây nằm liền kề mua giống của đơn vị khác thì sinh trưởng và phát triển bình thường.

Tương tự, ông Lê Đầu (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cho biết thêm: Sau khi người dân phản ánh cây ra hoa nhưng không đậu quả, công ty đem thuốc xuống phun thì cây có đậu quả nhưng chỉ được khoảng 50%, số quả đậu này lại bị rỗng, xốp. Ngoài ra, phân bón và thuốc mà công ty cung cấp cũng không hề có nhãn mác hay đơn vị sản xuất. 

“Gia đình tôi cứ nghĩ cây chanh dây là cơ hội bấu víu để thoát khỏi khủng hoảng do cây hồ tiêu chết, nào ngờ lại tiếp tục lâm vào cảnh nợ nần. Bây giờ thì tôi không còn tiền để tái đầu tư nữa nên phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày”, ông Đầu bức xúc.

Công ty nhận sai rồi “mất tích”

Sau khi nhân dân có ý kiến bức xúc và trình báo sự việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh đã tiến hành xác minh và phát hiện nhiều sai phạm tại công ty này.

Ông Nguyễn Long Khánh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh thông tin: Tại thời điểm kiểm tra, công ty không có đăng ký ngành - nghề sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, công ty không xuất trình được các loại hồ sơ, hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ của cây giống chanh dây.

Cũng theo ông Khánh, công ty bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ dân không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Các chai thuốc đã bị công ty lột hết nhãn mác nên không xác định được sản phẩm đó là loại hàng hóa gì. 

Kiểm tra thực địa tại các vườn chanh dây của người dân mua giống của công ty này, cây phát triển bình thường, có ra hoa nhưng không đậu quả. Đối chiếu với giống chanh dây của công ty khác được người dân trồng cùng trên một thửa đất thì cây sinh trưởng tốt, ra hoa, đậu quả cho năng suất cao. 

“Đoàn kiểm tra xác định nội dung đơn người dân tố cáo Công ty TNHH Tuấn Đại An là đúng sự thật. Đại diện công ty cũng thừa nhận sai phạm và cam kết hỗ trợ nông dân”, ông Khánh thông tin thêm.

Theo thống kê, đã có 41 hộ dân thuộc 2 xã Ia Hla và Ia Blứ (huyện Chư Pưh) đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty TNHH Tuấn Đại An. Để khắc phục hậu quả, tại buổi hòa giải giữa công ty và các hộ dân xã Ia Blứ do UBND xã Ia Blứ tổ chức, đại diện công ty là bà Bùi Thị Diệu Hiền (chức vụ Phó Giám đốc) thống nhất phương án xóa nợ cho các hộ dân tham gia trồng chanh dây; đồng thời hoàn trả lại gần 269 triệu đồng cho các hộ dân. Thời gian công ty hứa trả tiền cho người dân là từ 30 đến 45 ngày, chậm nhất là 60 ngày, tính từ ngày 1-7-2017.

Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 năm, chưa có bất kỳ người dân nào nhận được tiền từ Công ty TNHH Tuấn Đại An. Người đại diện giao dịch của công ty cũng “lặn” mất tăm, số điện thoại không còn liên lạc được. Địa chỉ công ty tại số 38 Lý Nam Đế, TP Pleiku hiện không còn hoạt động và không rõ công ty đã chuyển đi đâu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Vang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ cho biết: Công ty liên kết sản xuất và ký hợp đồng không thông qua chính quyền địa phương nên khi người dân phản ánh chất lượng cây giống kém hiệu quả thì địa phương mới biết được sự việc. 

Kể từ sau buổi hòa giải đến nay, Công ty TNHH Tuấn Đại An không có động thái gì để thực hiện cam kết. Cán bộ xã và cả người dân đã liên hệ với số điện thoại của bà Hiền nhưng số máy không còn liên lạc được, trụ sở công ty cũng không còn hoạt động như trước. 

Sắp tới, chính quyền xã sẽ tổ chức họp các hộ dân chịu ảnh hưởng từ mua giống chanh dây của Công ty TNHH Tuấn Đại An để tổng hợp ý kiến và đề xuất cơ quan thẩm quyền xem xét, có giải pháp hỗ trợ.

An Khang
.
.
.