Nông dân chịu thiệt

Thứ Hai, 23/03/2009, 11:04
Từ năm 2002, lúc Công ty TNHH Omic (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) đưa vào khai thác cơ sở sản xuất, gia công kinh doanh các sản phẩm gia dụng bằng các loại vật liệu thép không gỉ, nhựa và gỗ, 81 hộ dân thuộc thôn Phương Độ, xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang đang canh tác trên diện tích 20,6ha luôn gặp chuyện chẳng lành.

Đầu tiên là năng suất lúa giảm rõ rệt mặc dù việc chăm bón, tưới tiêu và thời tiết rất bình thường. Tiếp đến, nông dân mỗi khi đi làm đồng về thấy ngứa ngáy chân tay. Càng về sau, từ bệnh ngoài da đã chuyển sang đường tiêu hoá, hô hấp. Tỷ lệ người mắc các triệu chứng nôn mửa, khó thở, hen suyễn ngày càng nhiều mà không biết nguyên nhân tại sao.

Nhưng rồi những bí ẩn đó nhanh chóng được giải mã: Do ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước, khí thải từ một số đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Trong đó, Công ty TNHH Omic được xác định là tác nhân chính.

Kể từ đó, người dân đã trực tiếp kiến nghị đề đạt với chính quyền địa phương và cả lãnh đạo Công ty Omic, yêu cầu doanh nghiệp này có ngay biện pháp xử lý chất thải, nước thải trước khi thải ra... ruộng của dân. Ngay cả lãnh đạo chính quyền xã, huyện cũng đã nhiều lần làm việc với các doanh nghiệp khác để bày tỏ thái độ gay gắt về việc sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và sức khỏe của người dân.

Một số doanh nghiệp đã chấp hành bằng cách đầu tư công nghệ xử lý chất thải, áp dụng các giải pháp sản xuất an toàn. Riêng Công ty Omic hầu như không thèm chú ý đến dư luận, ý kiến của người dân lẫn chính quyền sở tại. Việc sản xuất bằng công nghệ bẩn vẫn như không có chuyện gì xảy ra.

Và cũng do chất thải từ doanh nghiệp này chủ yếu là hoá chất độc hại nên mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Đến mức cả một cánh đồng trên 20.000m2 lúc nào cũng nồng nặc mùi hôi hắc, nước lúc đen, lúc vàng và trở thành cánh đồng bỏ hoang vì không một thứ lúa, rau nào có thể phát triển được trên những thửa đất chứa đầy axit, chất lơ lửng, lắng cặn không phân hủy.

Đáng lo ngại hơn, có thể ô nhiễm nước mặt kéo dài sẽ tác động đến hệ thống nước ngầm. Được biết đại đa số người dân địa phương lâu nay vẫn dùng nước giếng khoan để ăn uống, sinh hoạt. Do đó, sức khỏe người dân trong vùng bị đe dọa, cuộc sống của nông dân đã nghèo nay lại càng nghèo hơn.

Tỉnh bất lực?

Trước những bức xúc kéo dài của người dân, mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Sở TN&MT tiến hành thanh tra các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm trên địa bàn. Qua đó, đã "lên" được danh sách "đen" gồm 5 doanh nghiệp. Trong đó, Công ty TNHH Omic đứng đầu với kết quả giám định các mẫu nước thải đủ để làm các nhà chuyên môn giật mình vì mức độ ô nhiễm.

Sở TN&MT đã ra quyết định xử lý phạt hành chính đối với Công ty TNHH Omic ở mức... 28 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử lý như vậy đã không làm cho Omic nao núng để có thể thay đổi hành vi, nêu cao ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường.

Đây chính là lý do khiến UBND tỉnh và Sở TN&MT đã phải gửi công văn yêu cầu Công ty cần thực hiện ngay việc đánh giá hiệu quả của hệ thống xử lý nước thải hiện đang vận hành và đến trước ngày 30/3/2008 phải hoàn thành. Nếu không doanh nghiệp này sẽ bị buộc phải di dời đi nơi khác hoặc thu hồi giấy phép đầu tư!

Thế nhưng, cho tới nay vẫn chưa thấy Công ty TNHH Omic có động thái nào để gọi là khắc phục hậu quả môi trường. Đã đến lúc UBND tỉnh Hải Dương cần thắt chặt hơn nữa việc quản lý môi trường theo khuôn khổ luật pháp. Trong trường hợp này, sự cố tình gây ô nhiễm ở mức độ nghiêm trọng có thể phải xử lý theo luật hình sự

Lê Minh Triết
.
.
.