Doanh nghiệp lập lờ, nông dân chịu thiệt

Thứ Năm, 16/10/2008, 09:29
Đại diện Hội Nông dân (HND) xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định gửi đơn đến Báo CAND về việc Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Lam Sơn (Công ty Lam Sơn), Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thế Hợp không thực hiện đúng việc khuyến mại theo phiếu Hỗ trợ mua hàng đã phát khi thực hiện hợp đồng mua bán phân bón.

Đồng thời khi sử dụng phân bón NS, năng suất giảm. Việc mua bán diễn ra từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Bên bán: không chịu trách nhiệm

Sau khi nhận đơn kiến nghị của HND xã Xuân Châu, chúng tôi có trao đổi với Công ty Lam Sơn. Trong Công văn số 125/CV-LS do ông Nguyễn Như Sơn, Giám đốc Công ty Lam Sơn ký, nêu: Năm 2007, thực hiện chủ trương liên kết "4 nhà", Công ty Lam Sơn phối hợp với HND huyện Xuân Trường cung ứng phân bón NPK Con Ó, Công ty Thế Hợp cung ứng phân bón NS Hồng Kông.

Để nông dân hiểu và biết về cách sử dụng phân bón, hai công ty phối hợp với Trung tâm khảo nghiệm khuyến nông tỉnh Thái Bình giới thiệu cách sử dụng hai loại phân bón (vì phân bón NS không thể bón độc lập mà bắt buộc phải kết hợp với phân hóa học khác). Trong các hội nghị tập huấn, Công ty Thế Hợp đều thông báo tặng mỗi đại biểu về dự 2,5kg phân bón NS (khi đi mua hàng phải mang theo phiếu Hỗ trợ mua hàng để đối trừ). Trong đợt hội thảo tại HND huyện Xuân Trường có 9 xã được tập huấn, số phiếu tặng quà thu về 715.

Công ty Thế Hợp nhờ Công ty Lam Sơn trả hộ số quà trên là 715x2,5kg = 1.785,5kg. Trong đó HND xã Xuân Châu được thanh toán 154 phiếu x 2,5kg= 385kg. Việc thanh toán quà tặng cứ mỗi phiếu được Công ty Thế Hợp trả 2,5kg. Trong quá trình thanh toán, chỉ có HND xã Xuân Châu không thanh toán theo phương thức trên mà nông dân mua một bao NS được đối trừ 2,5kg.

Công ty Lam Sơn cho rằng, khiếu nại của HND xã Xuân Châu xuất phát từ nguyên nhân: Ban Thường vụ HND xã Xuân Châu không nắm được nội dung chi trả quà tặng cho đại biểu theo tinh thần thông báo của Công ty Thế Hợp tại buổi tập huấn.

Trong quá trình chi trả, không tham khảo ý kiến của HND huyện Xuân Trường và không liên hệ với Công ty Thế Hợp để được giải thích. HND xã Xuân Châu tìm đến Công ty Lam Sơn quá chậm trễ, khi phiếu Hỗ trợ mua hàng Công ty Thế Hợp nhờ Công ty Lam Sơn trả hộ đã quyết toán xong.

Ngoài ra, Công ty Thế Hợp thiếu sót khi trong phiếu Hỗ trợ mua quà sử dụng câu chữ không rõ ràng. Phiếu Hỗ trợ mua hàng do Công ty Thế Hợp phát cho các đại biểu, vì vậy công ty này phải có trách nhiệm cùng với HND xã Xuân Châu bàn bạc cách giải quyết.

Cũng trong công văn này, Công ty Lam Sơn cho biết sau hơn 1 năm phối hợp với Công ty Thế Hợp tiến hành làm các mô hình khảo nghiệm trên các loại cây trồng khác nhau dưới sự theo dõi của Trung tâm khảo nghiệm khuyến nông Thái Bình và đưa sản phẩm phân bón NS ra thị trường, công ty này nhận thấy sản phẩm phân bón NS Hồng Kông chất đảm bảo, năng suất cây trồng ổn định, có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống đổ khá tốt.

Tuy nhiên, đây là phân hữu cơ sinh học nên không thể bón độc lập mà phải kết hợp với các loại phân vô cơ khác, quy trình chăm bón phức tạp, rườm rà chưa phù hợp với tập quán canh tác của nông dân. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư không thấp hơn các loại phân bón trong nước sản xuất, là phân hữu cơ sinh học nên thời gian sử dụng ngắn, nếu để quá hạn chất lượng không đảm bảo.

Vì thế, từ cuối năm 2007, Công ty Lam Sơn đã chính thức trả lại hàng gửi kho và không ký hợp đồng bán hàng với Công ty Thế Hợp.

Không được để nông dân chịu thiệt

Căn cứ theo địa chỉ ghi trên phiếu Hỗ trợ mua hàng, chúng tôi đã tìm đến địa chỉ 93A Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội và được biết Công ty Thế Hợp đã chuyển đi từ năm trước. Liên hệ với tổng đài để tìm địa chỉ hai số điện thoại in trên phiếu, chúng tôi nhận được câu trả lời "không có số điện thoại này".

Trong hợp đồng kinh tế số 01/2007 HĐKT giữa Công ty Lam Sơn và HND huyện Xuân Trường, HND xã Xuân Châu không có điều khoản ràng buộc về việc tặng quà khuyến mại.

Tuy nhiên, HND xã Xuân Châu đã xuất trình phiếu Hỗ trợ mua hàng trong đó ghi "Nhân dịp Công ty TNHH TM&SX Thế Hợp tổ chức chương trình tập huấn và giới thiệu phân bón NutriSmirt (NS), sản phần cao cấp đến từ Hồng Kông. Công ty chúng tôi xin kính tặng 2,5kg phân bón NS cho mỗi bà con khi mua 1 bao phân NS khối lượng 25kg". Cũng trên tờ phiếu này ghi rõ hiệu lực đến ngày 22/2/2007.

Căn cứ vào nội dung này, nếu nói như Công ty Lam Sơn rằng Công ty Thế Hợp sử dụng câu chữ không rõ ràng là không đúng, có chăng khi phổ biến cách thức nhận quà không cặn kẽ, dẫn đến hiểu lầm. Trong khi đó, theo quan điểm của Công ty Lam Sơn thì việc giải quyết không thuộc trách nhiệm của công ty này mà phải là Công ty Thế Hợp.

Tuy nhiên, đó chỉ là quan điểm để rũ bỏ trách nhiệm. Bởi, nếu nói về vấn đề chất lượng phân bón NS, Công ty Lam Sơn không nghiên cứu, xem xét kỹ trước khi bán cho nông dân. Chỉ đến khi đã qua sử dụng, thấy có nhược điểm thì công ty này mới trả lại hàng và ngừng ký hợp đồng với Công ty Thế Hợp.

Cuối cùng, người chịu thiệt vẫn là nông dân. Bà con nông dân đã dùng phân bón do tin tưởng vào lời giới thiệu khi tập huấn. Công ty Lam Sơn cũng phải có trách nhiệm cùng Công ty Thế Hợp giải quyết đơn thư của HND xã Xuân Châu. Không thể để người nông dân phải chịu thiệt khi họ đã quá vất vả trên đồng ruộng

Cao Hồng - Việt Hà
.
.
.