Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua

Thứ Sáu, 24/04/2020, 12:58
Trong cuộc họp báo công bố số liệu tình hình lao động việc làm quý I/2020 sáng 24-4, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) Phạm Quang Vinh cho biết, sự bùng phát của dịch COVID-19 trên toàn cầu không chỉ tạo ra cuộc khủng hoảng y tế mà còn là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với kinh tế và thị trường lao động toàn cầu. 

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và việc làm của người lao động; đặc biệt, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua.

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và báo cáo đánh giá của các địa phương về tình hình lao động việc làm, tính đến giữa tháng 4-2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất (hơn 1,2 triệu lao động), tiếp đến là lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ (hơn 1,1 triệu lao động) và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (gần 740 nghìn lao động). 

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua.

Theo ông Vinh, có khoảng 84,8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với hơn 90% doanh nghiệp lớn và vừa tự đánh giá là gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm 2020.

Theo đó, có khoảng gần 67% doanh nghiệp đã thực hiện ít nhất một trong bốn giải pháp về lao động để ứng phó với tác động của dịch COVID-19 bao gồm: cắt giảm lao động, cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, cho lao động nghỉ việc không lương, giảm lương người lao động; trong đó, “cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên” là giải pháp được áp dụng phổ biến nhất (gần 34% doanh nghiệp thực hiện) và trên 25% doanh nghiệp thực hiện “cắt giảm lao động”. 


Lưu Hiệp
.
.
.