Người lao động làm việc ở nước ngoài phải giữ thể diện của Việt Nam với thế giới

Thứ Hai, 20/04/2020, 17:49

Đó là quan điểm của nhiều thành viên trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) chiều 20/4. 


Giảm tối đa chi phí cho người lao động

Bộ trưởng Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ trình dự án luật nêu cụ thể những sửa đổi, bổ sung cơ bản của luật. Theo đó, dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 8 chương và 79 Điều, giảm 1 điều so với Luật hiện hành; bãi bỏ 7 Điều, bổ sung mới 8 Điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều trong tất cả các chương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên hop

 Trong đó,  Cơ quan soạn thảo luật đề nghị bổ sung đơn vị sự nghiệp tại địa phương được bổ sung vào danh sách được đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 43). Bổ sung các quy định về minh bạch quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, quy định về chi phí đối với người có nhu cầu nhằm giảm thiếu tối đa chi phí đối với người lao động…

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Một trong những điểm mới nữa đó là  tại điều 68, Chính phủ muốn mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Cụ thể, dự thảo luật bổ sung quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính ngoài ngân sách; được quản lý bởi Hội đồng quản lý và Ban Điều hành quỹ bỏ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho Quỹ.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bổ sung quy định về các nội dung được chi từ Quỹ. Theo đó , có 8 nội dung hoạt động được chi từ Quỹ chủ yếu cho hoạt động mang tính chất thúc đẩy phát triển thị trường có chất lượng, phòng ngừa rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức trong lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Phát biểu thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với đề xuất của Chính phủ về sự cần thiết có Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước với những lý do, lập luận trong hồ sơ dự án luật. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị cân nhắc về sự cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước vì hoạt động của Quỹ trong thời gian qua không phát huy được vai trò và hiệu quả.

Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh

Đại diện Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá  hồ sơ dự án luật chưa giải trình cụ thể đối với hoạt động của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, chưa bổ sung báo cáo đánh giá thực chất sự cần thiết tiếp tục duy trì và hiệu quả trong quản lý, sử dụng Quỹ, làm rõ mối quan hệ của Quỹ với các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong những năm qua nên chưa đủ cơ sở đánh giá, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo luật bổ sung đánh giá, giải trình cụ thể về tính hợp lý, không trùng lắp nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, của doanh nghiệp, các quỹ an sinh xã hội, tính khả thi và việc bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả của Quỹ này.

Phải giữ thể diện của Việt Nam với thế giới

Thảo luận về dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội làm rõ quy định về tiêu chuẩn của người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đồng thời phân tích, người Việt ra nước ngoài lao động, ngoài mục đích tìm kiếm thu nhập thì còn vấn đề lớn liên quan đến thể diện của Việt Nam với thế giới. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu so sánh  việc đưa người đi lao động ở nước ngoài giữa Việt Nam  và  Philippines, nêu rõ, Philippines nổi tiếng về việc xuất khẩu lao động, khu vực này những năm qua đã tạo ra cán cân thanh toán quốc tế luôn luôn thặng dư cho đất nước.

 “Điểm mạnh của những người lao động Phillipines là khả năng ngoại ngữ, khả năng chuyên môn và sự tuân thủ quy định, pháp luật nước sở tại, tức khả năng thích ứng,  những phẩm chất đó, người lao động Philippines được học ngay ở trong nước” – ông Giàu cho biết và nêu thông tin hàng ngày, vẫn không ít những thông tin được phản ánh về việc người lao động Việt Nam vi phạm pháp luật, đánh bài, nhậu nhẹt, gây rối ở nước ngoài. Những thông tin thường xuyên được phản ánh đó rất buồn vì nó ảnh hưởng tới sĩ diện, thể diện quốc gia.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại đề nghị phải thay đổi tư duy, cần nâng dần tiêu chuẩn, người nào phải đạt trình độ nhất định mới được ra nước ngoài làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình quan điểm của Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, đồng thời lấy ví dụ về những người lao động bất hợp pháp buộc phải trở về nước do dịch bệnh nghiêm trọng ở nước sở tại.

 “Những lao động bất hợp pháp này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của nước ta. Khi xảy ra dịch bệnh, dù không bỏ rơi nhưng khi hỗ trợ hồi hương thì sau khi hết cách ly, chữa bệnh thì phải có chế tài xử lý, có thể phạt hành chính, thậm chí có thể phạt cải tạo không giam giữ…Người lao động phải giữ được giá trị, phẩm giá người Việt Nam chứ không thể ra nước ngoài đi rồi làm ảnh hưởng đến đất nước” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xác nhận đã từng tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh các vấn đề tiêu cực về người lao động Việt Nam tại nước ngoài. Mới đây, Đại sứ Nhật Bản gặp bà cũng phản ánh việc người lao động Việt hết hạn hợp đồng trốn ở lại làm việc chui gây khó khăn cho cơ quan quản lý sở tại. 

“Thực tế có nhiều gia đình khá lên, nhiều làng xây nhà tầng, biệt thự nhờ lực lượng người lao động ở nước ngoài. Nhưng cũng không những trường hợp thương tâm, nhức nhối, gây ảnh hưởng sĩ diện của quốc gia, dân tộc” – Chủ tịch Quốc hội nhận định và yêu cầu đặc biệt quan tâm tới ngành nghề đưa lao động ra nước ngoài làm với định hướng hạn chế lao động giản đơn, chuyển sang ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn thay vì sang Trung đông là làm nghề xây dựng, đi Đài Loan làm giúp việc, sẽ có thêm nhiều kỹ sư dầu khí Việt sang Kuwait làm với mức lương 10-20 ngàn USD/tháng. Đồng thời đề nghị cần thiết kế chính sách để người lao động sau khi ra nước ngoài làm việc có thể bố trí đúng chuyên môn, sở trường tại các doanh nghiệp trong nước để tránh lãng phí tay nghề và nhân lực.

Xử lý nghiêm hành vi trục lợi đối với người lao động

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Luật phải cải cách hành chính, tạo sự minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có quy định rõ, chặt chẽ để xử lý nghiêm hành vi lợi dụng việc đưa lao động ra nước ngoài nhằm trục lợi, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động khi gặp khó khăn, bỏ rơi người lao động ở nước ngoài...

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh luật phải khắc phục, xử lý được bất cập, hạn chế của luật hiện tại cũng như việc tổ chức thực hiện luật. Nhiều sai phạm cho thấy tổ chức thực hiện không tốt, lợi dụng rất nhiều, người lao động bị lừa gạt, lợi dụng, chèn ép. Người lao động ở nước ngoài không chỉ mang lại thu nhập mà còn liên quan đến hình ảnh, danh dự đất nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt bày tỏ băn khoăn khi thời gian vừa qua, hành vi lợi dụng chính sách này quá nhiều nhưng phát hiện và xử lý không kịp thời, không nghiêm. Vậy luật này có lỗ hổng gì không? Có ý kiến nói khâu tổ chức thực hiện không tốt nhưng cũng có có ý kiến cho rằng luật phải chặt chẽ hơn.

“Thành tựu đạt được thì lớn rồi, nhưng việc lợi dụng làm mất hình ảnh, làm khổ người dân không phải ít. Cần nghiên cứu thắt chặt, đồng bộ hơn, không đơn thuần về thủ tục mà làm thế nào tổ chức, cá nhân không lợi dụng được để làm ăn phi pháp” – ông Võ Trọng Việt nêu ý kiến.

Phương Thuỷ
.
.
.