Vụ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Tiên (Kiên Giang) “ngâm” hồ sơ:

Xử lý trách nhiệm, rà soát, tháo gỡ cho người dân

Thứ Năm, 18/05/2023, 15:59

Liên quan bài viết: “Đất người dân vướng quy hoạch do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai “ngâm” hồ sơ (?)” đăng tải trên Báo CAND vào ngày 11/12/2022, về việc 10 hộ dân thuộc các: ấp Hoà Phầu, Rạch Núi, Rạch Vượt và Xoa Ảo (xã Thuận Yên, TP Hà Tiên, Kiên Giang) cho rằng Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Tiên “ngâm” hồ sơ, chậm đo đạc theo hồ sơ đăng ký cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hơn một năm khiến đất của họ bị “vướng” vào quy hoạch đất sử dụng đến năm 2030, PV Báo CAND đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Tiên, cũng như phòng, ban chuyên môn, địa phương có liên quan để làm rõ các nội dung.

Tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Việt, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Tiên cho biết, thông tin báo chí phản ánh về việc chậm đo đạc theo hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ của người dân là đúng. “Nguyên nhân chủ quan là do viên chức được giao nhiệm vụ thiếu tinh thần trách nhiệm, khi đo đạc xong và xử lý số liệu phát hiện nằm ngoài bản đồ địa chính, thửa đất chưa có đăng ký đất đai không báo ngay cho lãnh đạo để xin ý kiến xử lý. Đồng thời, lãnh đạo phụ trách thiếu kiểm tra, đôn đốc kịp thời dẫn đến hồ sơ đo đạc kéo dài. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đã tiến hành tổ chức họp kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 3 đồng chí phụ trách đo đạc của các hộ dân, đồng thời cắt hết thi đua khen thưởng trong năm 2022, chuyển vị trí công tác 3 đồng chí sang bộ phận khác” – ông Việt thông tin.

Xử lý trách nhiệm, rà soát, tháo gỡ cho người dân -0
PV Báo CAND trao đổi thông tin với lãnh đạo TP Hà Tiên.

Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Tiên lý giải thêm, một trong những nguyên nhân liên quan là do số lượng đăng ký đo đạc đất đai thời điểm này nhiều, nhân sự cũng như trang thiết bị còn thiếu so với yêu cầu. Mặt khác, do công tác phối hợp với UBND xã Thuận Yên chưa đồng bộ, việc cán bộ địa chính xã Thuận Yên lập danh sách đăng ký đo đạc gởi cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thiếu thông tin để liên hệ gây khó khăn trong việc phối hợp. Các thửa đất đăng ký đo đạc là đất giáp núi, địa hình phức tạp, người dân không phát hoang nên việc đo đạc gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa là do các hộ đăng ký đo đạc để cấp GCNQSDĐ đất lần đầu nằm ngoài ranh bản độ địa chính.

Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Tiên khẳng định: “Đến nay, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai phối hợp với UBND xã Thuận Yên đã tiến hành đo đạc được 8/10 hồ sơ và đã gửi lấy ý kiến của Ban Quản lý rừng Kiên Giang nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phúc đáp”.

Tuy nhiên, khi PV Báo CAND trao đổi với ông Nguyễn Minh Trí, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng Kiên Giang thì được cho biết, vào ngày 22/3/2023, Ban Quản lý rừng Kiên Giang đã có công văn phúc đáp 2 công văn của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Tiên.

Đại diện lãnh đạo các phòng, ban liên quan của TP Hà Tiên cho biết, hiện nay, chủ trương của UBND tỉnh Kiên Giang là giao cho sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành của tỉnh và UBND thành phố đang rà soát, kiểm tra lại vị trí và diện tích 3 loại rừng. Sau khi đã rà soát điều chỉnh diện tích 3 loại rừng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Căn cứ các quy định của Luật Đất đai hiện hành nếu các hộ có đủ điều kiện và nhu cầu cấp GCNQSDĐ, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét từng trường hợp cụ thể theo quy định.

Xử lý trách nhiệm, rà soát, tháo gỡ cho người dân -0
Phần đất 10 hộ dân ở xã Thuận Yên (TP Hà Tiên, Kiên Giang) đăng ký cấp GCNQSDĐ.

Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Chính, Bí thư Thành ủy – Chủ tịch UBND TP Hà Tiên cho biết, hiện TP Hà Tiên đang chờ ý kiến của Ban Quản lý rừng Kiên Giang. 

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Tiên, thành phố đang và sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại những diện tích nào không còn phù hợp thì đưa ra khỏi đất rừng. Nếu khi đưa ra khỏi đất rừng, người dân đã canh tác ổn định, có yêu cầu thì sẽ xem xét xử lý cấp GCNQSDĐ cho người dân. TP Hà Tiên đang kiến nghị đưa ra khỏi đất rừng đối với những diện tích không còn phù hợp theo quy hoạch trước đây.

Như Báo CAND đã thông tin, 10 hộ dân, gồm: Trần Thị Hồng, Quách Thị Bông, Trần Văn Dũng, Nguyễn Thị Nguyệt, Đinh Tú Anh, Trần Minh Đức, Lâm Thị Vinh, Trần Mỹ Phượng, Nguyễn Thị Lưu và Đinh Văn Đạt trình bày, họ đều là những người dân sinh sống, canh tác ổn định diện tích đất tại địa phương từ trước năm 1978 đến nay và không xảy ra tranh chấp. Trên phần đất này, các hộ dân chủ yếu trồng tiêu và một vài loại cây ăn trái. Tuy nhiên, do cuộc sống khó khăn nên họ không làm GCNQSDĐ.  Đầu năm 2021, những hộ dân này đến UBND xã Thuận Yên làm hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ và được UBND xã tiếp nhận hồ sơ. UBND xã Thuận Yên sau khi tiếp nhận hồ sơ đã kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, kiểm tra sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

Sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định, Hội đồng xét duyệt hồ sơ của xã về nguồn gốc sử dụng đất của người dân đối với thửa đất xin đăng ký cấp GCNQSDĐ thống nhất thông qua và chuyển hồ sơ của các hộ dân đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Tiên để thẩm định và chuyển đến bộ phận đo đạc tiến hành đo đạc thực tế thửa đất và tiến hành các bước trong quy trình cấp GCNQSDĐ theo quy định. Tuy nhiên, từ ngày nộp hồ sơ đến hơn một năm sau, những hộ dân này không hề nhận được phản hồi hay thông báo nào từ phía cơ quan chức năng liên quan.

Đến tháng 10/2022, sau thời gian dài chờ đợi, các hộ dân đến UBND xã Thuận Yên hỏi thông tin về hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ của mình thì bất ngờ được cán bộ địa chính xã Thuận Yên trả lời đất của họ đã vướng Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và Quy hoạch đã điều chỉnh khu vực vành đai bảo vệ rừng thuộc chân núi trên thành quy hoạch rừng phòng hộ, do UBND tỉnh Kiên Giang ký duyệt ngày 22/7/2022.

Trần Lĩnh
.
.
.